Quý “Bừa” đã từng thất bại, cầu nối đem con chữ cho trẻ em vùng cao
Anh Phạm Đình Quý từng là giám đốc một công ty xây dựng. Sau khi công ty phá sản, anh cũng bỏ việc. Rảnh, anh tham gia hoạt động từ thiện, “chém gió phần phật” trên các diễn đàn với nick “Bừa”, từng rất lừng lẫy trên Webtretho.
Nhớ lại về cơ duyên dẫn lối đến công việc kỹ sư xây trường tình nguyện “toàn thời gian”, anh Quý cho biết: “Câu chuyện được bắt đầu từ một lần tôi vô tình lên Mường Lát chở đồ tặng các cháu cùng một nhóm từ thiện. Hôm ấy, trời đổ cơn mưa lớn, tôi đi ngang qua căn nhà bán trú dột nát của các cháu mà quên luôn cả việc đi tặng quà, cứ đứng đấy suy nghĩ một hồi lâu. Hầu hết học sinh ở nơi đây đều là những em nhà rất xa, chưa kể địa hình hiểm trở, muốn học con chữ thì đều phải ở lại trong căn nhà bán trú này. Vậy mà, dột nát thế này sao ở”.
Để xây một ngôi trường trên núi cao, khâu vất vả nhất là vận chuyển vật liệu và xây móng đổ nền. Lúc đó, cả bản Táo cùng tập trung, người đập đá, người gùi gạch, gùi cát, xi măng… không khí vui như ngày hội. Khi công việc quan trọng được hoàn thành, người dân tiếp tục, người đánh vữa, người khuân gạch, người đun nước,… để xây phần tường. Mọi người sát cánh bên nhau chẳng khác gì một gia đình.
“Bắt tay vào mới thấy xây nhà trên núi việc gì cũng khó. Dốc núi quanh co, gần như dựng đứng, xe chở tôn vào gần đến nơi thì gãy cầu. Rất may, bà con dân tộc và các thầy cô giáo nghe tin đội xây dựng gặp khó đã tự nguyện dùng sức mình để vận chuyển từng viên gạch, từng bao xi măng lên chỗ xây dựng. Qua mấy tháng, tiền hỗ trợ đã cán mốc 670 triệu, chúng mình quyết định xây thêm từ bốn căn phòng bán trú, làm thêm bếp, nhà vệ sinh, bể nước và cả sân chơi”.
Anh vẫn luôn nhớ về điểm trường đầu tiên ở Mường Lát như một dấu mốc lớn của cuộc đời, bởi cái khó khăn lần đầu được trải nghiệm cho anh thứ xúc cảm không bao giờ quên. Xây xong, thừa tiền ủng hộ, anh xây thêm cái thứ 2, thứ 3 cho học sinh vùng cao. Cho đến tận bây giờ, 5 năm với hành trình tìm đến 100 điểm trường khắp cả nước, là sự khó khăn, gian nan không hề nhỏ, nhưng cả quãng thời gian đó chưa bao giờ anh Quý thấy khổ, chỉ thấy niềm vui, tiếng cười và niềm hạnh phúc khi được cho đi.
Tính đến nay, anh đã gắn bó với công việc này được hơn 5 năm và trải qua nhiều gian nan, trở ngại, trong đó miền Trung là một trong những nơi để lại trong anh nhiều kí ức khó phai nhất.
Năm 2016, khi dự án đã qua giai đoạn khởi động, anh quyết tâm đặt mục tiêu xây dựng 26 ngôi trường tại miền Trung và Nam Trung Bộ vào cùng một thời điểm. Ngân sách phải kêu gọi ủng hộ, cộng thêm một núi công việc cùng một lúc ở 26 điểm trường, thế nên anh phải vất vả sớm hôm, không có lấy một ngày nghỉ. Khó khăn còn chồng chất khó khăn. Thời gian anh Quý xây trường, thời tiết không ủng hộ, bão kéo dài. Chính tay anh phải đi thuê nẹp để giữ mái khỏi bay, may sao không điểm trường nào bị tổn thất nặng nề.
Đêm bàn giao thi công, căn nhà mới được thắp điện rực lên giữa rừng xanh núi thẳm. Anh Quý ngồi nhìn ứa nước mắt.
Bất kỳ nhóm thiện nguyện nào khi kêu gọi được một khoản tiền lớn, hỏi nhau làm gì cho thiết thực nhất? Cứ đưa cho anh Quý “Bừa” nhờ xây một cái trường cho trẻ em vùng núi. Số tiền ấy thuê thợ sẽ thiếu nhưng anh luôn biết xây theo “giá từ thiện” nên sẽ ổn.
“Đến bây giờ, mình đã xây được 105 trường, vượt qua chỉ tiêu 100 cái. Thực ra mình nghĩ mình không thể dừng lại con số 100 vì nó “gối đầu” liên tục. Cứ thấy các cháu khổ mình lại tiếp tục xây, tiếp tục cố gắng. Bây giờ mục tiêu của mình là bao giờ yếu thì thôi.
5 năm nhìn lại cả chặng đường, biết bao người đã giúp đỡ, biết bao nhà hảo tâm đã tin yêu và ủng hộ dù chưa 1 lần gặp mặt. Đó là 1 tài sản vô giá, là “món nợ” tươi đẹp của cuộc đời. Nợ tiền thì mình đang nợ nhiều lắm, nhưng nợ tình thì có lẽ kiếp này mình không trả đủ đâu”.
Tình yêu thương gom lại “gửi” đến những nơi xa xôi
Ý tưởng sơ khai về xây trường “giá từ thiện” lúc đầu, tính đến nay, anh Quý đã hoàn thành xây dựng được hơn 100 ngôi trường, tương đương hàng chục tỉ tiền quyên góp của vô số mạnh thường quân cả nước.
Hỏi về bí quyết làm thế nào để kêu gọi được số tiền ủng hộ khổng lồ đến thế, anh cười, nói: “Nếu không có mạng xã hội, không có Facebook, chắc chắn tôi sẽ không thể làm được nhiều như vậy”. Đối với anh Quý, Facebook không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần để giải trí, liên lạc,… như bao người khác mà còn là một công cụ đắc lực giúp anh lan tỏa những hình ảnh, mẩu phim ngắn về cuộc sống khó khăn của các em nhỏ vùng cao, về những ngôi trường mái lứa đơn sơ và về chính hành trình kì diệu của mình.
Anh Quý đã vượt hơn 365.000 km dọc khắp đất nước trong vòng 5 năm, tương đương khoảng 9 vòng Trái đất, đến bao miền đất xa xôi hẻo lánh nơi địa đầu tổ quốc, nhưng khi đặt chân tới Nậm Luông (Lũng Hồ, Hà Giang), anh chợt chạnh lòng. Hà Giang dẫu đẹp nhưng lại nghèo.
“Mình đi xây hơn 100 trường, gặp biết bao nhiêu người nhưng mình không nghĩ khi đến xã Lũng Hồ lại có nhiều điểm trường nghèo đến thế. Nghèo một cách tăm tối, nhất là ở Nậm Luông. Vào 10 nhà dân thì nhà nào cũng có người bị ốm, nằm liệt giường. Cái chết của họ đơn giản và không ai biết đến”.
Điểm trường Tiểu học Nậm Luông nằm trên một con dốc cao. Thứ duy nhất để phân biệt trường học với những căn nhà xung quanh là tấm bảng dựng tạm bợ. Là một ngôi trường xuống cấp, dột nát chỉ với 2 phòng học và một phòng giáo viên, nhưng cũng đầy chắp vá. Mùa đông gió thổi từng cơn, mùa mưa nước lênh láng ngập phòng. Điện không có, cửa cũng không, bàn ghế xuống cấp không đủ tiêu chuẩn cho học sinh ngồi viết.
Với mỗi điểm trường từ Điện Biên tới Lai Châu, Bắc Kạn, Hà Giang,… trung bình được xây nên từ 10.000 viên gạch, 30 khối cát và khoảng 10 tấn xi măng. Những con số biết nói này chứng minh một thứ sức mạnh phi thường của người thợ cả. Anh Quý từng thổ lộ, bản thân anh luôn tìm những điểm trường khó khăn nhất để làm. Càng ở sâu, xa, điều kiện đường sá càng khắc nghiệt nhưng anh chưa từng từ chối bất cứ đề nghị nào.
“Bọn trẻ con rất vui vì tất cả động lực đều xuất phát từ chúng. Ngày trước chưa có trường học, chúng rủ nhau đi cạo mủ cao su được hơn 100.000 đồng mỗi ngày. Khi có trường rồi chúng quay về. Chứng kiến sự thay đổi ở mỗi điểm trường, mình nhận ra sự đầu tư về tri thức chưa bao giờ là thừa. Có cái chữ, các em nhìn đồi trọc sẽ biết trồng cây gì, nuôi con gì để làm giàu cho quê hương. Đó mới là giá trị con người, mình nghĩ như vậy!”.
Nhìn con số 10, 20, 30 ngôi trường các bạn có thể nghĩ rằng “vậy là đã ổn”, nhưng không, anh Quý từng cảm thấy chạnh lòng với chính mình, với chính nghề xây dựng. Anh nghĩ: 40 năm cuộc đời, quay lại xem mình làm được gì? Chưa được gì cả. Quyết định kêu gọi bạn bè xây nhà bán trú cho các em ở Mường Lát là sự khởi đầu cho chuỗi ngày anh tìm lại đúng bản ngã cuộc đời.
Một câu hỏi nữa cũng rất nhiều người thắc mắc, anh Quý xây trường từ thiện như vậy là có công hay không công? Câu trả lời luôn nhất quán: tiền khảo sát (thường mất từ 1-3 triệu mỗi điểm trường) hầu như không công. Tiền bản vẽ, giám sát, quản lý… tất cả gộp lại anh tính công mình bằng công một thợ xây. Trong trường hợp quản lý nhiều điểm xây dựng, anh chỉ tính công mình bằng nửa công thợ xây. Không hơn!
Khó khăn nhất trên hành trình xây trường, không phải vực sâu thăm thẳm, cũng chẳng phải những cung đường phóng vượt tầm mắt, ấy là niềm tin nơi bà con dân bản. Với người dân thì đơn giản lắm. Họ nghèo, cùng theo đó là những tập tục cổ hủ lạc hậu và bảo thủ. Nhưng tất cả thói xấu của họ đều dễ dàng có cách khắc phục bằng sự chân thành, chia sẻ khó khăn, cùng làm, cùng chuyện trò gần gũi. Và cuối cùng, họ đã tích cực cùng chung sức để xây dựng những ngôi trường mới bằng tình yêu thương của chính họ.
“Vì mình thấy yêu thương dân bản, trẻ em vùng cao như yêu thương chính người thân của mình. Nhiều lúc mình nghĩ nếu đây là con mình thì sao, chúng cũng có quyền hạn cơ bản của một con người là được sinh ra và lớn lên.
Nói về hoạt động lâu dài thì có lẽ cá nhân mình không đủ sức, nhưng mình có nhiều bạn bè chuyên về tủ sách, áo ấm hay dạy học. Chúng mình sẽ cùng nhau gom tất cả tình thương về những nơi xa xôi nhất dựng nên những ngôi trường mới, tuy không quá khang trang nhưng đủ để giúp lũ nhỏ biết mặt chữ, con số”.
Câu hỏi niềm cảm hứng nào đưa anh “lạc lối” đến những miền núi cao, nơi xa xôi hẻo lánh nhất của đất nước? Anh Quý chỉ cười, đáp gọn lỏn.
“Đối với các tỉnh nghèo miền núi phía Bắc, việc xây trường cho các cháu rất nhân văn. Lũ trẻ không cần một ngôi trường có kiến trúc, quy mô đẹp, chúng chỉ cần có nơi để học. Mình nghĩ những người nào làm được ra tiền thì không có thời gian, còn những người có thời gian thì người ta không có tiền. Mình dùng toàn bộ sức lực tổng hợp những cái “tốt” lại để có một giá trị đích thực”.
Bao nhiêu điểm trường được xây nên là bấy nhiêu kỷ niệm đầy vương vấn. Anh Quý tự nhận mình là một con thoi đi lại giữa trùng điệp núi non. Cứ khoảng 1 – 2 ngày ở điểm trường này, anh lại di chuyển tới điểm trường khác. Anh về thăm nhà rất ít, một năm chắc được 5 – 7 lượt. Nếu không vướng bận gì, anh cứ men theo hình tam giác của biên giới phía Bắc mà đi.
Nhiều khi nghĩ lại, anh Quý cảm thấy điều may mắn nhất trên hành trình này chính là sức khoẻ. Mỗi sáng cứ mở mắt ra chứng kiến công việc tốt đẹp, anh lại tiếp tục bước về phía trước. Nếu có một ngày bỗng lăn đùng ra ốm, có lẽ trước mắt thì chưa nhưng sau này chắc sẽ có, thì anh sẽ lấy nụ cười của lũ trẻ làm động lực để vượt qua tất cả. Chỉ cần nhìn thấy sự đổi thay của từng đứa, nhìn chúng hồng hào hơn, béo đẹp hơn, biết bập bẹ vài ba từ tiếng Kinh thôi, cũng sẽ là liều thuốc tinh thần lớn nhất dành tặng anh.
“Mình có một kỷ niệm khi đến Nghệ An khánh thành trường. Dân bản khi ấy có mổ lợn, mổ gà mời những người lớn tới ăn, nhưng mình không thấy phụ nữ và trẻ em đâu. Sau khi ăn xong, mình xuống công trình thấy bọn trẻ ngồi chơi rất xa. Nhìn kĩ, hoá ra chúng đang nhặt những mẩu xương ăn một cách ngon lành. Thực sự mình quá xúc động. Mình nghĩ có thể mình đã quên chúng trong chốc lát, nhưng mình sẽ rút kinh nghiệm ở các điểm trường khác. Mình hy vọng, các cháu đều sẽ cùng được ăn những bữa cỗ hoành tráng”.
Buổi đêm trước khi khai giảng điểm trường Nậm Luông, anh Quý vẫn luôn trằn trọc, ngày mai nếu có mổ lợn, mổ gà, ắt phải cho lũ nhỏ cùng ăn. Đêm ấy, Nậm Luông đen đặc bốn góc trời, mây và trăng hoà vào làm một. Khung cảnh xung quanh chỉ một màu tối u uất, thỉnh thoảng leo lét ánh sáng vài chiếc đèn pin nhỏ. Ở nơi đây, cuộc đời mai sau của lũ trẻ phụ thuộc phần nhiều vào chính chúng nó.
Ngày hôm ấy, dân bản Nậm Luông vui lắm. Ai cũng bảo sao được tặng đồ nhiều thế anh Quý?
Anh trả lời, “Bởi cho đi là thứ dễ làm nhất của cuộc đời này mà”.
Kỹ sư Phạm Đình Quý được đề cử là một trong những nhân vật truyền cảm hứng của We Choice Award 2018.