Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung – “Một mũi thép sắc nhọn, một cây thông vút ngọn lên cao trong bão táp của sáng tạo nghệ thuật”

Năm sinh: 1912 tại làng Xuân Tảo, Từ Liêm, Hà Nội
Năm mất: 22/9/1977
Phong cách nghệ thuật: Tranh sơn mài
Các tác phẩm chính: Du kích La Hay tập bắn (1947), Làm kíp lựu đạn, Bài ca Nam tiến (1947), Khai hội, Học hỏi lẫn nhau (1960), Công nhân cơ khí (1962), Tan ca mời chị em ra họp thi thợ giỏi, Cổng thành Huế, Cổng làng (bột màu), Từ Hải (khắc gỗ màu), Vẽ tranh bìa cho tập “Xuân thu nhã tập”.

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học ở Hà Nội, có cha là cụ tú Nguyễn Đỗ Mục – một nhà nho yêu nước hoạt động trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Nguyễn Đỗ Cung tốt nghiệp khóa 5 (1929-1934) Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ra trường, ông mở xưởng tranh sơn mài, sau nhượng lại cho hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí. Trước Cách mạng tháng Tám (1945), ông dạy vẽ ở nhiều trường tư thục tại Hà Nội và Huế, từng làm Tổng thư kí Hội Khuyến khích Mĩ thuật và Kĩ nghệ (SADEAI). 

Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Đỗ Cung là một trong ba nghệ sĩ được vào Phủ Chủ tịch trực tiếp vẽ và nặn tượng về Bác Hồ. Khi toàn quốc kháng chiến (1946), Nguyễn Đỗ Cung tình nguyện tham gia đoàn quân Nam tiến. Ông hoạt động văn hoá nghệ thuật ở Khu V và mở nhiều lớp dạy vẽ ngắn ngày. Với phương pháp đào tạo mới, ông đã góp phần xây dựng được một đội ngũ hoạ sĩ, trong số đó nhiều người đã trở thành hoạ sĩ có tiếng tăm trong giới mĩ thuật. Năm 1949, Nguyễn Đỗ Cung chuyển ra miền Bắc công tác ở Tiểu ban Văn nghệ trung ương. Thời kì này, ông đã giới thiệu một số tác phẩm vẽ tại Khu V như: Du kích La Hai, Làm kíp lựu đạn, Cuộc họp… bằng chất liệu bột màu với bút pháp và cách nhìn mạnh bạo, chất màu trong trẻo. Ông còn tham gia sáng tác nhiều tranh cổ động, vẽ mẫu tín phiếu và giấy bạc. Ông được đồng chí Phạm Văn Đồng (là đại diện Chính phủ Trung ương ở miền Nam Trung Bộ lúc bấy giờ) ghi nhận là “Chiến sĩ tiên phong trên mặt trận Văn hoá”. 

Năm 1954, khi hoà bình lập lại, Nguyễn Đỗ Cung mới có điều kiện sáng tác những tác phẩm cỡ lớn. Ông lấy hình tượng người công nhân sản xuất làm đối tượng phản ánh trong các tác phẩm của mình, ví dụ như các bức tranh: Học hỏi lẫn nhau (1960), Công nhân cơ khí (1962). Năm 1976, Nguyễn Đỗ Cung hoàn thành bức sơn dầu Tan ca, mời chị em đi họp để thi thợ giỏi. Đây là một trong những tác phẩm đẹp và tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của ông. Tác phẩm này giành được giải nhất trong Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1976 và được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra ông còn sáng tác một số chân dung Bác Hồ bằng sơn dầu và khắc gỗ. Có thể nói những bức tranh  bột mầu vẽ công nhân trong các công binh xưởng năm 1947 và những bức tranh về công nhân của những năm 60  đã đưa ông vào vị trí những hoạ sĩ hàng đầu vẽ về đề tài công nghiệp Việt Nam với nhân vật người công nhân làm trung tâm sáng tác.

Nguyễn Đỗ Cung còn là một nhà nghiên cứu nghệ thuật. Ông có nhiều bài viết về nghệ thuật phương Đông và phương Tây, đặc biệt là mỹ thuật cổ Việt Nam. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên cứu Mỹ thuật, đồng thời cũng là người có công đầu trong việc xây dựng Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam. Ông còn là đại biểu Quốc hội khoá I của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. 

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung còn là một nhà nghiên cứu uyên bác, đã viết nhiều chuyên khảo về mỹ thuật cổ đại Việt Nam. Ông nghiên cứu di sản văn hóa dân tộc qua kiến trúc cổ, tìm kiếm các trào lưu nghệ thuật phương Tây đầu thế kỉ 20, thể nghiệm khuynh hướng lập thể với mong muốn tạo sắc thái mới cho hội họa. Năm 1962, được giao trọng trách thành lập Viện Bảo tàng Mỹ thuật và chỉ đạo xây dựng nhà Bảo tàng Mỹ thuật, đã bồi dưỡng nhiều cán bộ nghiên cứu mỹ thuật qua phương pháp khảo sát các di tích mỹ thuật Việt Nam.

Hội đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đã nhận xét: “Ông là hoạ sĩ đồng thời là một nhà nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống của dân tộc, mở đầu cho việc đào tạo lớp các nhà nghiên cứu sưu tầm về lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, có công lớn trong việc xây dựng Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm của ông trong thời kháng chiến ở Liên khu V đã phản ánh được tinh thần anh dũng của quân và dân ta trong những ngày đầu kháng chiến với sự nghiên cứu, ông đã có những tìm tòi sáng tạo mới trong những tranh về lao động sản xuất công nghiệp, là những tác phẩm có giá trị cao.”

Hoạ sĩ – Nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung là một chiến sĩ trên mặt trận Văn hoá Nghệ thuật của Đảng, với tính cách thẳng thắn, bộc trực nhưng cũng rất khiêm nhường và có nếp sống giản dị. Ông là một hoạ sĩ tài danh, nhà nghiên cứu Mỹ thuật Việt Nam uyên thâm, đặt nền móng cho việc nghiên cứu Mỹ thuật cổ Việt Nam. Ông đã có công xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Viện nghiên cứu Mỹ thuật Việt Nam với một đội ngũ nghiên cứu Mỹ thuật xuất sắc. Trong quá trình công tác hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba (1952), Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất (1977), Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa – Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1996, hoạ sĩ tài ba Nguyễn Đỗ Cung được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I cho các tác phẩm: Chân dung Bác Hồ; Du kích La Hai; Du kích tập bắn; Học hỏi lẫn nhau; Công nhân cơ khí; Tan ca, mời chị em đi họp để thi thợ giỏi.

Một số tác phẩm của Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung
“Bác Hồ đến thăm nhà máy cơ khí Gia Lâm”
Hoa-sy-Nguyen-Do-Cung-mui-thep-sat-nhon-trong-nghe-thuat-2
Du kích tập bắn” 1948, bột màu
bài ca nam tiến nguyễn đỗ cung
Du kích La Hai” 1947, 40×50cm, bột màu
Hoa-sy-Nguyen-Do-Cung-mui-thep-sat-nhon-trong-nghe-thuat-3
“Học hỏi lẫn nhau” năm 1960, 90x92cm, sơn dầu
Hoa-sy-Nguyen-Do-Cung-mui-thep-sat-nhon-trong-nghe-thuat-5
Công nhân cơ khí” năm 1962, 66x92cm, sơn dầu
Hoa-sy-Nguyen-Do-Cung-mui-thep-sat-nhon-trong-nghe-thuat-6
Tan ca, mời chị em đi họp để thi thợ giỏi” năm 1976, 104x118cm, sơn dầu
Từ Hải” khắc gỗ màu
Một số hình ảnh của Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung

TỔNG HỢP/VIET MY/DESIGNS.VN

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *