Năm sinh: 1923 tại Mỹ Tho, Tiền Giang
Năm mất: 08/05/2006 tại Hà Nội
Phong cách nghệ thuật: Bột màu, phấn màu, màu nước, sơn dầu
Các tác phẩm chính: Gặp gỡ, Những lời dạy bảo, Hoa doanh trại, Du kích Đông Bắc, Anh bộ đội cụ Hồ và nhân dân Tây bắc, Bướm dọc đường, Tiếng hát giữa mùa chiến dịch
Mai Văn Hiến sinh năm 1923 tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Ông yêu hội họa từ nhỏ, và thế là lặn lội ra tận Hà Nội, học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, từ năm 1943 đến năm 1945. Rồi từ ngôi trường ấy, như bao họa sĩ khác hăm hở dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Pháp, bảo vệ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ, Mai Văn Hiến tự nguyện đem tuổi trẻ và tài năng của mình phục vụ cách mạng.
Cùng với Nguyễn Sáng, Nguyễn Huyến,… ông là người tham gia vẽ mẫu tiền đầu tiên cho ngân hàng nhà nước trong thời kỳ đầu mới thành lập. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Mai Văn Hiến gia nhập quân đội, là chiến sĩ và họa sĩ. Ông vẽ minh họa, trình bày hai tờ báo Vệ quốc quân và Quân đội Nhân dân.
Từ các chiến dịch Đông bắc, Tây bắc, qua Thượng Lào… đến Điện Biên Phủ, ông vẽ hàng trăm ký họa. Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Ngày 5-10- 1954, Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc tổ chức triển lãm 154 tác phẩm, như một sự tổng kết thời kỳ mỹ thuật kháng chiến chống Pháp 1945-1954. Giải thưởng lớn dành cho Tô Ngọc Vân với toàn bộ tác phẩm và ký họa về nông thôn Tây Bắc. Giải thưởng chính thức thuộc về Nguyễn Sáng với tác phẩm Chợ Bo (1953) và Giặc đốt làng tôi (1954), Mai Văn Hiến với tác phẩm Gặp gỡ (1954) và các ký họa về bộ đội…, cùng nhiều họa sĩ khác nữa.
Mai Văn Hiến là một tên tuổi sáng giá của mỹ thuật thời kỳ kháng chiến 1945-1954, một trong những người đặt nền móng cho nền nghệ thuật hiện thực cách mạng, đồng thời mở đầu cho một xu hướng nghệ thuật chính thống, là xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa – như sau này các nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá.
Tác phẩm của Mai Văn Hiến còn lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như: Gặp gỡ (bột mầu); Những lời dạy bảo (sơn dầu); Hoa doanh trại (sơn dầu); Du kích Đông Bắc (sơn dầu); Anh bộ đội cụ Hồ và nhân dân Tây bắc; Bướm dọc đường (sơn dầu)… đều là những tác phẩm mang đậm tính cách ông, giản dị, mầu sắc nhẹ nhàng, tươi sáng, như ẩn chứa một nụ cười yêu đời và hóm hỉnh.
Ông vẽ không nhiều lắm, nhưng chỉ với những tác phẩm đã kể ở trên, ông vẫn luôn luôn là một họa sĩ hàng đầu của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Suốt gần 20 năm làm công tác Hội, là uỷ viên thường trực, Trưởng Ban đối ngoại Hội mỹ thuật Việt Nam, ông là cây bút vẽ quen thuộc cho nhiều báo.
Sinh ra ở tận Mỹ Tho nhưng từ hơn 60 năm nay gắn bó với Hà Nội, họa sĩ Mai Văn Hiến đã là một hình ảnh rất đẹp của làng hội họa đất Thăng Long. Ông đã dời căn phòng bé nhỏ, bừa bộn của ông ở phố Nguyễn Thái Học, trong số nhà có rất nhiều họa sĩ, để đi về cõi khác. Trong căn phòng của ông chẳng có đồ đạc gì, chiếc bếp điện cũ từ thời bao cấp – dấu vết còn lại của thời làm công tác đối ngoại, chỉ còn những phác thảo cũ. Ông đã đi, chỉ nụ cười hóm hỉnh của ông là còn mãi trong lòng những ai từng biết ông và nhớ về ông. Bao giờ cũng vậy, khi những con người như họa sĩ Mai Văn Hiến ra đi vào cõi vĩnh hằng, họ luôn khiến chúng ta thực sự cảm thấy trên mặt đất này đã trống vắng đi cả một phần cuộc đời của mình nữa.
Một số tác phẩm của Họa sĩ Mai Văn Hiến
Một số hình ảnh của Họa sĩ Mai Văn Hiến
TỔNG HỢP/VIET MY/DESIGNS.VN