Nhà tiên phong trường phái Hậu-Ấn tượng, Vincent van Gogh là một trong những huyền thoại của giới hội họa. Mặc dù không gặt hái nhiều thành công lúc sinh thời, các tác phẩm của ông đã thu hút rất nhiều sự chú ý sau khi ông qua đời vào năm 1890. Vậy liệu có ai đứng sau danh tiếng của cố họa sĩ sau khi mất? Nhiều người cho rằng đó chính là người em ruột của ông, Theo van Gogh, một nhà buôn nghệ thuật có tiếng lâm thời, người đã quảng bá các tác phẩm của Vincent tới giới hội họa hiện đại.
Có thể khẳng định, Theo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Vincent, ông vừa là một đồng nghiệp lại vừa là người em trai thân thiết với Vincent. Trong suốt 18 năm kể từ 1872 cho tới khi Vincent qua đời, hai anh em đã trao đổi hàng trăm lá thư. Ngày nay, vẫn còn 700 lá thư được lưu giữ lại, mang đến cho chúng ta một góc nhìn về sự thành công ở cuối đời của Vincent – cũng như người đứng sau sự thành công đó.
Thời niên thiếu và sự nghiệp của Theo van Gogh
Theo sinh ngày 1 tháng năm, 1857, kém anh trai của mình là Vincent 4 tuổi. Theodorus “Theo” van Gogh sinh ra tại Zundert, Hà Lan. Sau một thời gian làm việc tại phòng tranh của người bác ruột, Theo theo anh trai gia nhập công ty môi giới tranh của Pháp Goupil & Cie, chi nhánh Hà Lan khi mới 16 tuổi. Đến năm 1880, ông đã được thăng tiến tới vị trí giám đốc công ty chi nhánh Paris, vậy là Theo đã trở thành một gương mặt sừng sỏ trong giới hội họa hiện đại ở độ tuổi 23.
Theo chủ yếu buôn bán tác phẩm hội họa, điêu khắc và tạo hình đương đại. Thành công của Theo trái ngược với anh trai ông là Vincent, người chỉ quyết định theo đuổi con đường nghệ thuật khi đã 27 tuổi, sau nhiều lần thất bại ở những lĩnh vực, ngành nghề khác như nhân viên trường học, nhân viên hàng sách, nhà thuyết giáo… Thấy được những khó khăn của anh trai mình, Theo đã hỗ trợ Vincent hết sức về mặt tài chính, hỗ trợ ông mua dụng cụ vẽ. “Anh đang nói về số tiền anh nợ em, rằng anh muốn trả lại em,” ông viết năm 1888. “Em không nghe đâu. Anh không phải lo nghĩ gì hết về vấn đề đó.”
Ngoài hỗ trợ về mặt tài chính, Theo còn giúp móc nối Vincent với những họa sĩ tiên phong nổi bật nhất tại Paris đương thời gồm Paul Cézanne, Henri de Toulouse-Lautrec, Georges Seurat, và Paul Gauguin – nhóm họa sĩ mà sau này được biết đến với danh xưng họa sĩ Hậu-Ấn tượng.
Mối quan hệ với Vincent van Gogh
Trên cả tiền bạc và các mối quan hệ, Theo là chỗ dựa tinh thần cho Vincent. Trước cả thành công của Theo và quyết định theo đuổi hội họa của Vincent, hai anh em đã có sự gắn kết mạnh mẽ. Mặc dù có ba người em gái là Elizabeth, Anna và Wil và một người em trai là Cornelius, cặp đôi Theo và Vincent vẫn đặc biệt thân thiết. Trên thực tế, chính sự ngưỡng mộ với anh trai Vincent đã thôi thúc Theo gia nhập công ty Goupil & Cie bởi Vincent đã làm việc ở đó được 4 năm trước khi Theo gia nhập.
Mặc dù Theo rất vui mừng vì được làm việc với anh trai của mình, ông biết rõ rằng niềm đam mê thực sự của mình là vẽ chứ không phải buôn tranh. Ngay từ 1873 – cùng năm gia nhập Goupil & Cie – Theo đã khuyến khích anh trai mình theo đổi nghiệp hội họa. “Em rất mừng vì hai anh em ta cuối cùng cũng được làm chung một công ty” Theo viết năm 1873. “Anh nhất định phải lui tới các bảo tàng thường xuyên, thật tốt nếu anh có thể quen biết các họa sĩ đi trước, và nếu có cơ hội, anh hãy đọc nhiều về hội họa, đặc biệt là các tạp chí hội họa…”
Suốt hiều thập kỷ sau, Theo đã giúp Vincent vượt qua nhiều sóng gió, từ những khủng hoảng về tài chính tới căn bệnh trầm cảm. Năm 1886, ông đã mời Vincent tới sống cùng mình tại Paris, mặc dù danh họa chỉ ở đó có 2 năm (Vincent có phát ngôn nổi tiếng rằng làm việc ở một thành phố bon chen như thủ đô Paris khiến ông cảm thấy “hoàn toàn tê liệt”). Kể cả sau khi ông rời đi, Theo vẫn tiếp tục hỗ trợ ông về nhiều mặt.
Những cuộc đối thoại của hai anh em trở nên đặc biệt quan trọng vào năm 1889, khi Vincent bắt đầu có những bất ổn về mặt tinh thần. Sau một cuộc đấu khẩu với danh họa Paul Gauguin, Vincent đã có một hành động kỳ quái – ông tự cắt đi một bên tai của mình bằng chiếc dao cạo. Sau sự kiện đó, Vincent quyết tâm đi điều trị tâm lý ở phía Nam nước Pháp. Mặc dù khoảng cách địa lý, Theo vẫn liên tục viết thư động viên anh trai và ủng hộ quyết định của ông:
“… Anh đã nói quá nhiều điều tốt về một thứ hoàn toàn tầm thường, chưa kể đến anh đã trả lại em rất nhiều lần rồi, bằng cả các tác phẩm của anh lẫn tình thân mà đáng giá hơn ngàn lần toàn bộ số tài sản em sở hữu,” Theo viết. “Em thật sự đau lòng vì sức khỏe của anh vẫn chưa ở được trạng thái tốt nhất, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Và mặc dù các bức thư của anh không hề phản bội trạng thái tinh thần của anh. Việc anh cho rằng mình cần một nơi ẩn trú bản thân nó đã khá nghiêm trọng rồi.”
Vincent vẫn tiếp tục sáng tạo nghệ thuật trong suốt thời gian điều trị tại bệnh viện, cho ra đời bộ sưu tập gồm 150 tác phẩm. Ông gửi rất nhiều tác phẩm cho Theo, người mà sau đó đã cố gắng lấy suất triển lãm cho 16 tác phẩm trong số đó. “Tác phẩm của anh nhìn rất tuyệt tại triển lãm,” Theo viết. “Rất nhiều người nhờ em gửi lời ca ngợi tới anh. Gauguin thậm chí còn nói rằng tác phẩm của anh là chìa khóa của triển lãm.”
Một thời gian ngắn sau, Van Gogh đã rời bệnh viện và chuyển tới Auvers-sur-Oise, vùng ngoại ô Paris. Nhờ tới sự hỗ trợ của Theo, sự nghiệp của Van Gogh đã phất lên trông thấy, tuy vậy, căn bệnh trầm cảm của ông vẫn diễn biến tồi tệ. Vào ngày 27 tháng Bảy, 1890, Van Gogh tự kết liễu cuộc đời mình bằng một phát súng, ông qua đời sau hai ngày điều trị tích cực. Theo đã kết thúc lá thư cuối cùng gửi anh trai mình bằng một lời động viên:
“Hãy hy vọng là sức khỏe của tất cả chúng ta sẽ cải thiện, bởi vì sức khỏe là vô cùng quan trọng. Trong phong bì em có gửi anh 50 đồng frăng – viết thư cho em sớm nhé, và hãy tin tưởng em, người em trai rất yêu quý anh.”
Cái chết và Di sản để lại
Một vài tháng sau cái chết của Vincent, sức khỏe của Theo cũng giảm sút rõ rệt. Vào tháng Mười một, ông nhập viện điều trị tâm lý; một tháng sau đó, ông được chẩn đoán mắc căn bệnh dementia paralytica (liệt sa sút tâm thần); và qua đời vào tháng Một.
Mặc dù được nhắc đến nhiều nhất trong vai trò là nhà đỡ đầu của danh họa Vincent van Gogh, Theo van Gogh đã xây được cho mình một sự nghiệp lừng lẫy, đóng góp rất lớn cho nghệ thuật hiện đại. Là một trong những nhà buôn nghệ thuật nổi tiếng nhất của thế kỷ 19 tại Paris, ông đã hỗ trợ quảng bá rộng rãi nghệ thuật tiên phong, phổ biến những trào lưu nghệ thuật quan trọng ngày nay như trường phái Ấn tượng, Hậu-Ấn tượng và tất nhiên là góp một phần quan trọng phổ biến hội họa của Vincent van Gogh.
MAI ANH/DESIGNS.VN