Damselfrau là nghệ danh đầy khiêu khích và nghịch lý cuả nghệ sĩ Magnhild Kennedy (“frau” là một thuật ngữ được sử dụng cho phụ nữ đã kết hôn, “damsel” biểu thị một người chưa kết hôn), cô giải thích rằng, nghệ danh này mang ý nghĩa “kết hôn với chính mình”, có thể coi là một Magnhild Kennedy khác ngoài bản thân, cũng giống như những chiếc mặt nạ vốn để che đi con người thật của người sở hữu chúng, vì vậy cô cũng muốn thể hiện những tác phẩm của mình như cách cô đặt nghệ danh – mâu thuẫn nhưng lại hài hòa.
Sinh ra và lớn lên ở Tronheim, Na Uy, Kennedy chuyển đến London năm 2007. Trong khi cả cha và mẹ cô đều là những nghệ sĩ nổi tiếng thì bản thân cô lại không được rèn luyện hay đào tạo chính thức để theo đuổi con đường nghệ thuật. Vì thế, thay vào việc giới thiệu mình qua những sàn diễn giống như những nghệ sĩ nổi tiếng, khởi đầu của Kennedy là…nightclub ở London hoa lệ. Thời điểm đó, cô đang làm việc cho một tiệm may cổ điển ở Islington, lấy cảm hứng từ những bộ trang phục xung quanh mình, bằng những miếng vải thừa chắp vá, cô tạo nên những chiếc mặt lạ độc đáo và đem chúng đến các club. Bắt mắt, lạ lùng, lập dị nhưng không kém phần quyến rũ, thần bí, không khó hiểu khi tại sao những chiếc mặt nạ của cô lại nổi tiếng đến vậy!
Damselfrau đã có cơ hội hợp tác với những ngôi sao nổi tiếng như Mø và Beyoncé, hay các ông lớn trong làng thời trang như Alack Mackie và Louis Vuitton. Hạt cườm, thủy tinh, ren, vải, thậm chí là sơn, tóc hay giấy: tất cả mọi thứ và bất cứ thứ gì có thể dùng được đều nằm trong những sáng tạo của Damselfrau. “Đối với tôi, mặt nạ là nơi tổng hòa của tất cả mọi thứ, nó là “một nơi” hấp dẫn”. Thể hiện được sự sống động của các vật liệu tự nhiên, những thiết kế của Damelfrau thực sự đã cắt đứt ranh giới giữa khái niệm về tác phẩm nghệ thuật tinh tế và trang phục ma quái, huyền bí.
Dưới đây là bài phỏng vấn thú vị của Designboom và Damselfrau về những dự định, chất liệu cũng như kế hoạch của cô trong tương lai.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật bạn cảm thấy như thế nào? Có điều gì khác biệt không khi bạn cũng trở thành nghệ sĩ như bố mẹ mình? Và bạn có thể chia sẻ đôi chút về lần đầu tiên mà bạn nghĩ mình sinh ra để thiết kế mặt nạ được không?
Tôi tìm được bản thân mình khá là muộn, tôi nghĩ vậy. Tôi làm rất nhiều thứ nhưng chẳng có thứ gì nên hồn cả. Tôi đã chắc chắn rằng một ngày nào đó mình sẽ đến London nhưng không nghĩ rằng nó lại muộn màng đến vậy, khi tôi đã 20 mất rồi. Và tôi cũng không hình dung ra được tương lai, mặt nạ sẽ đem đến tên tuổi cho tôi và lúc ấy tôi cũng không có hứng thú gì với chúng cả. Tôi làm việc trong một cửa hàng thiết kế đồ cổ điển khi tôi mới chuyển đến đây. Nhìn vào những trang phục thời xưa, các chi tiết và cách trang trí của chúng cho tôi cái nhìn sâu sắc về việc làm thế nào để có thể tạo ra được chúng. Tôi đến các chợ đồ cũ, trên chiếc xe bán tải, các hàng dệt may vào mỗi cuối tuần, và bắt đầu học về tất cả những loại vật liệu nhà và vật liệu may mà tôi tìm thấy ở đó.
Tôi đa nghi mình phải làm gì đó với những thứ này, và bắt đầu bằng nhưng chiếc mặt nạ cho những bữa tiệc. Từ đó mà nó lớn dần. Tôi đã tự có cho mình một cửa hàng và tôi nghĩ đã đến lúc nghiêm túc. Tôi đã phải tự mày mò tất cả và tôi đã không đến trường cho đến năm 19 tuổi. Nhưng khi bạn có một ông bố và một bà mẹ đều là nghệ sĩ thì cũng giống như bạn đã đi học từ khi lọt lòng.
Bạn tìm kiếm các loại vật liệu ở các hàng dệt may cũng như các chợ đồ cũ hoặc những nơi tương tự. Vậy đâu là nơi kỳ lạ nhất mà bạn tìm ra được vật liệu cho những chiếc mặt nạ. Và bạn thường lấy cảm hứng tạo ra tác phẩm mới ở đâu?
Tôi tìm mọi thứ, ở khắp mọi nơi, kể cả những chiếc lưới bọc trái cây. Trong một lần đến Paris vào dịp lễ Giáng sinh, khi đang đi dạo trên vỉa hè ở đại lộ Champs-Élysées thì bất ngờ phấn từ một quả cầu nhựa trang trí trên cây rơi xuống, lẫn vào bụi đất nhưng tôi vẫn quyết tâm cào nó lại, biệt đâu sau này tôi lại dùng đến chúng. Tôi lượm cả hoa giấy mà mọi người sử dụng để tung trong dịp gì đó. Bạn bè cung mang cho tôi đủ thứ từ những chuyến du lịch của họ. Một người bạn tặng tôi một vòng hoa tóc của Na Uy 1700, anh bạn Nhật thì tặng tôi một lọn tóc geisha cổ để tôi cài vào mặt nạ, thậm chí là khăn tắm cũ. Tôi sử dụng bất cứ thứ gì mà tôi nghĩ nó có thể tạo nên nét cá tính.
Cứ bước ra khỏi cửa là đã có cảm hứng rồi. Tôi sống ở Dalston. Có rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới, già có, trẻ có. Thời trang trẻ em là một nguồn cảm hứng khá tốt. Những cửa hàng từ thiện, bảo tàng Sir John Soane. Bộ sưu tập Wallace. Đi chợ Spitalfields vào thứ năm. Thăm nhà Dennis Severs. Chợ đường phố Dover hay một quán rượu.
Mất bao lâu để có một thiết kế hoàn chỉnh và chiếc mặt nạ khó nhằn ngốn nhiều thời gian nhất của bạn trong bao nhiêu lâu?
Một ngày hoặc mãi mãi. Tôi có những chiếc mặt nạ còn dang dở trên kệ, nó đã ở đó rất lâu rồi, như thể nó đang chờ đợi điều gì đột biến xảy ra. Tôi chỉ cần đợi cho đến khi điều đó xảy ra hoặc không bao giờ.
Bạn làm mặt nạ cho các club ở London, vậy làm thế nào để tạo ra một thứ mà chưa bao giờ sử dụng trong môi trường như các câu lạc bộ, và văn hóa, môi trường ở đó ảnh hưởng gì đến công việc của bạn? Bạn vẫn đeo mặt nạ đi club đó hả?
Thực sự đó là một thời gian khá dài. Tôi có thể tự làm cái gì đó cho bữa tiệc Halloween nếu tôi có đi dự tiệc. “Thủ công chính là một thứ gì đó bắt nguồn từ số 0”, chính văn hóa ở các club đã truyền cảm hứng cho tôi. Bạn biết không, có những trang phục được làm từ thùng trứng, băng và sơn. Chính điều này khiến tôi hiểu rằng, chẳng có sự phân cấp giữa các vật liệu trong thiết kế.
Bạn có cảm giác gì khi tự diện những thiết kế của chính mình và bạn mong chờ mọi người sẽ nói gì về mình?
Tôi không mấy khi đeo mặt nạ khi chúng đã hoàn thành xong. Tôi cố gắng không đưa ra quyết định nhất thời thêm thắt hay lược bỏ chi tiết này, chi tiết kia, và mọi người có ý kiến gì tôi cũng không quan tâm lắm, đây là thiết kế của tôi và tôi tôn trọng sự lựa chọn của mình.
Bạn đã được hợp tác với những nghệ sĩ tuyệt vời, những ông lớn trong giới thời trang. Vậy bạn có ngưỡng mộ hay bị ảnh hưởng bởi ai không? Và bạn mong muốn được làm việc cùng nghệ sĩ nào trong tương lai?
Khi còn nhỏ, tôi say mê truyện tranh của Mobius và Enki Bilal, và đến hiện tại tôi vẫn chắc rằng họ đang báo hiệu cho tôi nên làm gì. Tôi hứng thú với mọi chi tiết trong nhà và cách mọi người sử dụng chúng. Tôi ngưỡng mộ Tony Duquette, ông là một nghệ sĩ, một nhà sản xuất film và nhà thiết kế bối cảnh đại tài của Hollywood. Tôi thích các mô hình thu nhỏ được làm bởi Charles Matton và Bierquet.
Tôi thích những không gian mà người chủ của nó hiểu hết được từng ngóc ngách, chi tiết của nó. Tôi luôn tự cảm thấy mình giống như một người trang trí nội thất hơn là một nhà thiết kế. Nỗi ám ảnh lớn nhất của tôi là cung điện Versailles. Thực sự thì tôi chưa nghĩ đến sẽ hợp tác với ai trong tương lai nhưng Versailles thì là một ước mơ xa xỉ tôi luôn nghĩ đến!
Bạn luôn nói rằng những chiếc mặt nạ có cá tính và có thể gọi là có cuộc sống, linh hồn riêng. Vậy có bao nhiêu nhân cách của bạn mà bạn thấy được trong mỗi tác phẩm của mình, và ở giai đoạn nào thì bạn thấy nó đặc biệt theo cách của riêng nó chứ không phải thể hiện bản thân bạn? Giai đoạn nào thì bạn coi nó như một thực thể sống, lúc đó bạn cảm thấy sao, vui mừng, ngạc nhiên?
Có thể coi là một dạng tâm linh nào đó. Tôi luôn ngạc nhiên bởi những gì mình tạo ra, tôi tạo ra những chiếc mặt nạ nhưng chính nó lựa chọn hình dạng của chính mình. Thực sự khi chúng ta thiết kế bất cứ thứ gì, chúng ta thường suy đi tính lại và sửa đổi nhiều lần nhưng luôn có một điều gì đó nhắc nhở tôi rằng như vậy là ổn rồi.
Tôi cố gắng thả lỏng tâm trí, suy nghĩ ít nhất có thể và chỉ làm theo bản năng, như vậy tôi sẽ không phải sửa đổi và suy nghi quá nhiều rằng như vậy có phải là tốt nhất không vì vốn nó là một thiết kế tuyệt vời rồi.
Những thiết kế của bạn khá phổ biến và được yêu thích trên instagram và tumblr. Làm thế nào để vừa làm tốt công việc của mình lại vừa truyền thông nó trên các phương tiện xã hội, điều này có ảnh hưởng nhiều đến công việc của bạn không?
Đó là một phần khá quan trọng trong công việc của tôi. Một thiết kế được hoàn thiện là khi tôi chụp nó và đưa lên instagram hoặc blog của mình. Bằng cách này, những chiếc mặt nạ tạo ra cuộc sống riêng của chính nó, truyền đạt bản thể của chính nó, vì chẳng cái nào giống cái nào, mọi người sẽ nhận xét mỗi thiết kế theo những cách khác nhau.
Bạn có đang có kế hoạch gì ở thời điểm hiện tại có thể chia sẻ với độc giả không, và năm 2019 bạn mong muốn điều gì?
Vâng, tôi rất hào hứng với những dự định sắp tới. Tôi được mời tham gia triển lãm tại bảo tàng quốc gia về nghệ thuật trang trí Trondheim vào cuối tháng 9 năm nay. Lần đầu tiên những chiếc mặt nạ của tôi được trưng bày triển lãm ở một nơi tuyệt vời như thế. Tôi đã từng đến thăm bảo tang này khi còn bé vì vậy điều này rất có ý nghĩa với tôi. Tôi cũng đang thực hiện một dự án thú vị cùng trường đại học Queen Mary và nhà thiết kế Rachel Freire, kết hợp các loại vải kỹ thuật và cảm biến chuyển động để thiết kế. Đó là “vũ trụ” khá mới mẻ với tôi.