Việt Nam Quốc Tự được thiết kế lại nhằm tạo một công trình xứng với tên gọi và lịch sử của địa chỉ tâm linh này, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu của Phật giáo thành phố về một trung tâm văn hóa – hành chính có quy mô và chức năng phù hợp các hoạt động Phật sự đa dạng.
Hình ảnh của Việt Nam Quốc Tự trước khi khởi công xây dựng lại năm 2014.
Hình ảnh tòa tháp 7 tầng lung linh vào ban đêm.
Hiện diện từ năm 1963, là ngôi chùa lịch sử đánh dấu giai đoạn Phật giáo Việt Nam đang lâm vào hoàn cảnh Pháp nạn năm 1963. Việt Nam Quốc Tự lúc ban đầu xây dựng khá thô sơ và tồn tại hơn mười năm, sau đó đã bị hư sập nên tháo dỡ và chỉ còn lại ngôi tháp với phần nền móng.
Đến năm 1993, cố Hòa thượng Thích Từ Nhơn với danh nghĩa trụ trì đã cho tiếp tục xây dựng hoàn thiện ngôi tháp trên nền đất gần 4.000 m2. Chùa được trùng tu và tôn tạo mới với nhiều hạng mục hơn, hoàn thành ngôi tháp 7 tầng và các cảnh Phật để tăng ni phật tử, khách thập phương chiêm bái. Đến nay, chùa Việt Nam Quốc Tự vẫn là điểm lui tới của các tín đồ Phật giáo xa gần.
Mô hình kiến trúc Việt Nam Quốc Tự năm 1964 do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Ảnh chụp từ hướng Tây Nam.
Mô hình kiến trúc Việt Nam Quốc Tự năm 1964 do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Ảnh chụp từ phía Tây mô hình Việt Nam Quốc Tự.
Mặt tiền chánh điện Việt Nam Quốc Tự 15/02 Canh Tuất (1970).
Dự án Công trình Việt Nam Quốc Tự hiện đang được xây dựng với diện tích hiện tại của Việt Nam Quốc Tự là hơn 3.700 m2 cộng thêm diện tích được Thành ủy, UBND TP.HCM bàn giao 7.201,5 m2. Tổng cộng công trình xây dựng trên khuôn viên rộng khoảng 11.000 m2, trong đó phần lộ giới 10.280 m2 và tổng diện tích sàn sử dụng là 23.354 m2. Dự kiến kinh phí khoảng để xây dựng khoảng 200 tỷ đồng.
Các hạng mục công trình với quy mô gồm 5 tầng. Tầng hầm với diện tích 7850 m2, dùng làm bãi đổ xe ô tô và xe máy. Tầng 1 là nơi bố trí hội trường với diện tích 730 m2 có sức chứa 1.000 chỗ ngồi và hành lang để mở rộng chỗ ngồi có thể lên tới 3.000 người. Tầng 2 là khu văn phòng với diện tích 885m2. Tầng 3 gồm 15 phòng Tăng với tổng diện tích 580 m2, khu nhà vệ sinh. Tầng 4 gồm chánh điện và hậu Tổ với tổng diện tích 2.167 m2, trong đó khu thờ Phật có diện tích 1.081 m2 với sức chứa khoảng 1.500 người.
Đặc biệt, bảo tháp tại Việt Nam Quốc Tự 13 tầng cao 63m với ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần phụng sự, thống nhất của 13 tổ chức, hội đoàn, tông phái tham gia thành lập Giáo hội PGVN Thống nhất và cuộc vận động Phật giáo miền Nam năm 1963.
Nơi đây dự kiến sẽ tôn thờ xá lợi trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức, đồng thời sẽ xây dựng nhà trưng bày về cuộc tranh đấu bất bạo động bảo vệ Chánh pháp và hòa bình của Phật giáo hơn nửa thế kỷ trước được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ.
Bản vẽ phối cảnh Việt Nam Quốc Tự với diện mạo trên khu đất rộng 11.000 m2.
Theo thiết kế, Việt Nam Quốc Tự là pha trộn giữa nét kiến trúc truyền thống của Phật giáo Việt Nam và tính hiện đại, đáp ứng cho nhiều chức năng sinh hoạt tâm linh, thuyết giảng, triển lãm, giao lưu văn hóa, hội họp, làm việc… Công trình sẽ kết hợp vật liệu đá thiên nhiên, cùng với nội thất hiện đại bên trong để đảm bảo sự tiện nghi, thoải mái cho mọi hoạt động diễn ra tại đây.
Vì đây là “quốc tự”, là NGÔI CHÙA CỦA NƯỚC VIỆT NAM nên việc xây Việt Nam Quốc Tự sẽ theo cách thức đặc biệt. Vì vị trí, tầm vóc, tính chất, ý nghĩa lịch sử của nó cần có nhiều phối cảnh, nhiều phương án, phải lấy ý kiến của Tăng Ni Phật tử, của công chúng truyền thông trong và ngoài nước, không nên vội xây chỉ với một phương án. Do đó, sau khi khởi công, bản thiết kế của công trình vẫn luôn có sự thay đổi để phù hợp và hoàn thiện hơn.
Mặt bằng thông thoáng tại Việt Nam Quốc Tự đang trong quá trình xây dựng.
Việt Nam Quốc Tự nằm trên mặt tiền của con đường liền kề với nhiều công trình kiến trúc lớn, như Học viện Hành chính Quốc gia, khách sạn quốc tế Kỳ Hòa. Việt Nam Quốc tự là điểm nhấn cuối đường Lê Hồng Phong, một con đường có chiều ngang rộng lớn, xuyên qua vòng xoay trung tâm Ngã Bảy, tạo một không gian uy nghi cho ngôi tháp giữa một khu đông dân cư mà thoáng đãng. Tháp Việt Nam Quốc Tự hiện nay có thể nhìn thấy từ tầm xa hàng km là một biểu tượng nhiều ý nghĩa đối với vị thế Phật giáo tại TPHCM.
Với thuận lợi về quỹ đất, Việt Nam Quốc Tự sẽ tạo nên một quảng trường cho Phật giáo Việt Nam cử hành các buổi lễ ngoài trời với nhiều người tham dự. Ngoài ra, diện tích đất rộng còn tạo điều kiện để xây dựng các cơ sở văn hóa, học thuật, phục vụ tu tập.
Nhờ vào vị trí và quỹ đất như vậy, cùng việc xây dựng quy mô, Việt Nam Quốc Tự sẽ góp phần quan trọng vào việc biến đổi diện mạo kiến trúc tôn giáo thành phố. Phật giáo Việt Nam có một ngôi chùa bề thế trên đại lộ với mật độ xe cộ lưu thông bậc nhất ở thành phố, là nơi đủ điều kiện để Phật giáo quy tụ tu sĩ tín đồ tổ chức các ngày lễ trọng đại, tạo nên một phần bộ mặt của thành phố mang tên Bác.