Một số ý tưởng nhiếp ảnh tĩnh vật độc đáo với chủ đề rau củ quả

Nếu như bạn đang dành phần lớn thời gian ngồi ở nhà, đây sẽ là cơ hội tốt để tận dụng những đồ vật trong căn bếp của mình cho việc học một phương pháp nhiếp ảnh mới – chậm rãi, từ tốn và thư thái hơn. Một bộ ảnh mang chủ đề tĩnh vật rau quả có thể sẽ là cách lý tưởng để bạn có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi của mình.

Lựa chọn vật thể 

Không phải tự nhiên mà rau và quả lại là vật thể tĩnh vật được nhiều người lựa chọn, một số lý do có thể kể đến như sau. Trước hết, rau quả sở hữu cho mình nhiều hình khối đa dạng và thú vị, bên cạnh đó, màu sắc và kết cấu của chúng cũng hết sức phong phú. Hơn nữa, bạn sẽ không mất nhiều thời gian để lựa chọn vật thể phù hợp, bởi bạn có thể mua chúng rất dễ dàng, lựa chọn những “mẫu ảnh” tươi ngon nhất có thể để tạo ra một bức ảnh thực phẩm tuyệt đẹp và bắt mắt. Các chuyên gia trong nhiếp ảnh ẩm thực sẽ biết cách tận dụng chuyên môn của họ trong việc lựa chọn vật thể phù hợp, sau đó sử dụng các kỹ năng “trang điểm” để biến những mẫu ảnh của mình trở nên hoàn hảo nhất có thể.

Nếu trong đầu bạn đã có sẵn ý tưởng và lựa chọn vật thể của riêng mình, hãy nhanh chóng ra khỏi nhà và tìm mua chúng để thực hiện kế hoạch của mình. Mặt khác, nếu bạn không muốn ra khỏi nhà, hãy tận dụng những gì sẵn có trong tủ lạnh của mình.

Thể loại và cách thức

Vào khoảng đầu cho tới giữa những năm 1600, tại Hà Lan nổi lên một trường phái những họa sĩ có tên gọi Dutch Masters (Những bậc thầy người Hà Lan). Đây là một phong cách mỹ thuật với hình ảnh chân thực, tạo điểm nhấn với những nguồn sáng mạnh, chiếu trực tiếp vào vật thể trong bóng tối. Hai yếu tố tương phản kết hợp với nhau đã tạo nên một dấu ấn vô cùng độc đáo cho những bức họa của những họa sĩ thời kì này, tiêu biểu có thể kể đến họa sĩ tĩnh vật nổi tiếng Willem Kalf – một trong những nghệ sĩ sáng giá thuộc thời kì hoàng kim của Hà Lan. Dưới đây là một trong những bức ảnh của ông, có tên gọi “Still Life with Lemon Peel”. Thử thách đối với một nhiếp ảnh gia chính là làm cách nào để có thể tái hiện lại hình ảnh trong những bức họa như vậy?

Một trong những kỹ thuật được sử dụng phổ biến để tái hiện lại các bức tranh của trường phái Dutch Master là sử dụng light painting (vẽ tranh bằng ánh sáng).

Một trong những lợi thế của nhiếp ảnh tĩnh vật đó là việc bạn không phải quá quan tâm tới tốc độ cửa trập của máy. Đồng thời, đặt thời gian phơi sáng lâu cho bức ảnh cũng hoàn toàn ổn đối với kỹ thuật này. Bạn nên cố định máy ảnh lên một chiếc tripod để tránh bị rung máy. Sau đó, bật chế độ mirror lock-up trong máy DSLR để ảnh không bị rung, đồng thời hãy sử dụng thêm một thiết bị chụp hình từ xa hoặc hẹn giờ bấm máy. Chuyển máy ảnh sang chế độ Full-manual, sau đó chỉnh độ ISO xuống mức thấp nhất để giảm thiểu độ nhiễu. Về độ mở, bạn có thể tùy chỉnh sao cho phù hợp để đạt được độ sâu mà bạn mong muốn trong bức ảnh của mình, tương tự với tốc độ cửa trập, hãy thiết lập dựa trên thời gian chụp phơi sáng mà bạn cảm thấy phù hợp.

Cuối cùng, bạn chỉ cần lắp đặt các thiết bị chiếu sáng và bắt đầu chụp thôi!

Một trong những nhiếp ảnh gia mà tôi rất ngưỡng mộ trên Instagram là Carlo Denino. Anh ấy có thể sử dụng kỹ thuật light paiting một cách cực kỹ điêu luyện để vẽ nên những bức ảnh đầy tinh tế với vật thể chỉ là những sự vật thường thấy hàng ngày như một chùm quả, rau củ hay một số vật dụng khác. Các bạn có thể tham khảo qua những bức hình của nhiếp ảnh gia này để học hỏi thêm về phong cách nhiếp ảnh của anh ấy. Song dưới góc độ trải nghiệm cá nhân, tôi có thể khẳng định rằng để tạo ra những bức ảnh tuyệt đẹp như vậy sẽ khó hơn bạn tưởng tượng rất nhiều.

Light painting 

Kỹ thuật light painting chỉ là một trong số nhiều cách để bạn có thể thực hiện chụp hình tĩnh vật với hoa quả hay rau củ. Sử dụng ánh sáng tự nhiên thường sẽ mang lại hiệu quả cao mà lại không cần sử dụng tới nhiều thiết bị.

Các vật thể trong bức tranh của thời kỳ hoàng kim Hà Lan thường chỉ được chiếu sáng bằng một nguồn duy nhất tới từ một phía. Để thể hiện điều này trong bức ảnh của mình, hãy tìm một vị trí cạnh cửa sổ và đặt vật thể tại đó sao cho có thể trở nên giống với những bức tranh nhất có thể. Nếu như bạn cần giảm độ bóng của bức ảnh, hãy sử dụng một tấm hắt sáng hoặc đơn giản chỉ cần một tấm bìa trắng cũng có thể chấp nhận được.

Các nguồn sáng không phổ biến

Mặc dù ít khi được sử dụng trong nhiếp ảnh, song những nguồn sáng như đèn LED vẫn có thể góp phần tạo nên những bức ảnh đẹp. Dù không có được cường độ sáng tương xứng với các thiết bị chiếu sáng chuyên dụng cho nhiếp ảnh, đồng thời nhiệt độ màu sắc tới từ những nguồn sáng này cũng không được ổn định, song chúng lại có lợi thế về giá cả, sự nhỏ gọn, tiện lợi và là một vật dụng phổ biến, có thể dễ dàng tìm mua tại bất cứ đâu. Hãy tăng thời gian phơi sáng khi chụp ảnh với những nguồn sáng này để khắc phục cường độ sáng yếu của chúng. Đồng thời, việc xác định mức cân bằng trắng hợp lý sẽ trở nên đơn giản hơn nếu bạn chụp ảnh ở chế độ chụp thô (raw mode).

Đèn flash

Đây cũng là một lựa chọn nguồn ánh sáng khác mà bạn có thể sử dụng để chụp ảnh tĩnh vật. Do tính chất của bức ảnh, bạn sẽ không muốn chiếu sáng trực tiếp vào phía trước vật thể, do đó đèn flash pop-up hay đèn flash cố định trên máy ảnh sẽ không phải là biện pháp hữu hiệu. Nếu có thể, hãy tháo rời đèn flash của bạn và sử dụng từ xa bằng thiết bị điều khiển, hoặc bạn cũng có thể sử dụng dây nối đèn flash để thực hiện điều này. Nếu không còn lựa chọn nào khác, hãy thử khuếch tán ánh sáng từ đèn lên trần nhà hoặc sang hai bên để chuyển hướng hoặc làm giảm đi cường độ ánh sáng.

Mẹo khi sử dụng các nguồn sáng phổ biến 

Nếu như bạn đã sở hữu sẵn những thiết bị chiếu sáng chuyên dụng cho nhiếp ảnh, hãy thử sử dụng chúng trong nhiếp ảnh tĩnh vật với hoa quả để thử tìm tòi khám phá ra những kỹ thuật mới mà bạn có thể sử dụng với ánh sáng. Hãy thỏa sức khám phá với trí tưởng tượng và óc sáng tạo để tạo ra những bức ảnh mới lạ thông qua những dụng cụ nhiếp ảnh như ống snoot; tấm hắt sáng; tản sáng; gobo; gel màu… hoặc bất cứ thứ gì mà bạn nghĩ tới.

Việc tự thử nghiệm và khám phá mà không bị ràng buộc bởi áp lực công việc và thời gian sẽ giúp cho bạn có được những trải nghiệm mới lạ, hoặc cũng có thể tìm ra được một kỹ thuật chụp hình mới cho riêng mình. Nếu như bạn thất bại hàng chục lần nhưng có thể tìm ra một phương pháp chụp hình mới thì đó được coi là một thành công lớn.

Góc chiếu sáng 

Phong phú về màu sắc và đa dạng về kết cấu, hoa quả là một vật thể lý tưởng cho nhiều kỹ thuật ánh sáng nhiếp ảnh khác nhau. Thường thì bạn sẽ không muốn lựa chọn góc chiếu sáng trực diện khi chụp vật thể bởi điều này sẽ khiến cho ánh sáng trong bức ảnh của bạn trở nên nhàm chán và một chiều.

Vì thế, hãy chiếu sáng từ hai bên để giúp cho vật thể có thêm hình khối và kết cấu, chiếu sáng từ phía sau để tạo nên hiệu ứng ánh sáng xung quanh phần viền của vật (rim-lighting), hoặc nếu như bạn muốn bức ảnh tĩnh vật của mình trở nên phá cách và sáng tạo hơn, hãy thử chiếu sáng xuyên qua vật thể.

Phương pháp này sẽ rất phù hợp với những loại quả có thể xắt mỏng. Lấy ví dụ với trường hợp của bản thân, tôi đã sử dụng những lát kiwi, đặt trên một chiếc đĩa thủy tinh sau đó chiếu sáng từ phía dưới đáy chiếc đĩa. Với góc chiếu sáng này, màu sắc và hình khối của từng lát kiwi đã được lột tả triệt để.

Chọn phông nền (background) 

Cũng tương tự như các kỹ thuật chụp ảnh khác, bạn cần phải cẩn thận lựa chọn phông nền sao cho phù hợp với vật thể trong bức hình của mình. Một phông nền lý tưởng sẽ làm nổi bật vật thể trong tấm hình, khiến cho người xem có thể tập trung tốt hơn vào vật được chụp.

Thường thì những phông nền đơn sắc sẽ là lý tưởng nhất cho chụp ảnh tĩnh vật, phổ biến nhất có lẽ là màu trắng hoặc màu đen. Adobe Lightroom sẽ là một công cụ đắc lực cho việc chỉnh sửa hình ảnh với những tính năng hữu ích như cứu sáng hay chỉnh tối ảnh. Bạn cũng có thể sử dụng phần mềm để cắt đi những phần không cần thiết của nền để chú trọng vào vật thể hơn.

Cùng với đó, chụp mờ phông cũng là một phương pháp hữu hiệu để có thể đơn giản hóa bức hình, đồng thời tạo thêm độ sâu trường ảnh (DOF) cho tấm hình.

Nếu bạn là người mới tiếp cận nhiếp ảnh và chưa nắm rõ được khái niệm của độ sâu trường ảnh, chụp ảnh tĩnh vật với bản chất chậm rãi, tỉ mỉ sẽ đóng vai trò là những bài học thực tiễn giúp cho bạn hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa khẩu độ, tiêu cự và vai trò cũng như ảnh hưởng của chúng tới độ sâu trường ảnh.

Phương pháp xịt nước

Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến và ưa thích bởi các nhiếp ảnh gia thực phẩm, khiến cho hoa quả hay rau củ được chụp trở nên tươi tốt hơn, sinh động hơn. Để làm điều này, bạn chỉ cần xịt nước lên vật thể, nếu muốn tạo ra những giọt nước lớn hơn và giữ được lâu hơn, hãy thêm một chút glycerin vào trong nước.

Chụp cận cảnh

Các hình ảnh chi tiết của sinh vật sống thường dễ gây tò mò và tạo cảm giác thích thú cho người xem, hoa quả cũng không phải là một ngoại lệ. Bạn có thể sử dụng các công cụ như vòng mở rộng cho ống kính (extension tube); macro bellow; ống kính cận cảnh; lens đảo đầu… để tạo nên những bức ảnh thu hút người nhìn với những chi tiết thú vị mà mắt thường không thể nhìn được. Lưu ý rằng, kỹ thuật chụp cận cảnh nên được thực hiện trong không gian kín gió và có ánh sáng phù hợp để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất.

Truyền tải thông điệp vào bức ảnh

Khi chụp ảnh tĩnh vật với chủ đề này, bạn có thể thêm vào bức ảnh một số vật dụng bổ trợ khác để có thể truyền tải thông điệp và gửi gắm ý nghĩa tới người xem tốt hơn. Ví dụ, thay vì chỉ chụp một trái táo, hãy cắt nó ra thành từng miếng và đặt trên một chiếc thớt cùng con dao bên cạnh để khiến cho người xem thêm tò mò về câu chuyện đằng sau bức ảnh. Đối với phương pháp này, bạn nên cân nhắc kĩ lưỡng khi lựa chọn đạo cụ, sao cho chúng có thể bổ trợ cho chủ đề chung của bức ảnh tốt nhất và tránh gây xao nhãng. Đồng thời, bạn cũng nên suy nghĩ kĩ về ý nghĩa của từng đồ vật được sử dụng và mối quan hệ tương hỗ giữa chúng để giúp cho bức ảnh có được sự gắn kết chặt chẽ, tránh rời rạc.

Chụp ảnh “high key” và “low-key”

Chủ đề tĩnh vật với hoa và quả đôi khi cũng có thể tạo nên những bức ảnh high-key và lowkey tuyệt đẹp. Về khái niệm, high key là một kỹ thuật tạo ra hình ảnh có độ sáng cao và ít tương phản, đồng thời có ít hoặc gần như không có bóng đổ. Đặc trưng của những bức ảnh high-key chính là vẻ đẹp thanh tao, nhẹ nhàng và có phần ma mị, mê hoặc.

Ngược lại, những bức ảnh lowkey sẽ có độ sáng thấp, độ tương phản cao và phần lớn không gian bức hình chìm trong bóng tối. Đôi khi, vật thể trong một tấm hình low-key sẽ được chiếu sáng ở vài nơi để làm nổi bật hình khối và dáng vóc của sự vật. Do đó, các nhiếp ảnh gia thường dùng góc sáng từ phía sau để tạo hiệu ứng rim-lighting cho đối tượng.

Ảnh “tĩnh” mà lại “động”

Sở dĩ nhiếp ảnh tĩnh vật có được tên gọi của nó bởi đối tượng chụp trong bức ảnh là bất di bất dịch và không hoạt động trong thời gian phơi sáng. Song, cũng không nhất thiết phải coi đây là một đặc tính cố hữu của nhiếp ảnh tĩnh vật. Hoa quả và rau củ vẫn có thể trở thành những đối tượng hoàn hảo cho những tấm hình động. Lấy ví dụ như tấm hình dưới đây, nền đen đã khiến cho vật thể trong bức hình là quả ớt chuông trở nên nổi bật, đồng thời giúp cho tôi có thể tạo nên một tấm hình Stroboscopic hoàn hảo, khiến cho quả ớt chuông như đang bay giữa không trung.

Lời kết

Đối với những người đang cảm thấy gò bó khi ở nhà và mong muốn tìm kiếm một phương pháp luyện tập nhiếp ảnh tại nhà thì chụp ảnh tĩnh vật với chủ đề rau quả là một giải pháp hợp lý nhờ những ưu điểm sau:

–  Bạn có thể sử dụng những vật dụng có sẵn trong nhà

–  Bạn có thể thử nghiệm và khám phá ra nhiều kỹ thuật với các góc chiếu sáng đa dạng khi chụp ảnh tĩnh vật

–  Trong quá trình thử nghiệm, những bức ảnh đẹp có thể được sử dụng để làm ảnh lưu trữ (stock image)

–  Sau khi hoàn thành việc thử nghiệm, bạn có thể ăn luôn vật thể của mình.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *