Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là một phần của đường trục cao tốc Bắc – Nam, nối liền với Đại lộ Đông Tây, cao tốc TP.HCM – Trung Lương và trong tương lai sẽ kết nối vào mạng lưới cao tốc quốc gia tạo lập một hệ thống cao tốc liên vùng.
Đường cao tốc được đưa vào hoạt động vào ngày 08/02/2015 đã góp phần làm giảm áp lực giao thông trên QL.51 và QL.1, giảm thiểu tai nạn giao thông; rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa; rút ngắn hành trình Thành phố Hồ Chí Minh – Bà Rịa Vũng Tàu khoảng 20km, rút ngắn hành trình từ TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu đi các tỉnh phía Bắc và ngược lại so với đi theo các QL1, QL.51 hiện nay với ưu thế về tiêu chuẩn kỹ thật cao hơn, tốc độ lớn hơn và điều kiện an toàn giao thông tốt hơn. Dự án cũng tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động giao thương ba trung tâm kinh tế lớn của khu vực là Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu.
Ngoài ra, Dự án còn tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển của các đô thị vệ tinh của TP.Hồ Chí Minh như Long Thành, Nhơn Trạch, Dầu Giây, Phú Mỹ, Phước Thái… giảm áp lực giao thông nội đô vào trung tâm thành phố, cải thiện môi trường đô thị.
Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây nối liền T.P Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
Đường dẫn đường cao tốc bắt đầu tại điểm giao cắt với Đại lộ Mai Chí Thọ tại Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Đường cao tốc chạy về hướng đông 4 km và cắt đường Vành đai II tại nút giao lớn hình loa kèn trumpet đôi. Qua khỏi cầu Long Thành, con đường tiếp tục chạy qua vùng nông nghiệp rộng lớn của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai trước khi giao cắt với Quốc lộ 51 cũng tại huyện này.
Dự án có chiều dài khoảng 55km, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài 42km và được chia làm 2 phần. Đoạn An Phú – Vành đai II dài 4km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80km/h; quy mô giai đoạn 1: bốn làn xe, chiều rộng nền đường 26,5m, chiều rộng mặt đường 2×7,5m và chiều rộng làn dừng khẩn cấp là 2×3m. Đoạn Vành đai II – Long Thành – Dầu Giây được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A TCVN 5729-97, vận tốc thiết kế 120km/h (cầu Long Thành có tốc độ thiết kế 100km/h); quy mô giai đoạn 1: bốn làn xe, chiều rộng nền đường 27,5m, chiều rộng mặt đường 2×7,5m và chiều rộng làn dừng khẩn cấp là 2×3m.
Dự án đi qua địa bàn xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch; xã Tam An, An Phước, Long An, Bình Sơn, Bình An, Thị trấn Long Thành, huyện Long Thành; xã Sông Nhạn, Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ; xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất. Và tổng mức đầu tư của đường cao tốc lên đến hơn 20.000 tỷ đồng.
Một đoạn đường cao tốc với hai bên được phủ cây xanh.
Đoạn đường thuộc địa phận Tỉnh Đồng Nai.
Các hạng mục chính:
Cầu vượt sông lớn: cầu Long Thành (Km12+228.0 ~ Km12+908.0) dài 1721m bắc qua sông Đồng Nai được thiết kế dạng dầm hộp đúc hẫng.
Cầu vượt sông khác: có 6 cầu lớn với nhịp chính từ 40~63m, 11 cầu nhỏ và cầu trung có nhịp chính từ 20~33m.
Cầu cạn, cầu vượt: 01 cầu cạn dài 6369m với nhịp từ 33~40m; 03 cầu trên cao tốc vượt đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt; 10 cầu vượt ngang cao tốc.
Nút giao: 04 nút giao (03 nút liên thông và 01 nút giao bằng).
Cống: 48 cống các loại với tổng chiều dài 1560m.
Công trình phục vụ vận hành – khai thác: 04 trạm thu phí, 01 trạm dịch vụ và 02 khu quản lý khai thác.
Cầu Long Thành
Nút giao giữa đường cao tốc và Vành đai II có điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp.
Tại nút giao với Vành đai II đã phải sử dụng hơn 442.000 m3 đất đắp, gần 34.000 m3 ấp phối đá dăm, trên 36.000 tấn bê tông nhựa các loại và nhiều loại vật liệu đặc thù khác.
Nút giao giữa tuyến cao tốc với quốc lộ 51 khu vực huyện Long Thành, Đồng Nai.
Theo tiêu chuẩn đường cao tốc, tuyến đường được thiết kế với tốc độ 120 km/giờ, riêng cầu Long Thành, tốc độ thiết kế là 100 km/giờ. Sau khi toàn tuyến cao tốc này được đưa vào sử dụng, đoạn đường từ TP HCM đi Vũng Tàu chỉ còn 95 km với thời gian khoảng một giờ 20 phút thay vì 120 km và 2 giờ 30 phút như trước. Đồng thời, từ TP HCM đi Ngã ba Dầu Giây (quốc lộ 1 và hướng đi Liên Khương) sẽ chỉ còn 50 km với thời gian một tiếng thay vì 70 km và mất đến 3 giờ do thường xuyên bị ùn tắc.
Một khâu đột phá có ý nghĩa quyết định để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại là phải tập trung xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, đặc biệc chú trọng đến hệ thống giao thông, đường cao tốc quốc gia. Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là dự án đặc biệt quan trọng thuộc dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam và trong tương lai sẽ là điểm đầu của đường cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt và Dầu Giây – Phan Thiết (đoạn tiếp theo của đường cao tốc Bắc – Nam).