Cẩm nang lựa chọn chân máy ảnh tripod cho người mới bắt đầu

Thiết kế & cấu tạo

 

 

Trước hết, chân máy ảnh mang nhiều hình dáng và kích cỡ khác nhau, đồng thời cũng rất đa dạng về chất liệu và cơ chế hoạt động, từ đó phân loại chúng vào nhiều nhóm khác nhau, tùy thuộc theo từng mục đích sử dụng cụ thể. Đầu tiên, chúng ta sẽ nói đến cấu trúc cơ bản của chân máy ảnh. Chân máy ảnh bao gồm hai phần chính: phần chân đứng và phần bệ để gắn máy ảnh, phần chân đứng có ba càng xoạc, giúp thay đổi độ dài và góc chụp tùy ý mà vẫn đảm bảo được độ vững chắc của máy. Nhìn chung, thiết kế của một chân máy ảnh cực kỳ đơn giản và dễ hình dung, phù hợp với nhiều loại chất liệu và cơ chế khóa.

 

 

Vật liệu

 

 

Như đã đề cập tới ở trên, vật liệu được sử dụng cho chân máy ảnh hết sức phong phú và đa dạng, từ những vật liệu cổ xưa như gỗ cho tới những chất liệu hiện đại, tân tiến nhất như hợp kim nhôm hay sợi các-bon. Sự đa dạng về chất liệu sử dụng cho chân máy có thể sẽ khiến chúng ta băn khoăn và bối rối khi lựa chọn một sản phẩm cho mình. Do đó, khi đứng trước nhiều lựa chọn, hãy cân nhắc tới ba yếu tố sau để chọn ra cho mình thiết bị phù hợp nhất với bản thân:

 

1. Trọng lượng nhẹ

2. Vững chắc

3. Giá thành rẻ

 

Vấn đề quan trọng ở đây là bạn sẽ chỉ được lựa chọn giữa hai trong ba đặc điểm nêu trên khi chọn mua chân máy. Ví dụ, một chân máy có giá thành rẻ và có trọng lượng nhẹ thì sẽ không được vững chãi, hay nếu như một chân máy vừa có trọng lượng nhẹ, lại vừa vững chắc thì sẽ có giá thành không rẻ chút nào. Do đó, đây là lúc mà bạn phải thực sự cân nhắc kĩ lưỡng nhu cầu và ưu tiên của bản thân để có thể chọn cho mình một sản phẩm phù hợp. Lúc này, vật liệu của chân máy sẽ mang tính quyết định trong việc đáp ứng nhu cầu của người dùng.

 

1. Gỗ và thép

 

 

Có một sự thật khó tin rằng, trong thời hiện đại ngày nay, vẫn có rất nhiều người ưa chuộng sử dụng chân máy bằng gỗ. Một sản phẩm phổ biến có thể được kể đến như chiếc Report 2042 hay Report 242 tới từ Berlebach với thiết kế kết hợp giữa gỗ tần bì và thép không gỉ tuyệt đẹp. Đây là một sản phẩm lý tưởng cho những ai thường xuyên làm việc tại studio hoặc những sự kiện lớn, không yếu cầu di chuyển nhiều do trọng lượng của chiếc tripod này khá nặng: 4kg khi chưa lắp đặt bệ đỡ, và 5kg khi bao gồm bệ đỡ. Để bù đắp cho trọng lượng nặng nề của mình, chiếc chân máy này sẽ mang tới cho người dùng cảm giác vững chắc và an toàn tuyệt đối cho máy ảnh của mình. Bên cạnh đó, đối với những ai yêu thích vẻ đẹp “vintage” hoài cổ, đây chắc chắn sẽ là một chiếc tripod cực kì phù hợp với nhiều mức giá để bạn lựa chọn.

 

2. Nhựa

 

 

Ngoài ra, nhựa cũng là một chất liệu sử dụng cho chân máy khá phổ biến. Tuy nhiên, những chiếc chân máy bằng nhựa thường chỉ phù hợp để sử dụng với những thiết bị nhỏ gọn như smartphone hay máy ảnh compact, nhằm phục vụ các blogger là chủ yếu.

 

Tuy nhiên, đối với các nhiếp ảnh gia thường xuyên sử dụng những loại máy ảnh nặng kí, chân máy bằng nhựa thường không đáp ứng được nhu cầu do tải trọng còn hạn chế và thường bị cong vênh khi sử dụng.

 

Nhựa là một chất liệu khá ổn khi đóng vai trò thành phần bổ trợ cho chân máy, song một sản phẩm được cấu tạo hoàn toàn tự nhựa lại không tỏ ra quá hữu dụng và hiệu quả cho các nhiếp ảnh gia.

 

3. Hợp kim nhôm

 

 

Nhôm là một trong những chất liệu phổ biến nhất trên thị trường chân máy ảnh bởi tính bền bỉ và khả năng chịu lực tuyệt vời, hơn nữa lại có giá thành cực kì hợp túi tiền và đang có xu hướng giảm dần theo thời gian. Vì thế, không phải tự nhiên mà nhôm lại trở thành chất liệu phổ biến cho chân máy nói riêng và phụ kiện máy ảnh nói chung.

 

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, sự phát triển của khoa học hiện đại đã tung ra thị trường một vật liệu mới cho chân máy và được dự đoán sẽ có thể soán ngôi của hợp kim nhôm, đó chính là…

 

4. Sợi các-bon

 

 

Sợi các-bon là một chất liệu có trọng lượng nhẹ, cực kì bền bỉ và có khả năng kháng hóa chất và ăn mòn cao, tất cả đều là những đặc tính khiến cho hợp chất này trở nên hoàn hảo cho việc chế tạo chân máy ảnh. Xét về khía cạnh khoa học, sợi các-bon có độ cứng vượt trội hơn hẳn so với nhôm, với chỉ số chịu lực lên tới 181 GPa so với 69 GPa ở nhôm. Do đó, một chiếc chân máy làm từ sợi carbon sẽ hầu như không gặp phải hiện tượng cong vênh trong quá trình sử dụng như với các chất liệu khác.

 

Đồng thời, sợi các-bon cũng sở hữu nhiều loại khác nhau, với những đặc tính và cấu tạo riêng biệt, mang lại cho người dùng nhiều lựa chọn.

 

Xét về ba yếu tố của chân máy đã được đề cập tới ở trên, sợi các-bon sẽ mang lại khả năng chịu lực tuyệt vời cùng trọng lượng nhẹ. Đương nhiên, cũng chính vì thế nên những chiếc tripod làm từ chất liệu này sẽ có giá thành không rẻ chút nào. Chi phí cho một chiếc tripod từ sợi các-bon thường sẽ nhiều hơn từ 2 đến 3 lần so với một chiếc chân máy làm bằng nhôm.

 

Tuy nhiên, những chiếc tripod từ sợi các-bon đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trên thị trường, được đầu tư bởi nhiều nhà sản xuất khiến cho mức giá của những sản phẩm này đang có xu hướng giảm dần. Đồng thời, sở hữu cho mình một thiết bị vừa có trọng lượng nhẹ, lại vừa mang lại sự vững chắc sẽ là một khoản đầu tư hợp lý và có lời cho hầu hết mọi người.

 

5. Titan

 

Đây là một chất liệu chưa thực sự phổ biến cho lắm khi hiện tại gần như chưa có sản phẩm tripod nào được sản xuất 100% từ titan. Dù vậy, trong tương lai gần, titan vẫn sẽ có thể trở thành một chất liệu tốt để sử dụng cho tripod, nhờ khả năng chịu lực siêu việt và chống ăn mòn cực tốt. Hiện tại, tripod làm từ titan sẽ không phải là một lựa chọn hợp lý bởi chúng vẫn còn tồn tại rất nhiều thiếu sót cần khắc phục như tỉ lệ khối lượng – tải trọng còn thua xa so với các chất liệu khác như nhôm và sợi các-bon. Đặc biệt, những sản phẩm này lại thường có một mức giá “trên trời”, càng góp phần khiến cho người dùng dễ dàng gạt bỏ titan khỏi danh sách những lựa chọn của mình.

 

 

Cơ chế khóa

 

1. Khóa lật

 

 

Hầu hết những chiếc tripod mà tôi sở hữu đều sử dụng cơ chế khóa lật, vì thế có thể nói rằng, đây là loại khóa mà tôi ưa thích sử dụng và đánh giá cao hơn so với loại còn lại. Song đây hoàn toàn chỉ là ý kiến chủ quan và quan điểm của cá nhân tôi.

 

Khóa lật có cơ chế hoạt động rất đơn giản, đúng như tên gọi của chúng: lật lên phía trên để nhả khớp giữ chân máy, cho phép người dùng thay đổi độ dài và sau đó lật xuống để cố định lại chân máy, từ đó giúp việc điều chỉnh và thiết lập chân máy trở nên rất nhanh chóng và thuận tiện.

 

Loại khóa này còn rất đa dạng về mặt chất liệu được sử dụng, phổ biến nhất có lẽ là nhựa và kim loại, khả năng chịu lực của khóa sẽ tùy thuộc chủ yếu vào vật liệu được dùng.

 

2. Khóa vặn

 

 

Trên thực tế, khóa vặn dường như được sử dụng phổ biến trên tripod hơn so với khóa lật. Về cơ chế hoạt động, khóa vặn cũng rất đơn giản để sử dụng, người dùng chỉ cần vặn khóa ngược chiều kim đồng hồ để nới lỏng khớp nối, điều chỉnh độ dài và sau đó vặn theo chiều ngược lại để cố định. Về ưu điểm, khóa vặn sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường như bụi, cát hay tuyết – điều thường xảy ra với khóa lật.

 

 

Phần đế

 

Chi tiết cuối cùng trên một chiếc tripod cần nói tới đó chính là phần đế hay phần “bàn chân” của tripod – một “anh hùng thầm lặng” ít được để tâm đến song lại có trọng trách đặc biệt quan trọng trên một chiếc chân máy ảnh.

 

 

Phần đế của một chiếc tripod cũng hết sức đa dạng về hình dáng và kích thước, song chất liệu chủ yếu được sử dụng thường là cao su hoặc nhựa dẻo. Kích cỡ và chất liệu được sử dụng của chi tiết này là một yếu tố mà người dùng nên lưu tâm khi lựa chọn sản phẩm, bởi kích thước của phần đế càng lớn, mức độ tản lực sẽ càng hiệu quả và khiến cho thiết bị của bạn có thể “nổi” lên trên những bề mặt mềm như cát hay bùn đất và không bị lún xuống.

 

 

Ngoài ra, bạn cũng nên đầu tư vào nhiều loại đế khác nhau để có thể sử dụng trên nhiều bề mặt, môi trường khác nhau. Giả dụ, nếu bạn có ý định chụp ảnh ngoài trời, nơi có nhiều đất đá hay thậm chí băng tuyết, hãy trang bị cho mình phần đế nhọn để có thể cố định máy ảnh tốt hơn. Tuy nhiên, đối với những sự kiện trong nhà như đám cưới hay studio, phần đế nhọn lại trở thành kẻ thù số một của bạn. Do đó, nếu bạn thường xuyên đổi địa điểm chụp hình, hãy chắc rằng phần mũi nhọn tại đế có thể thu lại hoặc gỡ bỏ.

 

 

Ngày nay, nhiều hãng sản xuất tripod đều trang bị trên sản phẩm của mình khả năng thay thế đế, do đó, bạn cũng có thể cân nhắc đến việc tìm kiếm những sản phẩm này để có thể linh hoạt hơn trong công việc của mình.

 

 

Cột trung tâm – nên có hay không?

 

 

Phần cột trung tâm của một chiếc tripod là một công cụ đặc biệt linh hoạt, bởi nó mang lại khả năng điều chỉnh độ cao chính xác đến từng centimet cho người dùng. Thế nhưng, đi kèm với khả năng tiện lợi này, sử dụng bộ phận này trên chiếc tripod cũng sẽ khiến cho máy ảnh của bạn bị rung một chút trong quá trình chụp ảnh, khiến cho bức ảnh có thể sẽ không được hoàn hảo như ý muốn. Do đó, đây là một vấn đề đang được bàn luận khá sôi nổi về việc có hay không nên dùng bộ phận này và liệu rằng nó có ảnh hướng đến kết quả quá nhiều hay không.

 

Nhìn chung, có thể nhận định rằng, cột trung tâm là một con dao hai lưỡi cho người sử dụng. Một mặt, bộ phận này mang lại độ linh hoạt tuyệt vời để bạn có thể chinh phục được nhiều góc ảnh. Mặt khác, nó cũng có thể gây ảnh hướng xấu tới bức ảnh nếu không được sử dụng cẩn thận. Do đó, vấn đề cân bằng giữa lợi và hại nhận được từ phần cột trung tâm phụ thuộc hoàn toàn vào người sử dụng.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *