Triển lãm kính ảnh màu Hà Nội (9/12/2013 và 4/1/2014)

Triển lãm ảnh về Hà Nội thì không hiếm, nhưng một triển lãm tái hiện Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX bằng kỹ thuật kính ảnh màu thì đúng là hiếm. 60 bức ảnh ghi lại dấu ấn đời sống của người dân Hà Nội và vùng lân cận những năm 1914-1917 do Léon Busy chụp cách đây một thế kỷ vừa khai mạc tối 9-12 tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội. Đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa vùng Ile de France và UBND thành phố Hà Nội nhân dịp năm Pháp tại Việt Nam.

Tác giả ý tưởng của triển lãm là nhà sử học Emmanuel Poisson (Trường Đại học Paris Diderot) và nhà dân tộc học Đinh Trọng Hiếu (Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp). 60 bức hình màu này được chọn từ kho ảnh gần 2.000 bức của nhà nhiếp ảnh Léon Busy với những chứng tích về đời sống 
vật chất, tinh thần người Việt nói chung và Hà Nội nói riêng trong thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc thì những bức ảnh chứa đựng nhiều thông điệp về phong tục tập quán đời sống của người Việt…

Người viết đặc biệt ấn tượng với những không gian cụ thể về Hà Nội 100 năm trước, có sức gợi mở liên tưởng đến hôm nay như "Cây cầu ở Định Công", "Một góc chợ Định Công" với nguyên vẹn một vùng đa dạng sinh học đặc trưng của nông thôn Việt (mà nay đã trở thành một khu đô thị…); rồi "Trước cổng đền Quán Thánh", hay "Cảnh ấp Thái Hà", "Lò giấy Làng Bưởi"… nay đã vô vàn đổi thay. Nhất là những phố cổ của Hà Nội xưa với nghệ nhân vẽ tranh trên phố Hàng Trống, cửa hàng bán đồ chơi Trung thu bằng giấy ở phố Hàng Gai… trong sự so sánh xưa và nay.

Như đã nói ở trên, triển lãm này ít nhiều mới mẻ là nhờ kỹ thuật khác lạ. Cảm quan chung là ảnh hiện trên mặt kính, được cộng hưởng bởi ánh sáng đặt trong hộp gỗ phía sau… Quy trình kỹ thuật chụp ảnh màu – phát minh của anh em nhà Lumière từ năm 1903 được Léon Busy áp dụng không hẳn dễ hiểu với công chúng, nhưng nó cũng gợi nên những tò mò nhất định. Đó là kỹ thuật chụp dựa trên việc tổng hợp ba màu cơ bản. Trên một nền kính, người ta dàn đều hỗn hợp tinh bột khoai tây nhuộm 3 màu cam, lục và tím, khe hở giữa các hạt tinh bột lại được phủ kín bằng các chất liệu nhạy với tất cả các màu. Quá trình phơi sáng để tạo ra hình ảnh dương bản trên tấm kính có thể dao động từ vài giây tới nhiều phút. Và đặc biệt, các chủ thể được chụp đều phải ở dạng tĩnh.

Nhà nhiếp ảnh Léon Busy đã chủ động sử dụng kỹ thuật này để chụp những bức ảnh nhiều mặt của Hà Nội và các vùng lân cận và có ý thức lưu giữ chúng. Ông là hội viên Hội Nhiếp ảnh Pháp từ năm 1913. Năm 1915, ông đã gửi đến kho Lưu trữ toàn cầu (thuộc Viện bảo tàng Albert Kahn của Pháp) những phiên bản ảnh màu đầu tiên về Hà Nội.

Một điểm nhấn khác của triển lãm này lại nằm ở chú thích của mỗi bức ảnh. Không chỉ là thuyết minh mà các nhà sử học, dân tộc học tham gia tổ chức triển lãm còn đưa ra những "bình luận" và "phản biện" đáng chú ý. Theo chủ quan người viết, hình như chú thích trong các triển lãm của ta chưa từng làm như vậy để có thể thu hút hơn sự chú ý của người xem. Đơn cử như dưới bức ảnh "Hai cô gái ngồi bên bể nước", chú thích ghi: "Hai cô gái ăn mặc theo cách cổ truyền: Yếm trắng, quần đen cùng với thắt lưng màu tươi, đội nón ba tầm, là thứ nón của vùng Sơn Tây… Bề ngoài trông giản dị nhưng thực ra có một sự sắp đặt công phu: Trên thực tế ít khi con gái Việt Nam lại chỉ mặc có cái yếm khi ra đường hoặc để làm việc. Trong ảnh này, các cô ngồi có vẻ không thoải mái lắm, dường như theo sự chỉ đạo của Léon Busy và vờ như đang trò chuyện, hoặc nhai trầu…". 

 

su-kien-o-trung-tam-van-hoa-phap

 

Chủ đề: Kính ảnh màu của Léon Busy

Thời gian: 09 Tháng 12 Năm 2013 – 18h00 / 04 Tháng 1 Năm 2014 – 18h05

Địa điểm: Sảnh triển lãm Trung tâm Văn hóa Pháp

Triển lãm được vùng Île-de-France và UBND thành phố Hà Nội tổ chức trong khuôn khổ chương trình hợp tác vùng nhân mùa Pháp tại Việt Nam

Triển lãm đã được xây dựng theo ý tưởng của Emmanuel Poisson, nhà sử học của Trường Đại học Paris Diderot và Đinh Trọng Hiếu, nhà dân tộc học của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp với 60 bức kính ảnh màu. Được chụp từ năm 1914 đến 1917, những bức ảnh màu trên kính (sử dụng phương pháp của anh em nhà Lumière, 1903) sẽ được giới thiệu tới công chúng với hai chủ đề: cuộc sống hàng ngày – các nghề và xã hội; môi trường và những đức tin. Những tác phẩm từ tài năng nhiếp ảnh của Léon Busy sẽ tái hiện lại cũng như giúp chúng ta hiểu rõ quá khứ của người Việt Nam qua một cuộc hành trình đến với Tha nhân. 
Ngoài ra sẽ có khoảng mười phim ngắn đen trắng về thời kỳ đó được tuyển chọn để trình chiếu.

Triển lãm được thực hiện với sự tài trợ của Bảo tàng Albert Kahn vùng Boulogne-Billancourt và Trường Đại học Paris Diderot.
 

Khai mạc : 09.12 – 18h00
Triển lãm : 09.12 – 04.01

 

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *