Tốt nghiệp trường Trung cấp kiến trúc năm 1963, ngay lập tức Vũ Đăng Đính được cử về làm ở Viện thiết kế của Bộ Xây Dựng. Đến năm 1968, theo lời khuyên của họa sĩ Nguyễn Khang, khi đó là Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam, ông đã thi vào trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp để học khoa thiết kế nội thất. Sau năm 1974, hàng loạt các công trình thiết kế lớn ghi dấu ấn của ông ra đời. Đó là những thiết kế nội thất Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Xô, Bảo tàng Quân sự, Bảo tàng Hồ Chí Minh thập niên 80, 90 và gần đây nhất là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2000. Trong mỗi công trình đó, không ít các tác phẩm trang trí kiến trúc của ông đã hình thành, chúng là những bức phù điêu đầy tinh thần hào sảng và nỗi niềm dân tộc. Từ phù điêu “Phù điêu ngựa Gióng” ở Cung Hữu nghị, đến phù điêu “Giương cao hai ngọn cờ độc lập và chủ nghĩa xã hội” ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội và phù điêu Bác Hồ với Huế ở Bảo tàng Hồ Chí Minh – Huế. Có thể nói, những không gian kiến trúc đó vào những năm cuối thế kỷ XX dường như đã làm nên diện mạo khác trong thiết kế hiện đại nhất của các công trình công cộng. Cũng bởi vậy mà ông đã vinh dự được nhận hai Huy chương vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam và Huy chương vì sự nghiệp xây dựng Việt Nam do nhà nước trao tặng.
Tác phẩm Đàn tranh – Tranh Sơn dầu (100x100cm)
Tuy nhiên, nghệ thuật là một con đường dài. Với ông, niềm đam mê không gian đã không dừng lại sau khi nghỉ hưu. Những tác phẩm hội họa mang đầy âm hưởng kiến trúc và thiết kế đã hình thành nên một phong cách riêng. Nhưng nếu chỉ có vậy thì hầu như ông vẫn chưa thoát ra khỏi ngôn ngữ kiến trúc để đến với hội họa đúng nghĩa. Từ triển lãm cá nhân năm 2005, Vũ Đăng Đính lần đầu tiên trình làng những tác phẩm hội họa đầy ảnh hưởng từ phong cách kiến trúc. Những phong cảnh, phố cổ với những mảng lớn và những nét phác dứt khoát mang đậm tính tượng trưng. Bước khởi đầu với hình sắc đó đã tạo nên một cú hích cho một chặng đường 10 năm với nhiều sự đổi thay. Dẫu những đổi thay đó chỉ nho nhỏ, nhưng ở ông cũng chính là sự tìm tòi không lặp lại. Những bức tranh về Kiều, về phố cổ, về cây cầu Long Biên của 2014, 2015 gần đây và đặc biệt là những bức tranh trừu tượng của ông đã cho chúng ta một ấn tượng khác hẳn. Ở đó, lối thức phân mảng miếng, tạo góc cạnh và ánh sáng trên mỗi tác phẩm lại tạo ra những thang âm khác nhau mà càng nhìn, ngắm, lại càng cảm thấy thú vị. Lớp lớp không gian được hiện ra, chúng vừa thực, vừa ảo một cách đa chiều và biến đổi linh hoạt qua các chủ đề khác nhau. Nếu ở các tranh vẽ phố, vẽ cầu, chúng như đồng điệu ăn nhập hoàn toàn với góc cạnh của kiến trúc, thì ở những tranh thiếu nữ chơi đàn, chúng lại biến thành những thanh âm rất vô hình trong hội họa.
Tác phẩm Hà Nội mùa mưa – Tranh Sơn dầu (100x120cm)
Từ ngày 22 – 11 đến ngày 1 – 12 – 2015, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền – Hà Nội, họa sĩ Vũ Đăng Đính đã tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ 2 mang tên “Hướng Thiện”. Tại triển lãm, Vũ Đăng Đính mang tới cho người xem ấn tượng với bút pháp mới khi xem tranh ông vẽ Kiều, phố cổ, cây cầu Long Biên, những câu chuyện về Phật pháp… Không chỉ có vậy, những không gian mang đậm tư duy, biểu tượng kiến trúc đó thời gian gần đây còn là cánh cửa để họa sĩ đi vào những đề tài đậm chất tâm linh.
Tác phẩm Hương bưởi – Tranh Sơn dầu (70x85cm)
Tác phẩm Cầu Long Biên – Tranh Sơn dầu (100x120cm)
Tác phẩm Nhân quả – Tranh Sơn dầu (130x130cm)
Không phải tất cả những tác phẩm của ông trong suốt các chặng đường sáng tác, từ triển lãm cá nhân đầu tiên năm 2005 cho đến nay đều đạt được sự thăng hoa của cảm xúc. Nhưng rõ ràng, một phong cách riêng rất Vũ Đăng Đính, rất quen từ những thiết kế nội thất những thập niên 80-90 của thế kỷ XX đã tạo nên một họa sĩ trong ông. Vẽ với ông như niềm vui, như sự trải nghiệm mới và những đổi thay không ngừng nghỉ. Nhưng nó cũng giống như một bến bờ bình yên để ông chiêm nghiệm khi đã bước vào tuổi thất thập đầy lạc quan khi đã đi qua những chặng đường hùng tráng.