Laposse đã phát triển một kỹ thuật cho phép biến rác thải trong quá trình chế biến thực phẩm từ ngô trở thành một bề mặt veneer rất thu hút và tiện dụng, hòa chung xu hướng kinh tế tuần hoàn hiện nay.
Mẫu vật liệu này hiện đang được trưng bày tại bảo tàng V&A, London, trong khuôn khổ chương trình triển lãm dài hơi nhất của bảo tàng này, mang tên Food: Bigger than the Plate (Tạm dịch: Thực phẩm: Bức tranh rộng hơn những gì được bày trên bàn ăn).
Bề mặt veneer này được tạo ra bằng cách lột vỏ ngô, cán dẹt rồi dán nó trên một mặt phẳng nền. Sau đó nó được cắt bằng tia laser thành các mảnh ghép nhỏ để tiến hành khảm lên mặt đồ vật trong khâu tiếp theo.
Totomoxtle veneer có thể được dùng làm tường trang trí cũng như đồ nội thất và các món đồ trang trí khác như bàn, đèn hay bình hoa.
Ngoài tính chất là vật liệu tự nhiên, có khả năng tái tạo, Totomoxtle còn có thêm điểm cộng nhờ việc làm gia tăng số lượng những giống ngô đang trên bờ tuyệt chủng.
Việc sản xuất vật liệu này cũng giúp tạo công ăn việc làm cho những người dân bản địa ở làng Tonahuixtla, nằm về phía tây nam của Puebla ở Mexico.
Laposse cho biết: “Sự ra đời của loại vật liệu này là kết quả của quá trình hợp tác giữa tôi, với vai trò là nhà thiết kế, với những người nông dân bản địa và một ngân hàng hạt giống nơi lưu giữ khối lượng hạt giống ngô lớn nhất thế giới.”
“Họ đã cung cấp cho chúng tôi những hạt giống được lưu trữ từ 50 năm trước và gần như đã không còn được trồng trọt trong 25 năm qua. Giờ đây chúng tôi đã thành công trong việc đem chúng trở lại.”
Sự đa dạng, yếu tố tạo ra sự pha trộn sắc màu tuyệt đẹp lại cũng chính là yếu tố tạo rủi ro cho việc sản xuất vật liệu này dưới những điều kiện canh tác nông nghiệp hiện đại.
Sự thiếu đồng nhất về sắc màu, kích cỡ và hàm lượng đường khiến việc này trở nên kém hấp dẫn với việc canh tác nông nghiệp quy mô lớn, vốn ưa chuộng việc tiêu chuẩn hóa mọi thứ từ đầu vào đến đầu ra.
Một phần mục tiêu của dự án này là nhằm nâng cao nhận thức về tốc độ đánh mất sự đa dạng sinh học của chúng ta, thứ phải mất hàng nghìn năm với quá trình chọn lọc tự nhiên và giờ đây đang biến mất chỉ trong vài thập kỷ.
Đối với người dân bản địa Mixte, sự xuất hiện của kỹ thuật lai tạo công nghiệp giống như một thảm họa, bởi nó đã kéo tụt nhu cầu đối với các giống ngô cổ xuống mức thảm hại.
Trước đó, họ đã quen canh tác trên những vạt núi cằn cỗi với kỹ thuật xen canh được gọi là Milpa, giúp tái tạo màu cho đất bằng cách trồng đậu đen và bí đỏ xen lẫn với ngô.
Kể từ sau khi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ được ký kết vào năm 1994 đẩy họ vào thế buộc phải cạnh tranh với những gã khổng lồ trong ngành nông nghiệp, họ đã bắt đầu tìm đến những kỹ thuật canh tác hiện đại, sử dụng các giống lai tạo chịu được thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, những thứ rốt cuộc đã tàn phá cả hệ sinh thái mong manh.
Điều này đã khiến đất bị xói mòn và hiện tượng du canh du cư cũng biến mất.
Mất cân bằng sinh thái đang là một vấn đề nóng trên toàn cầu. Trong một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, có khoảng 1 triệu loài động thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do hành động tàn phá của con người.
Laposse cho biết: “Chỉ bằng 1 hành động, bạn mất đi tất cả lương thực. Sau đó là đến vấn đề chế biến và tiêu dùng thực phẩm. Ở Mexico, việc bảo tồn sự đa dạng của các giống ngô đóng vai trò rất quan trọng bởi ngô có mặt trong hầu hết các món ăn, đặc biệt là món ăn bản địa của người dân nơi đây.”
“Phát triển những vật liệu mới, tạo ra những sản phẩm mới nhưng đồng thời vẫn tôn trọng truyền thống. Có thể coi dự án của chúng tôi là một ví dụ để thấy hoạt động thiết kế có thể làm được gì để góp sức vào nỗ lực chung này.”
Dự án này giúp tạo công ăn việc làm cho những người dân địa phương, đặc biệt là cho những bà mẹ trẻ. Đây là một công việc ít nhiều nhàn hạ hơn và được trả lương cao hơn việc làm thuê trên những cánh đồng rộng lớn, tạo điều kiện cho họ kiếm thêm thu nhập trong khi vẫn có thể dành thêm thời gian cho con cái của mình.
Cách làm của Laposse là một ví dụ cho Kinh tế Tuần hoàn, một mô hình kinh tế hướng đến việc giảm thiểu tối đa rác thải và tạo ra một vòng lặp tăng cường một cách tích cực.