Tên thật: Pieter Cornelis Mondriaan
Ngày sinh: 7 tháng 3 năm 1872, tại Amersfoort, Hà Lan
Ngày mất: 1 tháng 2 năm 1944, thành phố New York, Hoa Kì
Phong cách nghệ thuật: Trừu tượng. Piet Mondrian còn là người khởi xướng cho phong cách nghệ thuật Tân tạo hình (Neoplasticism)
Sinh ra và lớn lên tại Amersfoort, Hà Lan, Piet Mondrian bước chân vào nghệ thuật với sự phản đối của gia đình.
Năm 1907, ông cho ra đời tác phẩm đầu tiên của sự nghiệp. Mondrian đã không bắt đầu sự nghiệp bằng việc sử dụng hình vuông hay hình chữ nhật do ông lớn lên trong thời kì suy tàn của chủ nghĩa Ấn tượng. Bức tranh đầu tiên của Piet Mondrian đã phù hợp với giai đoạn đó, cũng tương tự như các tác phẩm Hậu Ấn tượng của họa sĩ tài ba Van Gogh.
Đến năm 1908, dưới ảnh hưởng của họa sĩ Hà Lan Jan Toorop, ông bắt đầu thử nghiệm màu sắc tươi sáng hơn, điều này khởi đầu cho những nỗ lực vượt qua ranh giới trừu tượng vốn có. Thông qua đơn giản hóa triệt để các thành phần và màu sắc, ông đã tìm cách phơi bày những nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho tất cả những thể hiện sau này.
Khởi nguồn của Nghệ thuật Tân tạo hình (Neoplasticism)
Năm 1917, Mondrian và họa sĩ Hà Lan – Theo Van Doesburg thành lập tạp chí de Stijl, trong đó Mondrian phát triển lý thuyết của ông về một hình thức nghệ thuật mới – Tân tạo hình (Neoplasticism).
Mondrian khám phá thiên nhiên theo cách riêng của mình, ông đã dần dần bắt đầu đơn giản hóa và trừu tượng hóa màu sắc và hình dạng mà ông nhìn thấy. Quá trình này tiếp diễn cho đến khi anh thậm chí còn không vẽ bất kì thứ gì từ thiên nhiên nữa.
Theo ông, hội họa không nên chỉ tái hiện lại một cách thô thiển những đường nét của vật thể, mà phải thể hiện vật thể qua những đường nét cơ bản nhất cùng với linh hồn đã làm nên vật thể đó.
Với quan niệm này, Mondrian đã tiến tới sự đơn giản tối đa những màu sắc sử dụng trong tranh và những đường cong được thay thế dần bằng đường thẳng. Bởi vậy, trường phái này của Mondrian bao gồm một hệ thống các đường thẳng ngang, dọc và sử dụng 3 màu sắc chính là đỏ, vàng và xanh.
Lý thuyết về trừu tượng của ông không chỉ làm đơn giản hóa quá trình thay đổi của bức tranh mà còn gây một ảnh hưởng sâu sắc về kiến trúc, thiết kế đồ họa, thiết kế công nghiệp.
Đặc trưng Phong cách Neoplasticism – De Stijl
Trong nghệ thuật đồ họa, các tác phẩm thuộc Phong cách Neoplasticism – De Stijl tận dụng những đường thẳng đen ngang dọc làm nền tảng.
Bên cạnh sự giới hạn về yếu tố hình học còn giới hạn về màu sắc: chỉ sử dụng màu cơ bản (vàng, xanh, đỏ) làm màu chủ đạo cùng với màu vô sắc (đen, trắng, xám) bổ sung cho các màu cơ bản.
Đây chính là đặc điểm khác biệt chỉ có thể có ở Neoplasticism – De Stijl. Phong cách Neoplasticism – De Stijl chủ trương trừu tượng hóa, khái quát hóa bằng cách giảm lược tối đa các yếu tố về hình thức và màu sắc – một yếu tố chủ chốt của xu hướng thiết kế tối giản hiện đại đang hướng đến.
Trong thiết kế đồ nội thất, Phong cách Neoplasticism – De Stijl có tạo dáng lắp dẫn các chi tiết với nhau, khoe rõ những ghép nối. “Những cái bàn, những cái ghế của chúng tôi cũng như những vật dụng khác đều là những bức tranh điêu khắc tính trừu tượng của các thiết bị trong tương lai” – Theo Gerrit Rietveld.
Không chỉ có kiến trúc, phong cách Neoplasticism còn cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến làng thời trang. Váy Mondrian của Yves Saint Laurent được coi là một trong những chiếc váy kinh điển trong lịch sử thời trang, xuất hiện trong bộ sưu tập thu/đông 1965 của YSL.
Họa tiết những ô màu nổi bật trên váy được lấy cảm hứng từ bức tranh của họa sĩ Hà Lan Piet Mondrian. Ngay lập tức, nó được sao ra hàng triệu bản, xuất hiện trên khắp các phố phường và trở thành biểu tượng của thập niên 60.
Ứng dụng bậc thầy của Piet Mondrian về các lý thuyết đã dẫn đến tác phẩm nổi tiếng như: “Composition with Red, Yellow, and Blue” – “Thành phần với đỏ, vàng, và xanh” (1937-1942, Bảo tàng Tate, Luân Đôn), trong đó chỉ bao gồm một vài đường màu đen và có sự cân bằng tốt các khối màu sắc.
Khi Mondrian chuyển đến New York City vào năm 1940, phong cách của ông trở nên tự do hơn và linh hoạt hơn, ông đã từ bỏ các đường màu đen bằng các chuỗi màu sắc tươi sáng sinh động. Đặc biệt đáng chú ý là kiệt tác cuối cùng của ông, Broadway Boogie-woogie (1942 -1943, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York).
Một số tác phẩm nổi tiếng khác của Piet Mondrian
ANH PHUONG/DESIGNS.VN