Phong cách Á Đông là gì?
Kiến trúc Á Đông là sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, là sự kế thừa của vẻ đẹp truyền thống và phát huy những tinh hoa của kiến trúc hiện đại. Phần lớn, phong cách trang trí nhà của người Phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa và Nhật Bản. Người Nhật có khuynh hướng trang trí nhà cửa với màu sắc trung tính, hài hòa và tối giản còn người Trung Hoa lại ưa chuộng màu sắc sặc sỡ với những vật dụng bằng sơn mài hay sơn phết màu đỏ rất rực rỡ.
Những ngôi nhà phương Đông thường có màu chủ đạo nhã nhặn điểm xuyết những nội thất màu sắc nổi bật làm điểm nhấn cho căn phòng. Không gian sống của người Á Đông thường giản dị và đồng thuận cùng thiên nhiên. Bước vào một ngôi nhà theo phong cách Á Đông, bạn sẽ dễ dàng nhận ra nơi đây không có nhiều không gian rộng như lối thiết kế của người Phương Tây. Các khoảng trống thường được trang trí với những vật dụng gần gũi thiên nhiên hay đồ trang trí thủ công.
Những đặc điểm của phong cách Á Đông
Mỗi phong cách trang trí nội thất đều có những yếu tố đại diện của riêng mình. Những ngôi nhà theo phong cách Á Đông thường có diện tích khiêm tốn hơn so với thiết kế phương Tây nhưng lại có đặc điểm là tinh tế và gần gũi với thiên nhiên. Dưới đây là một số đặc điểm cơ bản mà mỗi ngôi nhà Á Đông cần có.
Nội thất đơn giản nhưng tinh tế
Đồ nội thất kiểu Á Đông thường đơn giản, mộc mạc, phổ biến và dễ tìm nhưng vẫn rất sang trọng và tinh tế bởi những chi tiết nhỏ như nước sơn, hoa văn, chạm khắc làm thủ công. Chẳng hạn như họa tiết khắc trên chiếc tủ gỗ, những chiếc hộp sơn mài, đèn bàn hay phần chân, lưng ghế,… Bức tường theo phong cách này cũng được ví như một bức tranh nghệ thuật to bản thể hiện qua giấy dán hoa văn in chìm nền nã, chân dung, các bức họa đậm chất cổ điển. Thậm chí phần khung treo tranh và treo gương cũng được thiết kế khá tỉ mỉ.
Vật liệu nguồn gốc tự nhiên
Một chi tiết cũng không kém phần quan trọng trong phong cách Á Đông chính là việc sử dụng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên. Lối sống đặc trưng của người phương Đông là nhã nhặn, ôn hoà, thích gần gũi với thiên nhiên. Vì thế, việc lựa chọn nội thất bằng gỗ, đá sỏi, gạch, mây tre, gốm sứ,… mang lại cho gia chủ cảm giác như hơi thở thiên nhiên đang hiện hữu trong chính ngôi nhà của mình.
Hoa lan – tinh tế và quý phái
Hoa lan là một biểu tượng cho vẻ đẹp sang trọng, quý phái trong nền văn hoá phương Đông. Người xưa có câu: “Vua chơi lan, quan chơi trà” đã phần nào thể hiện được sự thanh tao, cao quý của loài hoa ấy. Tinh tế nhưng ẩn chứa sự mạnh mẽ, kiên cường – lan được xem là loài hoa trang trí phổ biến trong các không gian mang đậm phong cách Á Đông. Thậm chí y học cổ truyền Trung Quốc còn sử dụng lan như một nguồn thảo dược quý giá.
Sắp đặt đơn giản, khoa học
Người phương Đông ưa chuộng sự tinh tế, thanh lịch, bởi vậy những đồ đạc trong không gian nội thất được sắp xếp hết sức gọn gàng, đơn giản. Người Nhật có xu hướng chọn màu sắc trung tính còn người Hoa thích tông màu bắt mắt. Nhưng dù thế nào đi nữa, sự sắp đặt đơn giản, khoa học vẫn là tiêu chí chung cho phong cách thiết kế Á Đông. Bởi lẽ, một không gian sống tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, thoáng mát sẽ tạo điều kiện làm nổi bật lên các chi tiết trang trí khác trong căn phòng của bạn.
Bàn trà thấp đặc trưng
Trà đạo được biết đến như một loại nghệ thuật thưởng thức trà trong văn hoá của người phương Đông. Phòng trà là một phần quan trọng ở hầu hết các gia đình. Không gian này thường gồm một chiếc bàn thấp và những chiếc nệm con, bạn có thể trải chiếu hay ngồi trực tiếp lên sàn.
Phong cách Á Đông đương đại
Thiết kế Á Đông đương đại không quá câu nệ theo một khuôn thước như trong quá khứ mà thay vào đó là cách tiếp cận tối giản, hướng đến sự toàn vẹn của từng đồ đạc, không gian và ánh sáng. Trong lĩnh lực thiết kế nội thất, nhiều phong cách thiết kế được biết đến như Thiết kế Bắc Âu, điển hình là của Thụy điển, Nhật Bản, Bali… Tất cả các phong cách này đều có đặc điểm chung là gắn với văn hóa, khí hậu và tập quán sinh hoạt của con người nơi đó. Vì vậy hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến lĩnh vực thiết kế nội thất là văn hóa sở tại và những biến đổi vận động trong đời sống xã hội.
Thiết kế Á đông đương đại gần đây được biết đến và giới thiệu nhiều chính là sự phản ánh nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở một số nước Á châu, những thay đổi to lớn trong đời sống xã hội và sự xích lại gần nhau về lối sống giữa phương Tây và phương Đông. Nguồn cảm hứng của các thiết kế này chính là vốn văn hóa giàu có, lâu đời trong kiến trúc truyền thống, trong việc chế tác các sản phẩm cầu kỳ bằng tay và một sự làm mới các thiết kế điển hình Á đông như bàn ghế đời nhà Minh… Sự sắp đặt không còn quá câu nệ theo một khuôn thước như trong quá khứ thay vào đó là tiếp cận tối giản, nhấn đến sự toàn vẹn của từng đồ vật, không gian và ánh sáng. Màu sắc điển hình của trang trí Á Đông, đặc biệt màu đỏ được dùng khá nhiều như điểm nhấn trong không gian.
Một yếu tố khác cũng khá tiêu biểu của phong cách này là sự pha trộn văn hóa. Phong cách Á Đông nặng về chi tiết trang trí được giản lược hóa và cách bài trí phương Tây được làm mới với các vật trang trí và vật liệu điển hình Á Đông như sơn mài, tượng Phật. Sự giao thoa này là cái mà chúng ta hay gọi là sự gặp gỡ Đông Tây. Phong cách Á Đông đương đại là sự kế thừa sáng tạo trên vốn văn hóa lâu đời, sự cầu kỳ, nét tinh tế và chất Á Đông không thể trộn lẫn. Đây là một lựa chọn văn hóa hoàn toàn đáp ứng cho các nhu cầu về công năng, lối sống hiện đại.