Năm sinh: 1903 tại Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội
Năm mất: 1994
Phong cách nghệ thuật: Tranh sơn mài
Các tác phẩm chính: Gió mùa hạ, Một gia đình trong cảnh rừng, Phong cảnh nông thôn, Chùa Thầy, Đường lên chùa Hương, Chín con cá chép trong hồ nước …
Năm 1920 đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của Phạm Hậu: ông thi đỗ vào Trường Bách nghệ Hải Phòng, một trường dạy nghề với mô hình nguyên mẫu của các trường dạy nghề châu Âu hồi đó. Tại đây, học sinh phải theo học đầy đủ một chương trình học nghề thực hành bốn năm; khi tốt nghiệp có thể tự nuôi sống được mình. Phạm Hậu được đào tạo bài bản qua các nghề tiện, nguội, đúc, hàn, bào, phay, gò… và cả nghề lái xe. Bốn năm rèn giũa khắt khe của trường dạy nghề đã cho ông ý chí và nghị lực vững vàng của một người lao động có kỷ luật.
Năm 1925, Trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập. Năm 1929, trường mở khóa 5, ông quyết tâm thi vào trường mặc dù chưa từng qua lớp đào tạo nghệ thuật nào, ngoài học họa sĩ Nam Sơn ba tháng. Số thí sinh thi khá đông, nhưng cũng như các khóa trước, chỉ tiêu của trường chỉ có sáu cho toàn Đông Dương (gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao và Miên). Với năng khiếu bẩm sinh, năng lực tự thân, với tuổi trẻ đã trải qua quá nhiều thử thách…, Phạm Hậu đã thi đỗ đứng thứ hai trong sáu người khóa ấy gồm có: Trần Bình Lộc, Phạm Hậu, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Quyền, Nguyễn Văn Hiến, và Nguyễn Văn Thuần. Đó cũng là dấu ấn khi ông 26 tuổi, một cái tuổi đã trưởng thành, đầy xung lực để làm nghệ thuật.
Chương trình giảng dạy của Trường Mỹ thuật Đông Dương dưới thời hiệu trưởng Tardieu thật đa dạng. Đó là một hệ thống các bài tập rất cơ bản từ hình họa, ký họa, trang trí cho đến các bài tập nghiên cứu thiên nhiên. Sinh viên phải luyện tập các chất liệu thuốc nước, than, màu dầu, lụa, bột màu…Từ năm 1932, sang năm thứ ba, nhà trường có đưa thêm môn chuyên nghệ, học nghề sơn cổ truyền vào chương trình học. Với tình yêu nghệ thuật và sự đam mê học hỏi, càng những năm cuối, Phạm Hậu càng tỏ ra có cá tính và bộc lộ được năng lực của mình.
Sau khi tốt nghiệp, Phạm Hậu trở về Đông Ngạc với tư cách một họa sĩ tự do. May thay, trong những năm cuối học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, tuy sơn mài chỉ là một môn chuyên nghệ, mỗi tuần được học có một giờ, nhưng với sự nhạy cảm hiếm có và năng khiếu bẩm sinh, ông đã trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực sơn mài. Sự nổi trội đó của ông được hiệu trưởng Tardieu chú ý. Ngay sau khi ông tốt nghiệp, vị hiệu trưởng người Pháp đã tìm đến làng Đông Ngạc để giao cho người học trò yêu quí hợp đồng của một hãng thuốc lá Pháp với yêu cầu vẽ 50 chiếc hộp đựng thuốc lá bằng sơn mài có trang trí rồng phượng. Thế là xưởng sơn mài riêng của họa sĩ với đội ngũ gồm những người thợ thủ công, thợ sơn ở Bối Khê ra đời. Có lẽ đây chính là bước đi đầu tiên của một hình thức tổ chức sản xuất mới, sản xuất tập trung của tiểu – thủ công nghiệp nước ta? Tại xưởng sản xuất của mình, ông đã tổ chức điều hành và chuyên môn hóa nghề làm sơn mài theo từng công đoạn: Thợ mộc, thợ xẻ, thợ làm vóc, thợ vẽ và đánh bóng… Mỗi năm, hàng trăm tác phẩm và sản phẩm sơn mài như tranh treo tường, bình phong, tủ, đồ thờ, đồ mỹ nghệ… của ông được xuất xưởng và bán ra nước ngoài.
Công việc đang tiến hành tốt đẹp thì tạm thời bị gián đoạn trong thời gian ngắn do Kháng chiến toàn quốc bùng nổ ngày 19/12/1946.
Năm 1949, với tình yêu nghề nghiệp và quyết tâm xây dựng một nền Mỹ thuật ứng dụng nước nhà, ông đã cùng các họa sĩ Trần Văn Du, Trần Quang Trân thành lập Trường Quốc gia Mỹ nghệ (École nationale d’Art Deco), được Bộ Giáo dục Quốc gia duyệt y. Và đó cũng chính là tiền thân của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp ngày hôm nay.
Từ năm 1956, ngành sơn mài trường Mỹ thuật Công nghiệp không ngừng phát triển với sự tập hợp đông đủ của các họa sĩ tài danh của Trường Mỹ thuật Đông Dương trước đây gồm có các họa sĩ: Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Lê Quốc Lộc, Phạm Đức Cường, Nguyễn Kim Đồng và nghệ nhân Đinh Văn Thành.
Bên cạnh công việc sáng tác, ông còn tập trung biên soạn tài liệu cho chuyên ngành sơn mài. Nhiều tổng kết của ông trong lĩnh vực này cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, được coi là cẩm nang trong đào tạo nghề sơn ở Việt Nam như: Lý thuyết cơ bản về nghề sơn; Kỹ thuật nghề sơn cổ truyền và sự biến đổi của nó; Các loại vật liệu trong sơn mài và phương thức bảo quản; Các loại dụng cụ và cách thức sử dụng trong nghề sơn.
Cuộc đời nghệ thuật của họa sĩ Phạm Hậu là sự cống hiến không mệt mỏi để gìn giữ và phát triển chất liệu sơn mài. Ông đã để lại một kho tàng đồ sộ, không chỉ có tranh sơn mài với các tác phẩm chính như: Gió mùa hạ, Một gia đình trong cánh rừng, Cảnh chùa Tây Phương v.v…, mà còn rất nhiều sản phẩm ứng dụng bằng chất liệu sơn mài trong đời sống xã hội nước ta…
Suốt 30 năm làm sơn mài và là thầy giáo trong lĩnh vực này, uy tín và tiếng vang của ông đã vượt ra ngoài biên giới. Nếu như ngày nay, nghệ thuật sơn mài Việt Nam có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế và chất liệu sơn mài đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong Mỹ thuật ứng dụng thì một trong những người mở đường và đặt nền móng đầu tiên cho những thành tựu ấy, không ai khác là họa sĩ Phạm Hậu.
Một số tác phẩm của Họa sĩ Phạm Hậu
Một số hình ảnh của Họa sĩ Phạm Hậu
TỔNG HỢP/VIET MY/DESIGNS.VN