Những điều bạn nên biết về họa sĩ Willem de Knooing

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-1



Một tác phẩm trong series Woman của de Knooing

 

Willem de Knooing được coi là nghệ sĩ người Mỹ phái trừu tượng có tầm ảnh hưởng nhất

 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-2

 

Họa sĩ người Mỹ gốc Hà Lan Willem de Knooing

 

Thế kỷ 20 là thời kỳ bảo chứng cho sự thăng hoa của hàng loạt các nghệ sĩ trừu tượng vĩ đại như Jackson Pollock, Franz Kline, Robert Motherwell, Sam Francis, Mark Rothko, Ad Reinhardt, Helen Frankenthaler,…nhưng có lẽ khiến thế giới bàng hoàng nhất trong số này có lẽ là Willem de Knooing. Các bức tranh được ông sáng tác trong 2 thập kỷ từ những năm 70 đến năm 90 luôn thuộc top những bức tranh có giá cao ngất ngưởng trong giới họa sĩ Mỹ lúc bấy giờ.

 

Diện mạo đẹp trai như tài tử điện ảnh, tính cách thân thiện, dễ mến, cộng với tài năng hơn người, Willem de Knooing với cái tên thân thương "Bill" khiến bao người say mê, yêu quý. Tuy nhiên ông có những quan điểm về hội họa có phần hơi tiêu cực: "Phong cách hay kỹ thuật toàn là lừa gạt. Hội họa dường như chưa bao giờ làm tôi thấy thanh thản. Tôi luôn bị quấn trong những lời nói thô bỉ, tục tĩu của người đời. Tôi không quan tâm thế nào là "trừu tượng", tôi không xóa đi bất cứ thứ gì đã vẽ lên để tạo dáng, hợp tông màu hay cho ra hình thù rõ ràng. Tôi chỉ biết rằng mình muốn đặt mọi thứ vào trong bức tranh đó- sự kịch tính, khát khao, nỗi đau, tình yêu, thậm chí một dáng hình nào đó, một con ngựa không liên quan và mọi ý tưởng của tôi về không gian này. Qua đôi mắt đẹp đẽ của các bạn bức tranh của tôi sẽ lại mang một ý nghĩa và cảm xúc khác".

Tên tuổi của Knooing được sánh ngang với những họa sĩ có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 như Picasso, Monet, Dali và Duchamp. Cùng nhìn lại sự nghiệp của Knooing để xem tại sao ông ấy lại được coi là một trong 10 họa sĩ quan trọng nhất của thế kỷ 20.

 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-3

 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-4



Willem và Elaine de Knooing

Những năm tháng đầu

Willem de Knooing sinh năm 1904 tại cảng biển lớn nổi tiếng thế giới Rotterdam, Hà Lan. Ông là con út trong một gia đình có 5 anh chị em, cha ông là một nhà buôn rượu còn mẹ ông làm công việc phục vụ tại quán rượu. Năm 1916, ông đã bắt đầu học thiết kế đồ họa và đến năm 1920, khi ấy mới bước sang tuổi 16, Willem trở thành nhà thiết kế nội thất cho Cohn & Donay tại quê nhà. Một thời gian sau, nhờ ảnh hưởng bởi De Stijl và Piet Mondrian, ông quyết định tham gia các lớp nghệ thuật mà sau này chính thức thành một trường nghệ thuật và vinh dự đặt theo tên ông trở thành Học viện Willem de Knooing.

Năm 1926, vì muốn kiếm tiền và lại hứng thú với nghệ thuật đương đại Mỹ lúc bấy giờ, de Knooing không ngần ngại đã nhảy lên tàu chở hàng của Anh xuất phát từ Brussel, Bỉ đến một thế giới mới- New York mà không có một chút chuẩn bị nào. Khi lấy được giấy tờ nhập cảnh, ông sinh sống tại Hoboken, New Jersey với vai trò là một thợ sơn. Ông nhanh chóng kết thân được với một vài nghệ sĩ Mỹ như as Arshile Gorky, Stuart Davis and David Smith. Trở ngại lớn nhất của ông hồi đó có lẽ là không biết bất kỳ một từ tiếng Anh nào ngoài "yes".

 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-5



Standing Man (1942)

 

 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-6

 

Pink Lady (1945)

 

Trong thời kỳ đại suy thoái diễn ra, de Knooing nghĩ rằng ông nhất định phải trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp, vì thế ông tham gia vào WPA Federal Art Project. Nhưng không may, một nhà chức trách đã phát hiện ra ông không phải công dân Mỹ, vì thế ông phải rời bỏ dự án trên. Tuy nhiên nhờ vậy mà mục tiêu trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp của ông xảy đến nhanh hơn khi ông trở thành họa sĩ vẽ tranh tường cho triển lãm Hall of Pharmacy tại hội chợ thế giới diễn ra vào năm 1939. 23 năm sau, de Knooing mới chính thức được công nhận là công dân Mỹ.

 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-7

 

Judgement Day (1946)

 

Bối cảnh nghệ thuật New York lúc bấy giờ

Sống ở New York, Willem đã có cơ hội gặp gỡ người phụ nữ xinh đẹp sau này trở thành người bạn đồng hành với ông cả trong cuộc sống lẫn công việc, Elaine Fried. Bà cũng là một nghệ sĩ nữ khá có tầm ảnh hưởng trong giới nghệ thuật Mỹ lúc đó. Trong khoảng thời gian trước và sau khi kết hôn năm 1943, de Knooing sáng tác 2 bức họa mang tên Standing man (1942) và Chân dung Rudolph Burckhardt (1939). Vì đã từng học thiết kế đồ họa thời niên thiếu, de Knooing không gặp bất kỳ trở ngại gì trong việc khắc họa dáng vẻ, hình thái của nhân vật, một ví dụ điển hình cho bản vẽ chì là Reclining nude (1938).

Willem cũng bắt đầu thực hiện những bức vẽ chân dung phụ nữ, và những tác phẩm này thực sự còn trừu tượng hơn những bức vẽ của ông về phái mạnh. 2 tác phẩm thực sự rất xuất sắc ở chủ đề này là Seated Woman (1940) và Pink Lady (1944).

 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-8



Pink Lady (1944)

 

Năm 1936, ông thường xuyên tham gia bàn luận và làm việc với nhóm nghệ sĩ trừu tượng Mỹ nhưng ông chưa bao giờ chính thức trở thành một phần quan trọng của tổ chức này bởi vì cá tính ưa thích độc lập, không muốn phụ thuộc vào bất kỳ thứ gì của ông, ông có thể vẽ bất kỳ thứ gì mình muốn, kể cả những hình ảnh, vật thể mà những nghệ sĩ trừu tượng trong nhóm này coi là điều cấm kị.

Trường phái biểu hiện trừu tượng

Vào giữa những năm 40, những bức tranh mà ông sáng tác thường có hơi hướng ẩn dụ, tượng trưng, tác phẩm minh chứng rõ ràng nhất trong thời kỳ này là Still life (1945). Nửa cuối của thập niên này những tác phẩm của ông được coi là những tác phẩm đen trắng, điển hình là Black Friday (1948). Chúng được sáng tạo nên hoàn toàn chỉ bằng 2 màu đen và trắng, không có lý do đặc biệt nào cả mà chỉ vì 2 màu này là rẻ nhất trong tất cả các màu và ông thì quá nghèo!!!

Năm 1983, Elaine de Knooing từng viết về cuộc sống khó khăn của họ rằng: "Bill có được một vị trí trưng bày những tác phẩm tại Egan Gallery vào tháng 4 năm 1948, đây là lần đầu tiên những bức tranh của ông ấy được đem trưng bày, và cùng tháng đó tôi nhận công việc viết lời bình cho Art News. Không có tác phẩm nào của Bill bán được cả, còn mỗi bài đánh giá của tôi chỉ được 2 đô la. Chúng tôi mong mỏi đến mùa hè nhưng trong sự bối rối, lo lắng về miếng cơm manh áo. Cuộc sống của 2 chúng tôi lúc đó là những chuỗi ngày không một xu dính túi, vô vọng về tương lai".

 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-15

 

Tác phẩm thời kỳ đầu khi ông bắt đầu cuộc đời cầm cọ với chỉ 2 màu đen và trắng

 

 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-9

 

Excavation (1950)

 

 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-10

 

Woman (1948)

Cũng trong khoảng thời gian này, họa sĩ cứng đầu cứng cổ Jackson Pollock đang làm mưa làm gió giới mỹ thuật bằng phương pháp drift painting của mình. De Knooing và Pollock trở thành bạn rượu của nhau và đương nhiên họ đều là những người nghiện rượu nặng. De Knooing nghĩ rằng những tác phẩm của Pollock gần với chủ nghĩa Siêu thực hơn là Trừu tượng vì vậy 2 ông bạn đã có những bất đồng quan điểm. Pollock nói về de Knooing rằng "ông ta là một họa sĩ giỏi nhưng cũng là một họa sĩ chết tiệt, ông ta không bao giờ chịu vẽ một bức tranh hoàn chỉnh", còn de Knooing thì từ chối tất cả các triển lãm mà trưng bày cùng tác phẩm của Pollock, ông cho rằng kỹ thuật vảy sơn của Pollock quá ảnh hưởng lúc bấy giờ khiến tất cả lu mờ. Nhưng ngẫu nhiên de Knooing có 2 tác phẩm được sáng tác có phong cách giống với phong cách của Jackson Pollock là Asheville (1948) Excavation (1950).

Chung quy lại, cả 2 nghệ sĩ đều là những họa sĩ vĩ đại với phong cách độc đáo của riêng mình mà sau này chúng trở thành một trường phái khác với cái tên chủ nghĩa Trừu tượng Biểu hiện. 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-11

 

Chuỗi tác phẩm mang tên "Woman" gây tranh cãi của Willem de Knooing

Cuối những năm 40, đầu những năm 50, de Knooing tạo ra hàng loạt các bức vẽ mang tên "Woman" khiến cả giới mỹ thuật phải bàng hoàng. Có lẽ do ảnh hưởng bởi trường phái Lập thể theo Picasso và trường phái Dã thú của Mattise, những bức vẽ đầu tiên báo hiệu cho loạt tranh này là Woman (1948)Study for "Marilyn Monroe" (1951). Rất nhiều người- các nhà phê bình, chuyên gia trong giới nghệ thuật, và dân chúng trong các tầng lớp xã hội đều có chung một suy nghĩ- những tác phẩm này đã hạ thấp giá trị của người phụ nữ, hay ít nhất chúng đang đại diện cho những người phụ nữ bị tổn thương hay thậm chí bị sát hại. James Fitzsimmons đã viết trên Art magazine rằng de Knooing đang tham gia "một cuộc chiến đấu kinh khủng với toàn bộ uy quyền phái đẹp…cuộc đấu tay đôi "đẫm máu" với "một nhân cách đàn bà, xấu xa, không chấp nhận được và có phần ấu trĩ hiện hữu trong mỗi bản thân chúng ta". Đối diện với những lời chỉ trích này, de Knooing chỉ đưa ra một lời nhận xét khá thờ ơ: "một số nhà phê bình đã công kích loạt tranh về phụ nữ của tôi, chỉ trích là việc của họ còn việc của tôi là không quan tâm".

 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-12

 

Tác phẩm không đề tên được vẽ năm 1947 có lẽ cũng nằm trong series Woman

 

 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-13

 

Bức tự họa của de Knooing

 

Khi được hỏi trong một bài phỏng vấn năm 1956 rằng liệu series "Woman" có ẩn ý quan điểm về giới tính của mình không, de Knooing trả lời rằng: "Có lẽ thời gian trước tôi đã vẽ "người phụ nữ" trong chính bản thân mình. Anh biết đấy, nghệ thuật không phải là nghề nghiệp mà anh có thể thể hiện hết sự nam tính, mạnh mẽ ở đây. Có thể một số nhà phê bình sẽ cho rằng tôi đang ngầm thừa nhận bản thân là người đồng tính. Nhưng nếu tôi vẽ một người phụ nữ xinh đẹp, liệu điều này có chứng minh rằng tôi là một người dị tính không? Tôi thích phụ nữ đẹp, dù là xác thịt hay chỉ những cô nàng trên bìa tạp chí. Đôi khi phụ nữ khiến tôi phát cáu nhưng đôi khi cũng rất kích thích. Tôi đã vẽ "Woman" trong tình trạng như vậy. Đó là tất cả".

Cách thực hiện Woman của de Knooing rất độc đáo, ông phủ một tấm báo giấy lên bức tranh còn ướt để làm chậm quá trình khô màu để ông có thể dễ dàng chỉnh sửa các chi tiết không theo ý muốn. Sau khi khô, ông lột bỏ tờ báo, tiêu đề hay những mẩu quảng cáo sẽ in sang bức tranh, ông để tự nhiên như vậy và coi đây như hiệu ứng của kỹ thuật cắt dán- collage. Lạ lùng là những họa sĩ theo trường phái Trừu tượng Biểu hiện đều thích để lại một thứ gì đó chẳng liên quan đến tác phẩm của mình, ví như Jackson Pollock cũng để lại nắp chai hay tàn thuốc trong tranh của ông. Quả thực, thời đại của nghệ thuật mới lạ đang bắt đầu.

 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-14



Marilyn Monroe (1954) phiên bản "kinh dị"

 

Dù thế nào đi chăng nữa thì không thể phủ nhận, bộ tranh Woman đã khiến cái tên Willem de Knooing được thêm vào bản đồ nghệ thuật thế giới và hơn hết là giúp ông trở thành một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Và bây giờ, cuộc sống của 2 vợ chồng ông cũng đã thay đổi, ông có thể mua tất cả các loại sơn màu mà ông muốn.

Thời kỳ ươm mầm của Pop Art

Tuy nhiên, đến đầu những năm 60, những bức vẽ thuộc phái Trừu tượng Biểu hiện dần trở lên lỗi thời, ít nhất là trong tâm trí của nhiều người. Hay nói cách khác, hình ảnh rõ ràng, sinh động một lần nữa lại hợp nhãn và quan trọng hơn, ngay cả những hình ảnh minh họa trên các hộp súp hay lá cờ Mỹ cũng vẫn được lòng công chúng hơn. Pop Art bắt đầu hình thành. Các nghệ sĩ như Roy Lichtenstein, Andy Warhol, Jasper Johns và Robert Rauschenberg nhanh chóng nổi tiếng cả về mặt tài chính cũng như danh tiếng so với những nghệ sĩ phái Trừu tượng Biểu hiện- những con người phải nỗ lực rất lớn và tốn thời gian lâu dài để kiếm tiền và gây sự chú ý từ các tác phẩm của mình.

Cuộc sống mới tại Long Island

Năm 1963, có lẽ để chống lại sự suy giảm của chủ nghĩa Trừu tượng Biểu hiện, cộng thêm đã vào giai đoạn giữa của đời người, de Knooing quyết định chuyển từ New York đến The Spring, Long Island, nơi mà Jackson Pollock cũng như một vài họa sĩ khác đã chuyển đến những năm 50. Tận hưởng cuộc sống giữa thiên nhiên tráng lệ và sự yên tĩnh của vùng thôn quê, de Knooing đã vẽ một vài tác phẩm về thiên nhiên, trong đó có Pastorale (1963) và Two Figures in a Landscape (1967). Cũng trong năm 1963, ông vẽ một bức tranh với tiêu đề Reclining Man và không khó để nhận ra đó là khuôn mặt của JFK (tổng thống Mỹ John.F. Kennedy).

Thời kỳ huy hoàng đã qua, nhưng bộ tranh danh tiếng nhưng cũng đầy tai tiếng của de Knooing vẫn tiếp tục một nhiều lên. Tại đây, ông đã vẽ tiếp Woman, Sag Harbor (1964), Woman on a Sign II (1967), The Visit (1966), Clam Diggers (1964) và Woman Accabonac (1966,). Phong cách của ông không thay đổi gì nhiều, cơ bản tất cả vẫn là những bức tranh trừu tượng nhưng những người phụ nữ có ít nhiều khác với những bức tranh trước, họ trông có vẻ hạnh phúc và xinh đẹp hơn. Elaine nhận xét: "Bức Woman Accabonac giống như bị rạch nát. Thông thường mọi người sẽ không nhận ra được kỹ thuật khác thường giống như vậy vì đơn giản nó cũng được tạo ra rất tùy hứng. Bill đã vẽ người phụ nữ ấy, ông ấy chỉnh sửa những cử chỉ đến khi nào thấy ưng ý nhất. Thực ra ông ấy không có một ý nghĩ sẽ vẽ như thế nào trước đó nhưng ông ấy biết khi nào mình nên dừng lại".

 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-16

 

Woman on a Sign II (1967)

Điêu khắc

Sang đến những năm 70, de Knooing bắt đầu tạo ra những bản in thạch bản và các tác phẩm điêu khắc bằng đồng. Sống gần bờ biển Đại Tây Dương, de Knooing thường thấy những người đi đào ngao vì thế mà tác phẩm điêu khắc Clam Digger ra đời (1972), mô tả một người đàn ông đang đứng nhưng người bị bao phủ bởi cát và bùn sau khi đào ngao. Ông còn tạo ra rất nhiều sản phẩm điêu khắc khác nữa trong đó có tác phẩm cao và rộng đến hàng mét.

Trong khi nghiên cứu và làm việc với đất sét để tạo ra nhưng tác phẩm bằng đồng* như trên, de Knooing dựa vào những kỹ thuật của chủ nghĩa Siêu thực. Cố gắng xen xét giới hạn tỉnh táo của bản thân, thử nghiệm trực giác nhạy cảm, de Knooing đã thực hiện các tác phẩm điêu khắc bằng cách nhắm mắt hoặc đeo găng tay cao su. Cảm hứng điêu khắc của de Knooing bắt nguồn từ những tác phẩm của họa sĩ người Pháp Chaim Soutine. Ông nói: " Tôi điên cuồng với tất cả các tác phẩm của Soutine. Có lẽ là do sự tươi mới trong cách sử dụng màu của ông ấy làm tôi say mê. Ông ấy tạo nên một bề mặt mà trông nó vừa giống như một thực thể hữu hình lại vừa giống như một chất gì đó. Có một sự biến dạng và một chút bản tính được thể hiện trong các tác phẩm của ông ta".

 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-17

 

Clamdigger (1972)
 

 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-18



Reclining Figure

Những năm tuổi xế chiều

Trong những năm 70, chính de Knooing đã không thể chịu đựng được chứng nghiện rượu nặng của mình, ông cần phải cai rượu và vợ ông chính là người giúp ông trong giai đoạn này, mặc dù 2 người đã sống ly thân từ năm 1955 nhưng bà vẫn luôn là người bạn tốt của ông. Trong khoảng thời gian khó khăn này ông cho rằng:" Tôi cần phải thay đổi để vẫn còn là chính mình".

Mặc dù vẫn còn tỉnh táo, nhưng vì lý do sức khỏe ông phải thuê trợ lý giúp ông hoàn thành những tác phẩm nghệ thuật của mình. Từ năm 1980 đến năm 1987, ông sáng tác trên 300 bức vẽ. Trong số này, có những tác phẩm gọi là "lyric arabesque", chúng đơn giản, sạch sẽ đến mức sơ sài khiến các chuyên gia về nghệ thuật đã tự hỏi rằng liệu có phải ông bị mất trí khi sáng tác chúng hay không.

Cũng có thể là như vậy và cũng có thể không, vì vào những năm 59, ông đã từng đưa ra quan điểm "mang bản thân ra khỏi bức tranh", như vậy công việc sẽ tiến triển nhanh hơn. Những tác phẩm xuất sắc những năm sau đó của ông gồm Untitled VII(1985) và The Cat’s Meow (1987). Năm 1989, một trong số những bức họa của ông được bán đấu giá với giá trị 20,8 triệu đô la, một mức giá kỷ lục cho tác phẩm của một họa sĩ đang sống.

 

nhung-dieu-ban-nen-biet-ve-hoa-si-willem-de-knooing-19

 

Untitled VII (1985)

Lời cuối

Trí nhớ bắt đầu suy giảm, ông không thể quản lý công việc kinh doanh của mình được nữa. Tất cả mọi việc do con riêng của ông, Lisa, mà sau cũng trở thành một họa sĩ giống cha quản lý. Do mắc bệnh alzheimer, Willem de Knooing qua đời vào ngày 13/9/1997, trước đó vợ ông, bà Elaine cũng chết vì căn bệnh ung thư năm 1989. Năm 2006, bức tranh Woman III của ông được bán với giá 137, 5 triệu đô la và định giá trị hiện tại của bức tranh này lên đến 162, 4 triệu đô la, đứng thứ 6 trong danh sách 10 bức họa đắt nhất thế giới từ trước đến nay.

Trong suốt sự nghiệp, mặc dù ông được so sánh ngang hàng với Jackson Pollock cả về tài năng lẫn thành tích đạt được nhưng có vẻ, danh tiếng của ông ít nổi bật hơn. Tuy vậy không thể phủ nhận sức hút của de Knooing trong giới mỹ thuật, cho tận đến ngày nay, dù ông đã qua đời nhưng phong cách và kỹ thuật của ông vẫn nhận được sự quan tâm của các nghệ sĩ trẻ. Điển hình tác phẩm trừu tượng và gợi tình của Cecily Brown nổi lên như một hiện tượng phi thường cũng chịu sức ảnh hưởng của Willem de Knooing. Vậy nên không khó để có thể nói ông chính là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20.

 

*Các bạn có thể tham khảo cách mà một tác phẩm điêu khắc bằng đất sét lại có thể trở thành một tác phẩm bằng đồng tại link: http://www.rosalindcook.com/clay-to-bronze/

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *