Theo ý kiến của chuyên gia trong lĩnh vực tái chế Arthur Huang thì nhựa sinh học còn ẩn chứa nguy cơ gây hại cho môi trường hơn cả nhựa thông thường. Ông cho biết: “Sẽ cần một diện tích đất nông nghiệp khổng lồ để phục vụ cho việc chuyển sang sử dụng nhựa làm từ thực vật thay cho nhựa làm từ dầu mỏ.” Điều này sẽ dẫn đến các vấn đề về môi trường cũng như tình trạng thiếu hụt thực phẩm cho con người.
Ông cũng nói thêm rằng trong quá trình phân hủy, nhựa sinh học sẽ gây ra nhiều tác hại. Nó làm tăng độ a-xít trong đất, nước và tiềm tàng khả năng gây ô nhiễm cả đất liền và đại dương. “Nếu chúng ta thay thế hoàn toàn nhựa thông thường bằng nhựa sinh học và sử dụng chúng theo cách như hiện nay thì có thể nói nhựa sinh học không hề tốt hơn, hoặc thậm chí còn tệ hơn nhựa thông thường. Chúng làm biến đổi độ pH trong đất và nước đồng thời chiếm mất những nguồn cung cấp thực phẩm quý giá.”
Huang cũng viện dẫn một báo cáo của Liên Hợp Quốc vào năm 2015, trong đó nêu lên mối quan ngại về việc cộng đồng sẽ ít nghĩ đến việc tái chế đồ đạc hơn nếu họ cho rằng những món đồ nhựa họ vứt bỏ có khả năng phân hủy an toàn mà không gây hại cho môi trường.
PLA có thể được ủ cho hoai mục, nhưng không có khả năng tự phân hủy sinh học.
Vốn là một kiến trúc sư kiêm kỹ sư, Huang có trong tay đầy đủ những kỹ thuật tiên tiến nhất để tái chế nhựa. Vào năm 2017, ông đã hợp tác với hãng giày NIKE và thiết kế một mẫu hộp đựng giày từ vỏ lon nước tái chế.
Polylactic Acid (PLA), một dạng phổ biến nhất của nhựa sinh học, được làm từ tinh bột lên men, chiết xuất từ một số loại cây trồng như ngô, khoai tây hay mía. Thậm chí còn có một số loại PLA được làm từ tảo biển.
PLA có thể được phân hủy an toàn thành sinh khối và khí gas nhờ vi sinh vật, nhưng chỉ trong trường hợp hội tụ đủ các điều kiện cần thiết. Chúng không có khả năng tự phân hủy sinh học, có nghĩa là trong các điều kiện thông thường thì chúng cũng phân hủy chậm không khác gì nhựa hóa dầu. Tuy nhiên, vì PLA là một gốc a-xít, nên nó sẽ làm tăng độ a-xít trong môi trường mà nó bị phân hủy.
“Cứ tưởng tượng việc đó giống như là chúng ta đang trút quá nhiều nước cam xuống biển vậy.” ông Huang giải thích.
Vấn đề lớn nhất mà các loại rác thải nhựa thông thường gây ra khi được chôn lấp dưới đất hoặc dưới biển là vấn đề về tính thẩm mỹ và cảnh quan môi trường. Bởi chúng không tham gia các phản ứng hóa học và không gây tác hại về mặt cơ học cho hệ sinh thái. Thậm chí còn có thể cho rằng rác thải nhựa thông thường là một phương pháp trữ các-bon hiệu quả, bởi chúng rất khó bị phân hủy đủ để giải phóng các-bon.
Ông Huang nói: “Bởi chúng không tham gia các phản ứng hóa học, nên chúng không bị phân hủy. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng đang ‘dự trữ’ các-bon theo cách của mình.”
Trong khi đó thì nhựa sinh học lại có thể bị phân hủy hoàn toàn, có nghĩa là “bạn đã đổi một vấn đề về thẩm mỹ lấy một vấn đề về hóa học”.
Các kiến trúc sư ủng hộ việc sử dụng nhựa sinh học phản bác
Kiến trúc sư Arthur Mamou-Mani cho biết: “Đây là một loại vật liệu rất rất sạch. Nếu tính trên mức phát thải các-bon thì nhựa sinh học giảm phát thải các-bon đến 68% so với nhựa thông thường và ít độc bằng 1/50 so với nhựa thông thường khi bị đốt nóng.”
Ông Mamou-Mani cũng bác bỏ luận điểm cho rằng PLA làm giảm độ pH trong đất và nước. Ông đã viện dẫn một thí nghiệm mà ở đó người ta trồng rau diếp trong chậu ủ PLA. Ông cho biết: “Họ đã thử nồng độ a-xít và món salad vẫn rất tuyệt.”
Để ủ PLA, bạn cần cho chúng vào một thiết bị ủ công nghiệp, duy trì độ ẩm ở mức 100% và nhiệt độ ở mức 60 độ C và sau một tháng chúng sẽ được phân hủy hoàn toàn. Nếu sử dụng thiết bị ủ gia đình thì có thể mất khoảng 6 tháng bởi nhiệt độ trong thùng ủ không đạt mức 60 độ C.”
Tái chế – phương án tốt hơn ủ cho hoai mục
Ông Huan cho biết: “Tái chế vẫn là giải pháp tốt hơn đối với nhựa sinh học, so với việc ủ cho chúng hoai mục. Việc sử dụng một lần rồi vứt bỏ là căn nguyên của mọi vấn đề.”