Nhiếp ảnh tối giản: Dễ hay khó?

Nhiếp ảnh tối giản là gì?

1/1000, f8, ISO 200

Một số người dùng thuật ngữ nhiếp ảnh tối giản để ám chỉ một loại hình nhiếp ảnh. Vì thế nên trước khi tiếp cận tìm hiểu về nhiếp ảnh tối giản, cần phải hiểu rằng đây là một phong cách chụp hình có thể được áp dụng cho bất kì loại hình nhiếp ảnh nào, từ chụp ảnh phong cảnh cho đến nhiếp ảnh ẩm thực.

Sâu xa hơn, phong cách tối giản là một trường phái nghệ thuật tồn tại trong bất kì hình thức nghệ thuật nào, không chỉ riêng nhiếp ảnh, có thể kể đến như hội họa, thiết kế hay kể cả âm nhạc. Thậm chí, trường phái tối giản còn đang dần trở thành một hệ tư tưởng, một lối sống trong thời hiện đại. Nhìn chung, điểm kết nối giữa các trường phái nghệ thuật tối giản là quan niệm: lấy ít làm nhiều (less is more). Chính vì thế, tiểu tiết là thứ tối quan trọng khi thực hành trường phái tối giản.

Thực hành:

1/320, f11, ISO 400

Mặc dù về bản chất, nhiếp ảnh tối giản đương nhiên sẽ không có nhiều chi tiết phức tạp, cầu kì trong bố cục. Thế nhưng, để đạt được sự “tối giản” cũng không phải nhiệm vụ dễ dàng bởi những chi tiết thừa hay khuyết điểm trong tấm hình sẽ dễ dàng bị nhìn ra, không hề có chỗ cho bất kì sai sót nào. Quy luật đầu tiên trong nhiếp ảnh tối giản là cô lập chủ thể để khiến người xem tập trung vào trọng tâm bức ảnh. Để đạt được điều này, hãy sử dụng những phông nền dạng trung tính, hoặc làm mờ phông bằng cách điều chỉnh độ sâu trường ảnh (DOF).

Tuy nhiên, chỉ cô lập chủ thể trên một phông nền trung tính là không đủ để có thể định nghĩa một tấm hình theo trường phái tối giản, vì những tấm hình như vậy có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, điển hình như ảnh quảng cáo sản phẩm trên mạng. Thế nên, để có thể gọi một bức ảnh là “tối giản”, người chụp cần phải gửi gắm vào đó một thông điệp hay một ý nghĩa cho tấm hình.

Xây dựng bố cục ảnh:

1/60, f4, ISO 400

Để có thể gây tác động mạnh hơn đến khán giả, người chụp cần phải biết sử dụng và sắp xếp bố cục ảnh một cách khéo léo, bởi trong một bức ảnh tối giản, sẽ không có quá nhiều yếu tố và chi tiết để sử dụng. Do đó, nhiếp ảnh gia cần phải biết cách sắp xếp bố cục cảnh vật một cách hài hòa và tinh tế để có thể làm nổi bật chủ thể trọng tâm của bức ảnh. Đồng thời cũng cần lưu ý rằng, trong một bức ảnh tối giản, yếu tố quan trọng là thông điệp và ý nghĩa được gửi gắm, không phải vẻ đẹp bên ngoài của cảnh vật.

Để trở nên thuần thục với nhiếp ảnh tối giản, người chụp nên nắm rõ những quy tắc cơ bản trong xây dựng bối cảnh chụp. Tuy nhiên, khi đã quen với phong cách nhiếp ảnh này, đôi khi bạn cũng nên thoát ra khỏi quy tắc nhàm chán để có thể tạo ra sự đột phá và nét mới mẻ trong bức ảnh của mình.

Màu sắc, hình khối và kết cấu:

1/640, f4.5, ISO 250

Về màu sắc, người chụp có thể sử dụng duy nhất một gam màu để nhấn mạnh thông điệp được gửi gắm, hoặc để tạo nên một bầu không khí hay gắn cảm xúc của mình lên bức ảnh. Mọi màu sắc đều có ý nghĩa riêng, miêu tả một thứ cảm xúc nhất định và có thể tác động lên tâm trạng người xem. Vì thế, hãy tận dụng điều này khi thực hiện nhiếp ảnh tối giản.  Ngược lại, bạn cũng có thể sử dụng những gam màu tương phản nhau để tạo cho bức ảnh một vẻ hấp dẫn, mới lạ.

Bên cạnh màu sắc, việc sử dụng hình khối và kết cấu cảnh vật cũng là những khía cạnh đáng quan tâm khác trong nhiếp ảnh tối giản. Nhiếp ảnh gia Lea De Meulenaere đã đề cập đến điều này qua một buổi phỏng vấn, khi bà nói rằng mình sinh sống tại một nơi thiếu sự rực rỡ của sắc màu, vì thế nên bà đã nghiên cứu sâu hơn về những đặc tính khác của phong cách nhiếp ảnh tối giản như hình khối và đường nét.

Xây dựng hình ảnh:

1/60, f11, ISO 400

Phong cách tối giản có thể được nhận thấy trong những buổi đi dạo trên đường phố đô thị để xây dựng trở thành nhiếp ảnh đường phố tối giản, hay ở những vùng đồng quê thanh bình để trở thành nhiếp ảnh phong cảnh tối giản… Không chỉ vậy, phong cách tối giản cũng có thể được xây dựng thực hiện trong những loại hình nhiếp ảnh khác như chụp tĩnh vật, chụp ẩm thực, quảng cáo…

Một số thương hiệu lớn trên thế giới như Disney hay LG đang có xu hướng sử dụng nhiếp ảnh tối giản trên quảng cáo của mình. Bạn có thể theo dõi tác giả đằng sau những bức ảnh đó để làm nguồn cảm hứng hoặc để học hỏi kinh nghiệm, tiêu biểu như Anna Devis và Daniel Rueda dưới nghệ danh anniset.

Vì sao nên thử:

  – Tiếp cận với những phong cách nhiếp ảnh mới sẽ giúp cải thiện tay nghề và kinh nghiệm nhiếp ảnh của bạn lên rất nhiều. Đồng thời, bạn cũng sẽ không mất thêm chi phí để mua thêm đồ nghề hay dụng cụ chỉ để thử chụp hình theo phong cách tối giản, vì thế chẳng tội gì mà không thử phải không nào.

– Phong cách tối giản sẽ giúp bạn tôi rèn trí óc và quá trình sáng tạo để đưa ra một thông điệp ý nghĩa trong bức ảnh của mình.

– Phong cách tối giản cũng rất đa dạng về cách thức mà tự bản thân bạn có thể tìm hiểu và khám phá. Bức ảnh của bạn có thể lắng đọng, đơn điệu và cũng có thể sáng tạo, phức tạp.

Lời kết:

Không phải ngẫu nhiên mà những thương hiệu lại sử dụng nhiếp ảnh tối giản cho việc quảng cáo. Một tấm hình có thể nói lên mong muốn và có thể giao tiếp với người xem chắc hẳn sẽ nổi bật hơn so với những tấm hình ngoài kia mà chúng ta nhìn thấy hàng ngày. Vì thế, thành thục nhiếp ảnh tối giản sẽ giúp nâng tầm giá trị những bức ảnh của bạn lên một tầm cao mới, đem lại chiều sâu cũng như mang thêm ý nghĩa và chiều sâu cho từng tấm hình.

 

 

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *