Những chiếc quần bơm phồng được cắt may từ 30 tấm vải latex (cao su) co dãn trắng trơn hoặc được kết hợp với sọc đỏ gạch và xanh bạc hà.
Chúng ôm trọn phần eo, căng phồng từ phần hông trở xuống, và được chiết gọn ở phần gấu quần hoặc mắt cá chân.
Để tạo được hiệu ứng căng phồng như vậy, nhà thiết kế trẻ đã gắn một nút bơm khí nhỏ như ở bóng bay vào gấu quần để có thể bơm khí vào trong.
Bộ sưu tập Ảnh: dezeen.com
"Tôi nảy ra ý tưởng cho bộ sưu tập khi đang chơi đùa với chú chó của mình, khi đó, tôi chợt nghĩ rằng chắc hẳn mọi đồ vật trông sẽ khá tức cười từ một góc nhìn thấp," Harikrishnan chia sẻ.
"Cái ý nghĩ rằng hình dáng của mình sẽ trở nên khổng lồ khi được nhìn từ vị trí của chú chó hướng mắt lên và rằng nó thậm chí sẽ không thể nhìn thấy đầu tôi từ vị trí thấp như vậy trở nên khá thú vị. Vậy là tôi đã quyết định hình dung mọi người xung quanh từ một vị trí tương tự."
Để tái hiện ý tưởng đó trong bộ sưu tập, từ cách cắt may cho tới kết cấu, màu sắc và họa tiết đều phải được thực hiện từ góc độ đa chiều.
Latex là chất liệu vải hoàn hảo cho những chiếc quần bởi độ co dãn và sự bóng bẩy của nó có thể làm nổi bật hiệu ứng căng phồng.
"Tôi áp dụng kỹ xảo morphing vào cắt may những chiếc quần này, đây là kỹ thuật được sử dụng phổ biến trong phim ảnh và hình động."
Về phần áo, để tạo sự hài hòa tổng thể, Harikrishnan kết hợp những chiếc quần bơm phồng với áo vét ôm ngắn.
Bên cạnh đó, nhà thiết kế trẻ còn ra mắt sản phẩm áo tank top được đan từ các hạt gỗ nhỏ được cắt gọt thủ công.
Để làm được điều đó, Harikrishnan đã tới sống tại một khu làng thủ công mỹ nghệ tại Channapatna, Ấn Độ trong vòng một tháng, và được những người thợ thủ công trong làng hướng dẫn chi tiết về cách thức cắt gọt gỗ và sơn màu.
"Bộ sưu tập phản ánh sự tương phản của hiện thực, thị giác, chất liệu, và cách thức tiếp cận," anh giải thích.
"Cả hai chất liệu gỗ channapatna là latex đều có những sức hút đặc biệt. Ít ai nghĩ được rằng gỗ có thể được sử dụng trong may mặc, bởi nó thường chỉ được sử dụng để làm đồ chơi hay những sản phẩm tương tự. Qua bộ sưu tập này, tôi mong muốn đem những sản phẩm may mặc từ chất liệu gỗ và latex tới gần hơn với thị trường cao cấp."
Với bộ sưu tập thời trang từ những chất liệu độc lạ nhưng cũng vô cùng quen thuộc, Harikrishnan đã tạo một dấu ấn đặc biệt.
"Giữa một rừng sản phẩm có mẫu mã, chất liệu, và tỷ lệ quen thuộc, tôi muốn tạo nên một sự đột phá, tác động tới cách nhìn của mọi người tới những tỷ lệ vốn được coi là cân xứng"
Bộ sưu tập của nhà thiết kế trẻ Harikrishnan được công diễn tại show diễn thời trang MA20 cùng với 19 bộ sưu tập khác mừng 20 năm thành lập khoa thời trang của trường đại học thiết kế thời trang Luân Đôn.
Mặc dù một số nhà thiết kế trẻ khác tại đại học thiết kế thời trang Luân Đôn từng thử nghiệm sản phẩm với hình dạng bơm phồng, có thể nói Harikrishnan là người duy nhất sử dụng chất liệu latex.