Căn nhà độc đáo này tọa lạc tại giữa khu vực Tanjong Pagar nhộn nhịp, được xây dựng với mục đích tạo ra một không gian sinh hoạt chung cho các nghệ sĩ địa phương hoặc cộng đồng những người nước ngoài định cư tạm thời tại đây.
Về cấu trúc, ngôi nhà được thiết kế theo kiểu dáng nhà thương mại – một loại hình nhà ở khá phổ biến tại khu vực Đông Nam Á với mặt tiền được sử dụng để kinh doanh buôn bán và phía đằng sau là không gian sinh hoạt.
thiết kế nội thất độc đáo mang tên “Canvas House” này là ý tưởng tới đội ngũ sáng tạo của Ministry of Design, được ra mắt lần đầu vào đầu năm nay và cũng đã có khá nhiều người đăng ký thuê nhà.
Gần như mọi bề mặt trong căn nhà đều được phủ một màu trắng toát, với ý đồ biến cả căn nhà trở thành một toan vẽ tranh Canvas khổng lồ để trong tương lai có thể được mặc sức biến đổi trở thành một tác phẩm mỹ thuật. Một số bề mặt thi công ban đầu cũng được giữ nguyên và “đục lỗ: rải rác quanh căn nhà, ví dụ như những mảng tường gạch hay những bề mặt gỗ trên cầu thang.
Tương tự như những bức tường, đồ dùng nội thất – đa phần theo phong cách hoài cổ (vintage) trong căn nhà cũng được phủ trắng hoàn toàn, đồng thời cũng được “khoét” những lỗ tròn tại vài nơi trên bề mặt để tạo điểm nhấn.
“Câu hỏi đặt ra mỗi khi chúng tôi tiếp cận một dự án tái sử dụng luôn luôn là làm cách nào để cân bằng ranh giới giữa những giá trị trong quá khứ và hiện tại của ngôi nhà. Nếu như chỉ lựa chọn phương án bảo tồn các giá trị cũ, thì thật là nhàm chán và tầm thường. Song nếu như phủ định hoàn toàn những giá trị lịch sử, sản phẩm cuối cùng lại trở nên quá xa lạ và khác biệt “ – Theo lời phỏng vấn ông Colin Seah – nhà sáng lập studio.
Cả không gian căn nhà, từ tường nhà, sàn nhà cho đến đồ nội thất, đâu đâu cũng được phủ một màu sơn trắng toát. Điều này kết hợp với việc sử dụng đồ nội thất vintage – hay những món đồ hoài cổ đã truyền đi một thông điệp rằng những ngôi nhà cổ kính này tượng trưng cho những kho tàng chứa đựng giá trị của lịch sử, của quá khứ và của cả những lớp người xưa cũ sinh sống tại nơi đây.
Kết hợp với những giá trị truyền thống còn có những yếu tố hiện đại kèm theo, như bức tranh đèn neon hay những chiếc đèn được phủ nilon trong suốt – sản phẩm thiết kế của nghệ sĩ địa phương tên Kang.
Và ở đâu đó trên những bề mặt trắng muốt, các nhà thiết kế đã khắc lên trên đó những “cái nhìn thoáng qua đầy tinh tế về quá khứ” bằng cách để lộ ra những phần bề mặt nguyên gốc của căn nhà.
Đó là những mảnh vá hình tròn được khoét ra, để lộ phần tường gạch cũ kỹ, hay những mảnh ghép được bố trí rải rác trên mặt cầu thang để làm nổi lên màu gỗ nguyên bản.
Bề mặt của đồ nội thất trong nhà như bát đĩa trang trí, những chiếc bình cổ hay những lọ hoa cũng được để hở ra một phần văn hoa ban đầu, tạo ra những họa tiết mới hết sức độc đáo.
Phần mặt sàn gỗ trong phòng ngủ còn được để hở ở mọi phòng ngủ, đúng tại nơi ánh nắng rọi bóng vào nhiều thời điểm trong ngày.
Bằng việc sử dụng chỉ một gam màu cho cả căn nhà, đội ngũ thiết kế hy vọng rằng sẽ có thể giúp cho khoảng cách, ranh giới giữa những không gian sống trong nhà trở nên bớt cứng nhắc, từ đó khiến cho ngôi nhà trở thành một khối đồng nhất, hài hòa giữa cả đồ vật và con người.
Studio thiết kế Ministry of Design được thành lập vào năm 2004 bởi Colin Seah, có trụ sở tại Singapore và một số chi nhánh khác tại các thành phố Kuala Lumpur – Malaysia và Bắc Kinh – Trung Quốc.