Trong thời gian làm một nhà thiết kế đồ họa, tôi đã trải nghiệm gần như mọi điều trong ngành này – thiếu mỗi bạo lực thể xác nữa thôi – tất cả những gì mà cuộc sống công việc có thể ném vào bạn: suy thoái kinh tế, tranh chấp pháp lý, khách hàng vỡ nợ, và tất nhiên, cái cảm giác hồi hộp khi hoàn thành một dự án thành công.
Nhưng có hai sự kiện – cả hai đều khiến cục diện của ngành thiết kế đồ họa thay đổi hoàn toàn.
Đầu tiên là sự xuất hiện của máy tính Macintosh. Đối với tất cả các nhà thiết kế thực hành vào thời điểm đó, việc máy tính hóa đòi hỏi phải có tư duy mở rộng về nghề thủ công: không còn tác phẩm nghệ thuật cơ khí, không còn ma-két, không còn những thợ xếp chữ hay thợ sửa ảnh danh giá nữa. Nhiều công việc trước đây thực hiện bởi các công đoạn sản xuất nay được tiếp nhận bởi các nhà thiết kế ngồi trước màn hình máy tính. Nó mở ra một thời đại mới của kỹ thuật số dựa trên khả năng độc lập và một giai đoạn tái định hướng quy mô lớn.
Sự kiện thứ hai là sự xuất hiện của internet. Điều này tạo ra một cách nghĩ mới, cách làm mới về thiết kế. Một cách đột ngột, các nhà thiết kế không còn nắm quyền kiểm soát hoàn toàn công việc của họ nữa. Không có khả năng kiểm soát việc sử dụng trình duyệt, tỷ lệ màn hình và phông chữ có tác động quyết định và các quy tắc cũ như số ký tự trên mỗi dòng trở nên dư thừa. Ngay cả những người dùng chúng cũng dễ bị đảo lộn bởi đối với các nhà thiết kế được đào tạo bài bản về thiết kế in ấn mà nói thì đây là một sự xuất hiện khó có thể tưởng tượng được, nơi bố cục lại được chỉnh sửa sau khi đã rời tay người thiết kế.
Hai sự kiện này tưởng như đã đe dọa đến vai trò của nhà thiết kế, tuy nhiên điều ngược lại đã xảy ra. Giờ đây là thời kỳ của nhiều nhà thiết kế và sinh viên đồ họa hơn bao giờ hết. Thiết kế là một ngành công nghiệp toàn cầu được gắn liền, và không thể tách rời, với kinh doanh và văn hoá. Đối với nhiều người, thiết kế đồ họa, bên cạnh là một lựa chọn nghề nghiệp thì cũng là một lựa chọn phong cách sống. Chúng ta làm nó bởi vì chúng ta yêu thích nó.
Sự gia tăng của tự động hóa
Về dài hạn, có thể nói ngành thiết kế và các nhà thiết kế được hưởng lợi từ hai sự kiện gây sốc này, tuy nhiên, vẫn có nỗi lo rằng liệu các nghề thủ công và nhà nghề có thể trụ vững. Thiết kế liệu có đáp ứng được thời cuộc hiện nay? Liệu có phải AI (Artificial Intelligence: Trí tuệ nhân tạo) sẽ đảm nhận hết vai trò của nhà thiết kế không? Liệu sự gia tăng này có kéo theo một thế giới hoàn toàn tự động hóa đe dọa nhấn chìm ngành thiết kế?
Chúng ta thường xem tự động hóa quy trình thiết kế là điều không thể. Bạn có thể giả định rằng trí tưởng tượng sáng tạo là lĩnh vực ít có khả năng được điều khiển bằng máy móc nhất, rằng những con robot chỉ dành cho sản xuất đại trà, chứ không phải cho tư duy khái niệm. Nhưng trong thực tế, quá trình này đang được tiến hành.
Phương tiện truyền thông xã hội đã chiếm đoạt khá nhiều vai trò mà các nhà thiết kế đảm nhận trước đây. Bạn có thể bắt đầu phi vụ làm ăn trên một trang Facebook (hay như một chuyên gia có nói “Facebook là một loại hình trang chủ kinh doanh cỡ nhỏ mới”). Đối với nhiều người, chỉ cần vào tài khoản Twitter hay Instagram là có tất cả những thiết kế họ cần.
Tự động hóa ở vô số phương diện trong đời sống hàng ngày đã ở một mức độ tiên tiến: toàn bộ các nhà máy được vận hành bởi các robot, các hợp đồng pháp lý và giao dịch trên thị trường chứng khoán được thực hiện thường xuyên bởi các lập trình có sẵn; kho hàng, ATM được tự động hóa, và khi con người sử dụng chúng để vận hành thị trường có nghĩa là việc làm sẽ ít hơn trong các ngành công nghiệp, ngay cả khi chúng ta vẫn được coi là nguồn lao động số lượng lớn; xe không người lái báo hiệu sự kết thúc cho hàng triệu người lái xe kiếm sống.
Robot có lẽ sẽ lấy đi công việc của bạn. Hãy thương lượng với nó.
Trong cuốn sách Inventing the Future, Nick Srnicek và Alex Williams có phát biểu rằng: “Bất kỳ là gì thì từ 47-80% của công việc có thể sẽ tự động hoá trong hai thập kỷ tới.” Họ cũng chú thích rằng “Dịch vụ robot hóa giờ đây đang dần lan tỏa, với hơn 150.000 robot chuyên nghiệp được bán trong 15 năm qua. Bị đặt dưới mối đe dọa đặc biệt này là những công việc thường nhật – những việc có thể được lập trình thành một loạt các công đoạn.”
Sự lụi tàn của thiết kế web
Liệu điều này có đưa ngành thiết kế vượt qua giai đoạn khó khăn? Phải chăng chúng ta nên mong đợi máy móc sẽ tạo nên những bước nhảy vọt sai lầm và đi ngược lại những gì mà trí tưởng tượng của các nhà thiết kế đã tạo nên? Rồi còn khả năng làm chủ những bất trắc và sự trùng hợp không lường trước được của các nhà thiết kế thì sao? Chắc hẳn loại nhận thức này vượt ra khỏi những gì máy móc có thể lập trình?
Không hẳn vậy. Chúng ta đang sống dưới lời tuyên bố rằng bất cứ thứ gì có thể tự động hóa đều sẽ được tự động hóa trong nay mai. Và không đâu trong thế giới thiết kế mà tư tưởng này lại chiếm ưu thế hơn trong thiết kế web. Trong bài đăng Why Web Design is Dead, trên website UX Magazine, nhà thiết kế Sergio Nouvel đã ghi chú rằng: “Hầu hết các nội dung mà bạn thấy trên web hiện nay đều được điều hành bởi một vài khung chương trình (framework) hay dịch vụ – WordPress, Blogger, Drupal, … Framework cung cấp cho bạn nền tảng và các phím tắt để giúp bạn tiết kiệm thời gian tạo ra một trang web và dành nhiều thời gian hơn để sáng tạo nội dung. Như một hệ quả của sự phổ biến các framework này, một thế giới các bản mẫu bao gồm cả miễn phí và phải thanh toán cho phép bạn bắt đầu một thiết kế chuyên nghiệp chỉ trong vài phút. Tại sao phải thuê một nhà thiết kế web trong khi bạn có thể sử dụng một bản mẫu có sẵn và tự mình tạo ra một thiết kế tạm ổn chỉ với một phần nhỏ chi phí?”
The Grid, một start-up có trụ sở tại San Francisco và Berlin, là đơn vị đầu tiên thông báo rằng họ đã tạo ra một công cụ xây dựng trang web sử dụng trí thông minh nhân tạo. Nó cho phép người dùng tải lên hình ảnh và văn bản hoặc sử dụng thư viện hình ảnh và màu sắc của chính nó, tiếp đó, bằng việc sử dụng AI, nó sẽ thực hiện tất cả các chức năng thiết kế chủ chốt: định vị hình ảnh, sắp đặt văn bản, chọn màu sắc và khắc họa một trang web độc đáo, tùy biến. The Grid chia sẻ họ không sử dụng các bản mẫu, mà là “hệ thống bố cục”, mang lại sự linh hoạt tuyệt vời hơn.
Với The Grid, nếu bạn không thích nhưng gì bạn thấy, hãy nhấn nút Redesign và trong vài giây một bố cục khác sẽ xuất hiện. Video giới thiệu của The Grid mang lại ấn tượng về sự thành công không cần nhiều nỗ lực và gần như tức thời. Đây là một bài giới thiệu hấp dẫn. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị gây ấn tượng.
Nhiều cuộc hội thảo trên trang web khác đã mang đến một cái nhìn ít thuyết phục hơn về phương pháp tiếp cận AI của The Grid đối với thiết kế web. Các đánh giá này gợi nhớ tôi về những ngày đầu tiên của thiết kế DTP – Kiểu chữ răng cưa và hình ảnh bitmap. Nhưng giai đoạn sản sinh DTP đầy đau đớn đó không kéo dài. Các nhà thiết kế đã làm chủ được phần mềm, rồi phần mềm được cải thiện, cùng với đó là công suất tính toán tăng cao. Vậy nên bạn chả phải mất công đặt cược làm gì, bởi các trang web AI sẽ trở nên tốt hơn trong tương lai thôi.
Một quá trình mượt mà
Dễ dàng thấy được tại sao khách hành bị hấp dẫn bởi quá trình hoàn hảo không chứa sạn như vậy. Không còn phải dành thời gian để nghe các nhà thiết kế phiền toái bảo vệ quyết định thiết kế của mình, không còn phải quanh quẩn chờ đợi các thiết kế mới. Và đây là lý lẽ thuyết phục nhất: không mất lệ phí thiết kế lại. Thay vào đó, khách hàng sống trong thế giới tươi đẹp của sự lặp lại vô tận và một chuỗi dường như vô hạn của các sự lựa chọn.
The Grid không một mình trong mặt trận của họ. Vào tháng 9 năm 2016, trang web Tech Crunch đã thông báo rằng Canva, một nền tảng thiết kế web và di động, đã nhận được một khoản viện trợ mới trị giá 15 triệu USD và tăng gấp đôi giá trị của nó trong 12 tháng. Theo báo cáo, nguồn vốn bổ sung này đã đưa giá trị của Canva lên đến 345 triệu đô la.
Điều khiến Canva thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư là thực tế rằng những người không phải nhà thiết kế cũng có thể sử dụng nó. Canva tuyên bố rằng chỉ mất 23 giây để trở thành một người dùng thành thạo phần mềm của họ. 10 triệu người được cho là đang sử dụng nó để thiết kế danh thiếp, áp phích, bài thuyết trình và đồ họa cho các phương tiện truyền thông xã hội.
Nhìn vào các thiết kế theo công thức đặc trưng trên trang web này thì thật khó để tuyên bố nghiêm túc rằng ‘bất cứ ai cũng có thể trở thành một nhà thiết kế’ với Canva. Bạn dễ mà phì cười bởi một số tác phẩm mà các trang web này đăng lên làm bản mẫu – hầu hết có vẻ như được thiết kế bởi ai đó trên máy bay tự động lái. Nhưng liệu rồi chúng ta còn có thể tiếp tục chế giễu họ trong 5 năm tới? Khi chúng ta nhìn vào những gì đang xảy ra với AI, có vẻ là ngu ngốc khi bác bỏ những nỗ lực về thiết kế tự động.
Thiết kế Al-driven
Khi tôi trò chuyện với các nhà thiết kế về khả năng AI tiếp nhận nhiệm vụ của các nhà thiết kế, tôi đã vấp phải sự hoài nghi. Điều này đã gây cho tôi một cái nhìn thiển cận. Trong một tài khoản chi tiết của người dùng Google trong AI, được phát hành trên tạp chí New York Times, nhà báo Gideon Lewis-Kraus viết về việc công ty sử dụng trí thông minh nhân tạo để biến đổi Google Translate. Bất cứ ai đã sử dụng dịch vụ dịch thuật này sẽ biết rằng kết quả của nó theo kiểu hú họa, luôn luôn yêu cầu sửa chữa, và hiếm khi chính xác với ngữ cảnh.
Tất cả điều này đang thay đổi. Trong phiên bản AI-driven mới của mình, Google Translate đang tạo ra những kết quả đáng kinh ngạc. Được phát triển bởi nhóm Google Brain, ‘Mạng lưới thần kinh nhân tạo’ (giống như những gì trong hộp sọ của chúng ta) cung cấp sự thay thế cho chương trình máy tính truyền thống và đại diện cho động thái hướng tới loại máy móc tự học hỏi. Bằng cách sử dụng các mạng lưới này, các robot có thể tự làm quen với thế giới thông qua thử nghiệm và sai lầm giống như cách trẻ em vẫn làm, mang đến cho máy móc "thứ gì đó giống như sự linh hoạt của con người".
Lewis-Kraus nhắc nhở chúng tôi về bài kiểm tra nổi tiếng của Alan Turing về một trí tuệ nhân tạo tổng hợp: "Một máy tính có thể, trong suốt năm phút trao đổi văn bản, đánh lừa thành công một người đối thoại với mình. Ngay khi máy móc có thể dịch trôi chảy giữa hai ngôn ngữ tự nhiên, nền tảng được cài đặt cho nó một ngày nào đó sẽ có thể ‘hiểu’ ngôn ngữ con người đủ để tham gia vào cuộc trò chuyện hợp lý. "
Google Translate được biến đổi bởi AI
Nếu dịch vụ dịch thuật mới của Google gần như đạt được tiêu chí của Turing, thì chẳng cần phải tưởng tượng nhiều nữa về việc AI sẽ giải quyết các vấn đề thiết kế phức tạp thay vì việc di chuyển các thành phần vòng quanh trên một trang web. Hầu hết thiết kế hàng ngày mà chúng ta gặp đều có thể được chia thành một bộ nguyên tắc đơn giản có thể được lập trình ra, và dường như một máy tính hoàn toàn có thể học được các quy luật về kiểu chữ, tỷ lệ vàng và quy tắc tam suất. Và cũng chẳng cần nghi ngờ rằng các doanh nghiệp sẽ hiểu được lợi ích tiết kiệm tiền của thiết kế AI.
Thích nghi để tồn tại
Các nhà thiết kế nên làm gì đây? Thiết kế AI-driven đã có tiềm năng để loại bỏ một số hoặc hầu hết các sản phẩm dựa trên những gì mà họ làm ra. Bạn cần có 100 biểu ngữ web cho chiến dịch quảng cáo toàn cầu, tất cả đều có thông tin khác nhau và nhiều ngôn ngữ khác nhau? Không vấn đề gì. Các robot có khả năng xử lý các công việc thường ngày, dẫn đến kết quả là cần ít hơn người sản xuất thiết kế hơn.
Nhưng liệu mũi nhọn trong ngành thiết kế có bị ảnh hưởng? Đúng vậy. Cuối cùng thì, giống như những gì con người học được khi thời kỳ công nghiệp hóa mở ra, chúng ta phải thích nghi. Tôi có niềm tin rằng các nhà thiết kế đã được trang bị tốt để làm điều này. Giảng dạy linh hoạt và sẵn sàng học hỏi có thể là thách thức lớn nhất đối với các trường thiết kế trên thế giới bấy giờ.
Tất nhiên, điều này không chỉ áp dụng cho thiết kế. Trong kỷ nguyên thông tin, chúng ta có thể nhìn thấy trước một thế giới mà dần dần các công việc đều được thực hiện mà không cần trả phí. Điều này sẽ lại liên đới đến lĩnh vực chính trị và những vấn đề mà các chính phủ luôn tránh né. Nó đặt ra các câu hỏi như thu nhập cơ bản, và việc học hỏi lại từ đầu sẽ là cần thiết khi thế giới hậu công nghiệp được thay thế bởi một trong thế giới giải trí không giới hạn. Các chủ đề này được thảo luận trong các viện nghiên cứu và các nhóm tư vấn về tương lai, nhưng tất cả chúng ta cần phải suy nghĩ về chúng sớm hơn.
Giữa quá trình viết bài này, tôi bất chợt cũng có được cái nhìn nghiêm túc về một thế giới mà máy móc thống trị. Chiếc IMac 5 năm tuổi của tôi bị hỏng. Màn hình đen kịt, không có biện pháp khắc phục thông thường nào có thể cứu sống nó và bây giờ lại là Giáng sinh, chẳng có cơ hội sửa chữa khẩn cấp. Đó là một thảm họa cá nhân. Nhưng tôi rút ra được điều sẽ xảy ra với máy móc là: chúng sẽ hỏng. Có lẽ lỗi sai này của chúng là điều duy nhất ở giữa chúng ta và một tương lai AI.