Thiên tài Phục hưng là một họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thơ, kiến trúc sư, kỹ sư tài năng, người đã tạo nên những dấu ấn lớn cho nền nghệ thuật thế giới. Một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông hiện có thể tìm thấy tại Nhà Nguyện Sistine tọa lạc tại Thành Va-ti-can, Ý.
Nhắc tới Nhà Nguyện Sistine, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới bức tranh trên trần nhà được thực hiện bởi Michelangelo. Bức tranh khắc họa các cảnh tượng trong cuốn Sách Sáng Thế – cuốn sách mở đầu cho Cựu Ước nói chung và Kính Thánh nói riêng. Tuy nhiên, người nghệ sĩ còn có một kiệt tác khác cũng ấn tượng không kém trong cùng căn phòng đó mang tên “Phán quyết cuối cùng”. Bức họa bao phủ toàn bộ bức tường sau án thờ, ra đời vài thập kỷ sau.
Tác phẩm được thực hiện ở giai đoạn chín muồi trong sự nghiệp của Michelangelo, khi mà phong cách của ông đã được hoàn thiện một cách tròn vẹn nhất. Kể từ khi ra đời, tác phẩm liên tục gây nhiều tranh cãi đồng thời cũng tạo tác động lớn tới lịch sử hội họa. Mặc dù khai thác một chủ đề quen thuộc của giai đoạn Phục hưng, Michelangelo đã tạo nên sự độc đáo của tác phẩm nhờ phong cách vừa được đánh giá cao nhưng cũng nhận về nhiều phản hồi tiêu cực.
Ngay bây giờ, hãy cùng Designs.vn khám phá về lịch sử của bức tranh tường ấn tượng này và lý giải nguyên nhân tạo nên ảnh hưởng lâu đời của tác phẩm.
Cuộc sống của Michelangelo sau khi hoàn thành bức tranh trần Nhà Nguyện Sistine
Phải tới 25 năm sau danh họa Michelangelo mới quay trở lại La Mã và Nhà Nguyện Sistine. Người họa sĩ bắt tay vào dự án tại Nhà Nguyện sau một thời gian dài làm việc cho nhà Medici – đế quốc chính trị và sau này là triều đại thống trí dưới quyền điều khiển của Cosimo de’ Medici trong nền Cộng hòa Florence trong nửa đầu của thế kỷ 15. Và chỉ tới khi nhà Medici bị lật đổ và soán ngôi thì danh họa người Ý mới quay trở lại La Mã.
Tại đây, ông được chào đón bởi Giáo hoàng Clêmentê VII, người đã đặt hàng Michelangelo một bức tranh tường mới cho Nhà Nguyện Sistine. Không may, Giáo hoàng đã qua đời trước khi tác phẩm được hoàn thành, và người kế nghiệp của ông là Giáo hoàng Paul III đã thay ngài phụ trách đơn đặt hàng này.
Michelangelo bắt tay thực hiện bức tranh tường vào năm 1534 và chính thức hoàn thành vào năm 1541 khi ông đã 67 tuổi.
Các hình tượng xuất hiện trong tác phẩm “Phán quyết cuối cùng”
Lần tái lâm của chúa Giêsu và sự phán quyết cuối cùng của ngài về loài người và sự nhân đạo là một chủ đề phổ biến trong hội họa thời kỳ Phục Hưng. Ví dụ tiêu biểu là Giotto – người được ví là cha đẻ của hội họa Phục hưng và tác phẩm nổi tiếng tại Nhà Nguyện Scrovegni ở Padova – một trong các thành phố lâu đời nhất của Ý.
Và Michelangelo đã lựa chọn chủ đề kinh điển của hội họa đương thời. Xuất hiện trong bức tranh tường là hơn 300 nhận vật trong kinh thánh. Chính giữa là chúa Giêsu, người đang giơ cao bàn tay phán quyết những kẻ bất hảo xuống địa ngục. Chúa Giêsu của Michelangelo được khắc họa đầy oai nghiêm, bệ vệ với đường cơ bắp rắn rỏi.
Phía bên trái của ngài là Đức mẹ Maria. Người được mô tả với dáng vẻ hiền từ, đang hướng về phía những kẻ may mắn được cứu vớt. Xung quanh hai nhân vật chính là các vị thánh. Thánh Peter – người đang giữ chiếc chìa khóa dẫn tới Thiên đường và thánh Gioan Baotixita được khắc họa với vẻ to lớn, bệ vệ tương đương chúa Giêsu.
Về tổng thể, bức tranh xoay quanh cuộc phán xét, phía bên trái là những người được cứu vớt khỏi cái chết nhưng cũng có nhiều kẻ bị đày đọa xuống địa ngục. Phía dưới cùng của bức họa là Charon. Trong thần thoại La Mã và Hy Lạp, thần Charon có nhiệm vụ dẫn đường cho các linh hồn xuống âm phủ. Ở đây, ông đang đưa những linh hồn đáng thương này xuống thẳng địa ngục, nơi đầy rẫy những thứ ma quỷ gớm ghiếc, kinh tởm.
Những chi tiết ẩn dụ trong bức họa
Trong bức họa “Phán quyết cuối cùng” , danh họa Michelangelo đã lồng ghép vào đó những chi tiết ẩn dụ được đánh giá rất cao qua nhiều thời kỳ, mặc dù chúng từng không nhận được những phản hồi tích cực đương thời.
Chi tiết đầu tiên là hình ảnh chân dung tự họa của Michelangelo trong hình ảnh một vị thánh đang ngồi dưới chân trái của chúa Giêsu. Ông đang ngồi trên một đám mây, cầm bộ da người trên tay. Đây chính là Thánh Bartholomew, người đang bị đày đọa sau khi bị lột sống da. Bởi vậy, ông đang cầm con dao để lột da vị thánh xấu số này. Vậy nhưng, cũng có nhiều người cho rằng khuôn mặt trên bộ da người thực chất là khuôn mặt của danh họa Michelangelo.
Bên cạnh đó, Michelangelo còn đưa vào những chi tiết gây nhiều tranh cãi. Ở phía dưới bên phải khung hình xuất hiện một nhóm bất hảo đang đứng túm tụm lại, trong đó có một nhân vật đặc biệt nổi bật, hắn mang chiếc tai của con lừa – biểu tượng của sự ngu ngốc, cuộn quanh người hắn là một con rắn đang cắn nuốt bộ phận riêng tư của hắn.
Trong một lần duyệt qua bức tranh cùng với Thánh Paul III, vị mục sư Biagio da Cesena đã ngay lập tức để ý tới chi tiết này. Vì một lý do nào đó, ông thấy mình xuất hiện trong hình dạng của nhân vật trên. Trên thực tế, nhân vật này là Minos, vị thẩm phán của âm phủ, và thế là Da Cesena đã vô cùng tức giận. Ông đã phản ánh lại với Giáo hoàng về sự việc này, và nhiều người đồn rằng Giáo hoàng chỉ đùa rằng năng lực của ông chưa đạt tới địa ngục bởi vậy sẽ không có sự thay đổi nào trong bức tranh.
Những tranh cãi xoay quanh tác phẩm
Da Cesena không phải là người duy nhất phản đối cách khai thác chủ đề “Phán quyết cuối cùng” của Michelangelo. Rất nhiều nhân vật trong nhà thờ đã thể hiện sự phẫn nộ và yêu cầu danh họa chỉnh sửa tác phẩm. Họ không hài lòng với việc kết hợp các nhân vật tôn giáo và thần thoại, và tất nhiên, với việc có quá nhiều nhân vật lõa thể xuất hiện trong tác phẩm.
Tuy nhiên, vẫn có một số người ủng hộ bức tranh và khen ngợi sự thông minh và phong cách hội họa của Michelangelo.
Một số người khác thì cho rằng Michelangelo nên bám sát hơn vào sự kiện được thuật lại trong kinh thánh và rằng chúa Giêsu nên được ngồi trên một ngai vàng, và chi tiết những y phục cuốn theo gió là không cần thiết vì theo đúng nguyên tác ngày phán xét diễn ra khi trời lặng gió.
Cuộc tranh cãi tiếp tục gia tăng trong những năm sau khi bức bích họa được hoàn thành đặc biệt trong thời điểm những cải cách mới về nghệ thuật tôn giáo mà Hội đồng Trent đã ban hành vào năm 1563. Trong sắc lệnh chính thức, mọi thứ “mê tín” hoặc “dâm ô” đều bị cấm triệt. Và, thật không may cho Michelangelo khi “những bức tranh trong Nhà nguyện Tông Đồ đã bị che lại, và một số bức tranh tại các nhà thờ khác thậm chí đã bị phá hủy nếu chúng khắc họa bất cứ điều gì tục tĩu hoặc sai sự thật”.
Và rất có thể sau khi Michelangelo qua đời, một họa sĩ khác đã vẽ thêm các tấm vải xếp nếp để che đi bộ phận sinh dục có thể nhìn thấy được trong tác phẩm của ông. Công việc diễn ra theo từng giai đoạn, vì nhà nguyện cần được sử dụng ở các điểm khác nhau. Thật không may, mỗi lần can thiệp đều quyết liệt hơn lần trước. Tổng cộng, khoảng 40 nhân vật xuất hiện trong tranh đã bị can thiệp và hai nhân vật đã được làm lại hoàn toàn. May mắn thay, vì các sửa đổi được thực hiện trong bức bích họa khô, không quá khó để loại bỏ chúng.
Trên thực tế, khi Nhà nguyện Sistine được trùng tu vào những năm 1990, 15 tấm phủ được thêm vào sau năm 1600 đã bị dỡ bỏ. Người ta quyết định rằng những sửa đổi từ thế kỷ 16 nên được duy trì để phản ánh lịch sử của tác phẩm nghệ thuật.
Ngày nay, các nhà phê bình nghệ thuật đã có cái nhìn cởi mở hơn về “Phán quyết cuối cùng”. Trong khi một số người vẫn còn lúng túng trước sự mô tả cồng kềnh của giải phẫu và nhóm các hình, nhìn chung tác phẩm vẫn được coi là một kiệt tác.
MAI ANH/DESIGNS.VN