
Năm sinh: 19/01/1911 tại làng Thổ Khối, tỉnh Bắc Ninh
Năm mất: 6/6/1988 tại Antibes, Pháp
Phong cách nghệ thuật: Tranh sơn dầu, tranh lụa, vẽ chân dung
Các tác phẩm chính: Mẹ địu con, Sơn nữ, Ba mẹ con trên cỏ, Tuổi xanh, Thiếu nữ tắm hồ sen, Dông tố, Chân dung Lê Tất Luyện
Bà được xem là nữ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Thi đỗ và tốt nghiệp thủ khoa khóa 3 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, bà còn làm thơ và cộng tác với các tạp chí nổi tiếng một thời: Ngày nay, Phụ nữ tân văn, Đàn bà mới. Từ năm 1940, bà theo chồng sang sống tại Pháp và từ đó tới khi mất, bà đã có những hoạt động thiết thực ủng hộ phong trào kháng chiến trong nước (bà từng là thủ quỹ của Hội Văn hóa Liên hiệp Pháp cho đến ngày ký Hiệp định Geneve về Việt Nam).
Trong hơn nửa thế kỷ sáng tạo, mặc dù số tranh bà để lại không nhiều và không phải bạn trẻ nào cũng biết đến sự nghiệp hội họa của bà, song với những người hoạt động trong lĩnh vực này, khi nhắc đến tên tuổi bà, ai nấy đều có một thái độ vị nể.
Bà là người phụ nữ thuộc tầng lớp tân tiến, tây học. Trong khi tuyệt đại bộ phận phụ nữ cùng thế hệ với bà vẫn còn nhuộm răng đen và bẽn lẽn ẩn mình trong những chiếc áo dài thâm thì bà đã mạnh dạn thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và thuyết phục gia đình cho học lớp vẽ tranh… khỏa thân. Năm 1932, ra trường với tấm bằng thủ khoa, Lê Thị Lựu trở thành cái tên được nhiều báo nhắc tới. Những bức tranh đầu tiên của bà đã được Hiệp hội Nữ họa sĩ và điêu khắc tổ chức trưng bày tại một cuộc triển lãm và giành được giải nhất. Ngay lập tức, nữ họa sĩ trẻ được kết nạp làm thành viên của Hiệp hội.
Trong 7 năm liền (từ 1932 tới 1939) kể từ khi ra trường, ngoài đam mê vẽ tranh, Lê Thị Lựu còn là cô giáo dạy vẽ tại các trường có uy tín thời đó như Trường Bưởi, Trường Hàng Bài (tức Trường Trưng Vương sau này), Trường làm Ren, Trường Hồng Bàng (Hà Nội) và Trường Mỹ thuật Gia Định (Sài Gòn). Họa sĩ Phan Kế An, một học sinh cũ của bà từng kể lại ấn tượng mà ông không bao giờ quên về nữ họa sĩ đẹp người đẹp nết này: “Trong lớp, bà đi đến từng học sinh, chỉ dẫn cặn kẽ cho mỗi người. Chỉ một thời gian, bà đã nhận ra những ưu điểm và nhược điểm của từng học sinh, ai chăm ai lười, bà đều nhẹ nhàng động viên khuyên nhủ”. Không chỉ có Phan Kế An mà không ít họa sĩ thành danh sau này đã nhận được sự chỉ dẫn ân cần của Lê Thị Lựu trong những bước đi chập chững đầu tiên của họ đến với hội họa.
Lê Thị Lựu ít vẽ cảnh (chỉ vài bức bằng chất liệu sơn dầu), còn thì đa phần là vẽ người. Và nhân vật của bà chủ yếu là phụ nữ (ai đó đã gói gọn trong mấy chữ “thiếu”: thiếu nữ, thiếu phụ, thiếu nhi). Vẽ chân dung người đẹp, bà thực hiện theo đúng khuôn thước cổ điển: Mặt trái xoan, cân đối, hài hòa. Màu sắc mà nữ họa sĩ ưa sử dụng thường tươi sáng, mặc dù trong nét vẽ vẫn phảng phất đây đó một nét buồn thanh tĩnh. Xem tranh của Lê Thị Lựu, ta thường bắt gặp những cô gái có cái nhìn lơ đãng, thậm chí có lúc như đang chìm trong mộng mị. Về cơ bản, dù cả đời từng theo đuổi nhiều trường phái, khi Ấn tượng, lúc Cổ điển, song tranh của Lê Thị Lựu, ở những bức tiêu biểu vẫn thấm đẫm chất Á Đông. Và mặc dù rất ít vẽ tranh khỏa thân, song chỉ với một bức “Thiếu nữ tắm hồ sen”, ta có thể thấy được nét đẹp thẩm mỹ của bà.
Cùng với hội họa, Lê Thị Lựu còn làm thơ (ký bút danh Thạch Ẩn) và viết bài cộng tác với các tạp chí: Ngày nay, Phụ nữ tân văn, Đàn bà mới (ký bút danh Văn Đỏ).
Trong hơn nửa thế kỷ sáng tạo, nữ họa sĩ Lê Thị Lựu đã để lại một khối lượng tranh không nhiều, chỉ chừng 300 bức. Đã vậy, phần nhiều trong số ấy bị thất tán. Rất may là một số bức tiêu biểu của bà còn được lưu giữ tại một số bảo tàng và các bộ sưu tập cá nhân, trong đó có Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Một số tác phẩm của Họa sĩ Lê Thị Lựu








Một số hình ảnh của Họa sĩ Lê Thị Lựu


TỔNG HỢP/VIET MY/DESIGNS.VN