Họa sĩ Hoài Nam – Một đời rong chơi

“Trận Xích Bích” trên đất Long An

Ai ngồi hầu chuyện ông đều hiểu đó là thái độ khiêm nhường thường thấy ở bậc cao niên nhiều lận đận nhưng cũng lắm sôi nổi, hào sảng. Bởi lẽ ngót vài chục năm trước, giới mộ điệu cải lương, người yêu nghệ thuật ai chẳng biết danh họa sĩ thiết kế sân khấu Hoài Nam.

Ông nhớ lại, năm 1945, ở tuổi 15, Hoài Nam sớm chứng kiến một biến cố lớn trong lịch sử dân tộc: Sự kiện người Pháp mượn cớ giải giáp quân Nhật để chiếm lại nước ta. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cứ thôi thúc trong ông.

Vốn say mê tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, ông bàn tính với Đội Thiếu niên tiền phong đất Thủ Thừa (Long An) bài binh bố trận theo trận đồ Xích Bích trong Tam Quốc Chí. Đó là kết ghe thuyền lại với nhau rồi lợi dụng hướng gió, dùng hỏa công đánh tàu Tây trên sông. Không chỉ thế, Hoài Nam còn đề xuất vót cọc nhọn đóng xuống đáy sông, đợi lúc nước lớn cho thuyền khiêu khích tàu Pháp lọt vào thế trận bày sẵn.

Kế hoạch hồn nhiên này nhanh chóng thất bại vì tàu Tây bằng sắt, lại được trang bị vũ khí tối tân. Súng nổ vang trời, lửa cháy ngùn ngụt trên sông; bạn bè ông số bị bắn trọng thương, số bị bắt sống. Còn ông bị giặc bố ráp, phải trốn lên tận Sài Gòn, vất vưởng sống nhờ vào chùa, đình, miếu mạo.

Cơ duyên hội họa 

Sài Gòn cuối những năm 40 của thế kỷ trước đầy sôi động với khí thế hừng hực xuống đường của học sinh-sinh viên và quần chúng. Và từ những lần tranh đấu, cuộc đời đưa ông đến với hội họa như một cơ duyên của số phận.

Năm 1950, Hoài Nam cũng theo guồng tranh đấu mà dấn thân, tham gia biểu tình trước cái chết của học sinh Trần Văn Ơn. Lại bị bố ráp nhưng từ đây cơ may đã đến khi một người bạn đưa ông về nhà lánh nạn và giới thiệu ông vào học tại Trường Mỹ nghệ thực hành. Tại đây, ông được nhận làm trợ lý thiết kế cho sân khấu Việt Kịch của cố NSND Nguyễn Thành Châu.

hoa si hoai nam

Họa sĩ Hoài Nam

Một nghệ sĩ sân khấu cùng thời với ông khen ngợi những thiết kế sân khấu của họa sĩ Hoài Nam rất tài hoa và mang tính nhân văn, nhân bản sâu sắc. “Từ năm 1958, họa sĩ Hoài Nam còn là người thiết kế phim rất giỏi. Các hãng phim như Tân Dân, Rạng Đông… đều chuộng tài năng của ông và minh chứng rõ nhất là các phim ông thiết kế mà tôi biết như : Xa lộ không đèn, Bàn thờ tổ của cô đào, Nghêu Sò Ốc Hến, Hồi chuông Thiên Mụ…” – nghệ sĩ này nhớ lại.

Bè bạn giới nghệ thuật thường đùa ông là người “ba không”: không nhà, không tiền và không vợ con. Bù lại, Hoài Nam có nhiều bằng hữu. Thực ra Hoài Nam cũng là khách lãng du bước trên cõi trần và dường như hiếm có điều chi khiến ông nặng lòng. Có chăng chỉ là câu chuyện cách nay khá lâu.

Đó là sau năm 1975, đất nước trở mình trong cuộc tái thiết, họa sĩ Hoài Nam được một lãnh đạo của Hội Sân khấu TP. giới thiệu ra Hà Nội nghiên cứu công trình nhà hát để về lại thành phố thiết kế nhà hát. Sau đó ít lâu, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo xây dựng khu phức hợp nghệ thuật đa năng ở quận 2. Hai công trình lớn cho hoạt động nghệ thuật của thành phố là ấp ủ của Hoài Nam. Ông đã dồn toàn tâm toàn ý để nghiên cứu, phác thảo thiết kế. Cuối cùng, vì những nguyên nhân khách quan, cả hai đều chưa thực hiện được. “Tuy ước mơ chưa thành nhưng không vì thế mà tôi buồn lâu. Bởi làm nghệ thuật như kiếp tằm nhả tơ, biết bao giờ mới dứt” – ông thổ lộ tâm tư. 

Rong chơi cho thỏa kiếp phù sinh 

Non 10 năm trước, mỗi lần đi đâu ông đều cuốc bộ, bất kể xa gần. Tóc râu bạc phơ, dáng mạo tiên phong đạo cốt của ông khiến không ít người nhầm ông với cố thi sĩ Bùi Giáng. Có lần ông đang lang thang tìm nhà một người bạn thì bị mấy sư cô gọi xích lô chở về chùa vì tưởng lầm Bùi Giáng đi lạc. Lần khác, ông đang uống rượu với bạn ở ven kênh Nhiêu Lộc thì nhiều sinh viên đến xin chữ ký và xin được tặng thơ… Nhớ chuyện cũ, ông hóm hỉnh cười.

Gặp bất kỳ bạn mới nào ông cũng đều tặng họ một bức ký họa chân dung từ xấp giấy trắng và cây bút chì luôn bên mình. Biết ông thích uống rượu, bằng hữu thường mời ông đối ẩm mạn đàm thế sự. Ông kể chai rượu bằng kim loại lúc nào cũng nằm trong túi áo của ông là kỷ vật từ một người bạn. Nhờ nó mà ông thoát chết trong những lần tranh đấu. Hồi đó, trong một lần đi đấu tranh, ông bị bắn vào ngực, may nhờ chai rượu trong túi áo che chắn nên ông không hề hấn gì.

Tuổi 80, họa sĩ Hoài Nam vẫn đang tá túc ở Viện dưỡng lão Nghệ sĩ. Dường như chưa bao giờ ông muốn rời cuộc chơi trên con đường nghệ thuật lẫn trong đường đời. Ông hồn nhiên khoe với tôi bản thiết kế bảo tàng sân khấu và trung tâm dạy nghề cho thân nhân nghệ sĩ đã được làm xong. Còn thở ông sẽ còn theo đuổi để ước vọng này bước từ trang giấy vào cuộc sống.

Ông qua đời ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM, hưởng thọ 90 tuổi, sáng 7/1/2020

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *