Họa sĩ Đặng Ái Việt và hành trình 8 năm rong ruổi khắc họa chân dung gần 1700 bà mẹ Việt Nam anh hùng

hoa-si-dăng-ai-viet-va-hanh-trinh-8 năm-rong-ruoi-khac-hoa-chan-dung-gan-1700-ba-me-viet-nam-anh-hung-1

Bà từng nói bà giống hạt cát lang thang, hạt cát ấy đến đâu lại đem đến niềm vui nhỏ cho các mẹ

Hành trình phi thường của nữ họa sĩ tuổi thất thập cổ lai hy

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những bóng lưng còng, những khuôn mặt nhăn nheo đầy dấu vết thời gian và nước mắt của các mẹ không thể nào vui trọn vẹn, ngày mẹ tiễn chồng và con đi chiến trường, mẹ cũng chẳng thể ngờ đến giây phút cuối cùng chia xa cũng không có. Bước ra từ chiến trường, chứng kiến bao cảnh chia ly đau thương, với tư cách là đồng đội, đồng chí của con của các mẹ, họa sĩ Đặng Ái Việt, tên thật là Đặng Thị Bông (sinh năm 1948), người con của miền sông nước Tiền Giang vẫn luôn ấp ủ ước mơ làm một điều gì đó thật ý nghĩa để tri ân những hy sinh thầm lặng của các mẹ. Mong muốn ấy được bà ấp ủ từ lúc còn là giảng viên Đại học Mỹ thuật Tp.HCM mãi đến tận ngày về hưu mới có thể thực hiện.

Bà chia sẻ: “Muốn làm một điều gì đó tri ân cho những người mẹ của Tổ quốc này. Năm 1994, nhà nước có tri ân với các mẹ, phong các Mẹ Việt Nam anh hùng. Cục người có công cho tôi biết rằng chúng ta có trên dưới 50 ngàn Mẹ Việt Nam anh hùng. Vì vậy tôi quyết tâm đầu tư vào đề tài nhân chứng lịch sử và bắt đầu thực hiện từ năm 1995”. Mọi công việc chuẩn bị cho dự án đã được họa sỹ Việt chuẩn bị thấu đáo, nhưng đến năm 2007, chồng họa sỹ Đặng Ái Việt, đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Khắc đột ngột qua đời. “Với tôi sự ra đi của ông xã là nỗi mất mát lớn lắm”, họa sỹ bùi ngùi. Thế nhưng xếp gọn nỗi đau riêng, họa sỹ vẫn quyết tâm thực hiện dự án đã đề ra và đây cũng là thực hiện một lời hứa với người chồng, người đồng đội của bà.

hoa-si-dăng-ai-viet-va-hanh-trinh-8 năm-rong-ruoi-khac-hoa-chan-dung-gan-1700-ba-me-viet-nam-anh-hung-2
Họa sĩ Đặng Ái Việt bên Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị  Thành

hoa-si-dăng-ai-viet-va-hanh-trinh-8 năm-rong-ruoi-khac-hoa-chan-dung-gan-1700-ba-me-viet-nam-anh-hung-3
Suốt 8 năm ròng rã, cuộc sống của bà vui nhất là khi được gặp các mẹ, được khắc họa “linh hồn” các mẹ

Ngày 19/2/2010, chuyến hành trình đầy chông gai mang ý nghĩa lớn lao ấy bắt đầu, hơn 8 năm dài đằng đẵng, cùng với con “ngựa sắt” hiệu Chaly cũ chất đầy đồ đạc tự chuẩn bị cùng màu vẽ, bà rong ruổi khắp mọi miền tổ quốc, từ Bắc chí Nam, từ nơi địa đầu tổ quốc Lũng Cũ đến Đất Mũi, Cà Mau, hơn 40.000 km, không nơi đâu thiếu dấu chân của nữ họa sĩ già tràn đầy nhiệt huyết.

“Mình tự đi làm, không ai phân công, mà cũng không hề thuê mướn gì cả, đây là công việc của trái tim, mà trái tim có tiếng nói của trái tim và trái tim là cũng quyết liệt dữ lắm”. Đúng như vậy, có chăng thì hạn chế về sức khỏe, còn quyết tâm và niềm tin của bà thì luôn cháy bỏng, với bà, còn khỏe, còn đi, còn khỏe thì còn đến gặp các mẹ, bà tự nhận mình là hạt cát lang thang, hạt cát ấy đến mỗi nơi đều mang cho các mẹ chút niềm vui nhỏ, thêm vào những cuộc đời không trọn vẹn, những khuôn mặt nhăn nheo, đôi mắt mù lòa vì khóc ấy chút ấm áp, quan tâm, chỉ sợ đến không kịp sẽ hối hận cả đời…

hoa-si-dăng-ai-viet-va-hanh-trinh-8 năm-rong-ruoi-khac-hoa-chan-dung-gan-1700-ba-me-viet-nam-anh-hung-4
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Mãnh

hoa-si-dăng-ai-viet-va-hanh-trinh-8 năm-rong-ruoi-khac-hoa-chan-dung-gan-1700-ba-me-viet-nam-anh-hung-5
Mẹ Trần Thị Tư

Tính đến nay gia tài của bà là gần 1700 bức chân dung của các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Với mối quan hệ của bà thì không khó để có thể lấy tư liệu của các mẹ và nhận được nguồn tài trợ nhưng bà không muốn, bà muốn đến tận nơi ôm các mẹ, đối với bà, mỗi bức chân dung không phải đơn giản là đặc tả khuôn mặt các mẹ mà bà đang vẽ linh hồn các mẹ. Tuy mỗi mẹ mỗi vẻ, nhưng chân dung họ đều toát lên điểm chung là sự can trường khi mất đi những người thương yêu nhất vì đất nước. “Khi gặp các mẹ, tôi đều có cảm nhận rằng tôi là con của các mẹ, một đứa con chưa từng gặp mặt, một đứa con từ phương xa tới. Vì tôi chính là đồng đội của con các mẹ. Mỗi câu chuyện của các mẹ đều rất bi hùng. Với các mẹ miền Nam, khi các con đi chiến đấu, người nào mất, người nào còn là biết liền. Nhưng với các mẹ ở miền Bắc có con vào chiến trường miền Nam chiến đấu, đến giờ vẫn thấp thỏm chờ con”, họa sĩ chia sẻ.

Và điều mà bà trân trọng và quý nhất là vẽ 1700 bức chân dung có cũng là lúc bà trao 1700 nụ hôn cho những người phụ nữ vĩ đại ấy, có lẽ đây là điều mà cả thế giới không ai làm được và cũng không ai có thể hiểu hết được khoảnh khắc trao gửi thiêng liêng ấy. Bà nói “Cái hôn ở đây có ý nghĩa rất lớn. Người mẹ khi sinh con ra thường hôn con từ đầu đến chân, nhưng khi người con lớn lên, nhất là người con trai mười bốn tuổi trở lên thì mấy khi hôn mẹ? Thế nên, tôi hôn không phải cho riêng tôi, mà hôn giùm cho các liệt sĩ, như một cách tri ân các đấng sinh thành của đồng đội, đồng chí, bạn bè tôi vậy”.

“Mẹ già như chuối chín cây”, thời gian không chừa một ai…

Để tạo được công trình về chân dung các mẹ thì theo như họa sĩ là không phải ngủ một giấc sáng dạy xách xe ra khỏi nhà và bắt đầu đi vẽ mà người họa sĩ vừa tròn 70 tuổi này đã phải tập luyện rất nhiều. Bà phải tập về sức chịu đựng, tập nhịn đói đề phòng trường hợp lạc trong rừng còn có thể chịu được, bà còn phải học những kỹ năng cần thiết để có thể sửa chữa “anh bạn đồng hành” Chaly mỗi khi dở chứng, trang bị những kiến thức, kỹ năng về băng rừng vượt núi. Tuy nhiên, cũng có lẽ trải qua thời cơ cực trong chiến trường, đi lên từ sương gió, mưa giông và bom đạn nên sức khỏe và sự chịu đựng của bà mới bền bỉ như thế. 

Dân tộc ta phải trải qua một thời kỳ dài chìm trong đau thương và khắc nghiệt, người đã hy sinh thân mình cứu cả dân tộc, đem lại sự vẻ vang cùng nỗi bi thương hằn sâu lên những người ở lại, có thể 50 năm nữa chúng ta sẽ không còn được thấy các mẹ bằng da bằng thịt nữa, vì thế với công trình này, bà muốn lưu lại cho thế hệ mai sau, cho các lớp trẻ đang ngồi đây để các bạn thấy được, ghi nhớ được sự hi sinh của các anh, các mẹ. “Mẹ già như chuối chín cây”, cả nước còn hơn 4000 bà mẹ Việt Nam anh hùng nữa, bà mới đi được gần nửa chặng ấy, đâu biết lúc nào mẹ sẽ ra đi về với các anh, vì thế mà bà không ngừng nỗ lực và cố gắng để có thể đến cạnh các mẹ.

hoa-si-dăng-ai-viet-va-hanh-trinh-8 năm-rong-ruoi-khac-hoa-chan-dung-gan-1700-ba-me-viet-nam-anh-hung-6
Mẹ Lê Thị Hàng với đôi mắt u buồn, mẹ có 3 người con hy sinh trong chiến tranh

hoa-si-dăng-ai-viet-va-hanh-trinh-8 năm-rong-ruoi-khac-hoa-chan-dung-gan-1700-ba-me-viet-nam-anh-hung-7
Mẹ Võ Thị Dệt

hoa-si-dăng-ai-viet-va-hanh-trinh-8 năm-rong-ruoi-khac-hoa-chan-dung-gan-1700-ba-me-viet-nam-anh-hung-8
Người mẹ dân tộc, Mẹ Việt Nam anh hùng Lò Thị Pánh

Có lần vượt đèo, vượt núi đến điểm địa đầu Lào Cai thì bà hay tin các mẹ ở đây đã không còn nữa đã khiến bà rất buồn. Rồi có những bà mẹ khiến họa sĩ Đặng Ái Việt lặng người. Khóc vì thương mẹ. Khóc vì thấy mình nhỏ bé trước tượng đài sừng sững mà quá đỗi giản dị ấy. Lần đến gặp mẹ Nguyễn Thị Nghí ở xã Đại Minh, Yên Bình (Yên Bái) thì mẹ bị ốm, hơi thở héo hắt. Bà không định vẽ nhưng các con mẹ năn nỉ tha thiết. Trong nhật ký, bà viết: “Nhìn lên bàn thờ, 3 bằng Tổ quốc ghi công và những di ảnh liệt sĩ như nhìn mình trách móc, tôi quyết định vẽ. Vẽ trong nước mắt. Mẹ cũng cảm nhận nỗi niềm xúc động của họa sĩ. Mẹ yên lặng, mắt chớp chớp. Mẹ đang vui đấy. Cho một vài nét nhấn bắt được niềm vui của mẹ như nắng hoàng hôn sắp tắt nhưng vẫn lóe lên màu tím cuối chân trời”.

hoa-si-dăng-ai-viet-va-hanh-trinh-8 năm-rong-ruoi-khac-hoa-chan-dung-gan-1700-ba-me-viet-nam-anh-hung-9
Chân dung Mẹ Nghí

Đến vẽ mẹ Bùi Thị Dậy ở Quảng Ngãi, bà nghẹn ngào khi gặp mẹ không phải ở nhà mà mẹ đang bán khoai lang ngoài chợ nhỏ. Mẹ nhặt từng củ khoai văng ra ngoài, gom lại cho khách chọn lựa.

Mẹ Trần Thị Thảo ở ấp Song Bình, Bến Tre, có 3 người con đều hy sinh trong chiến trường, trong một năm 1973, cách nhau một tuần lễ, mẹ nhận được tin các anh hy sinh, mỗi lần nhận được giấy báo tử mẹ lại ngất xỉu, 3 lần ngất xỉu, hỏi có nỗi đau nào đau đớn hơn thế.

Có mẹ yếu quá, ngồi dậy không nổi. Hơi thở đứt quãng mà đôi mắt vẫn ngóng hoài ra cửa mong bóng dáng thân yêu của người con bặt tăm phương xa. Nỗi ngóng trông vô vọng ngày này qua tháng khác vẫn khắc khoải theo hơi thở dần tàn. Đôi tay bà run run chẳng thể nào họa nổi ảnh mẹ. Buông cọ, bà mặc nước mắt rơi lã chã. Đôi mắt mờ lòa trông con mòn mỏi và chiếc bàn thờ vọng ám ảnh bà trên đường về.

hoa-si-dăng-ai-viet-va-hanh-trinh-8 năm-rong-ruoi-khac-hoa-chan-dung-gan-1700-ba-me-viet-nam-anh-hung-10
Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Dậy

hoa-si-dăng-ai-viet-va-hanh-trinh-8 năm-rong-ruoi-khac-hoa-chan-dung-gan-1700-ba-me-viet-nam-anh-hung-11
Bà Mẹ Việt Nam anh hùng vĩ đại nhất, bà có chồng, 9 người con trai, một con rể và 2 cháu ngoại đều hy sinh trong chiến tranh. Đây là những giây phút cuối đời của Mẹ Thứ được họa sỹ Đặng Ái Việt ghi lại bằng ký khi Mẹ đang nằm trên giường

Ngày 27/7/2017, 1 năm trước, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, họa sĩ Đặng Ái Việt đã tổ chức buổi triển lãm 100 bức chân dung (trong tổng số 1.475 chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng mà bà đã kịp vẽ trong suốt 7 năm) và cùng giao lưu với các bạn trẻ tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM).

hoa-si-dăng-ai-viet-va-hanh-trinh-8 năm-rong-ruoi-khac-hoa-chan-dung-gan-1700-ba-me-viet-nam-anh-hung-12
Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Viết. Mẹ có 7 người con hy sinh trong chiến tranh và được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Bà mẹ Việt Nam anh hùng cao tuổi nhất”.

Tại buổi triển lãm, dưới nét vẽ của họa sĩ Đặng Ái Việt, chân dung các mẹ hiện lên vừa hiền từ, nhân hậu vừa bất khuất và đặc biệt là đôi mắt u buồn nén chứa nỗi đau thương. Mỗi bức chân dung đều được họa sỹ ghi lại vắn tắt về các mẹ để người xem có thể hiểu rõ hơn nỗi mất mát và những hy sinh của các mẹ. Buổi triển lãm đã thu hút nhiều người trẻ đến tham dự để được xem, được nghe câu chuyện về chuyến hành trình về với mẹ của họa sĩ.

“Chủ đề xuyên suốt chuyến hành trình của tôi có tên là hành trình nếp thời gian. Bởi tôi đang ghi lại từng nếp thời gian trên gương mặt các mẹ, các nếp gấp đó có thể nói là không một tác phẩm nghệ thuật nào có thể tả hết được vì đó là tác phẩm của tạo hóa. Thời gian đã để lại trên gương mặt các mẹ những hằn sâu những ký ức nhưng ký ức đó không bình thường mà là đau thương, là những mất mát, là nỗi niềm bi hùng gấp vào trong từng nếp nhăn trên gương mặt của các mẹ. Và tôi đi tìm những nếp gấp đó rồi lưu nó lại trong từng tác phẩm ký học của mình”, bà chia sẻ.

Ở tuổi 70, họa sĩ Đặng Ái Việt nói bà chỉ tiếc nuối rằng không còn nhiều thời gian để tiếp tục có thể vẽ các mẹ Việt Nam anh hùng nữa. Hy vọng bà giữ gìn sức khỏe, tiếp tục hành trình ý nghĩa, phi thường và có lẽ là độc nhất này. 

hoa-si-dăng-ai-viet-va-hanh-trinh-8 năm-rong-ruoi-khac-hoa-chan-dung-gan-1700-ba-me-viet-nam-anh-hung-13
Họa sĩ Đặng Ái Việt giao lưu cùng khán giả trong triển lãm “Hành trình về với mẹ”

hoa-si-dăng-ai-viet-va-hanh-trinh-8 năm-rong-ruoi-khac-hoa-chan-dung-gan-1700-ba-me-viet-nam-anh-hung-14
Bà bên cạnh những điều quý giá nhất của mình

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *