Hà Lan đã sử dụng thiết kế kiến trúc để “nuôi sống” cả thế giới như thế nào.

Để tạo ra năng suất cao, người Hà Lan đã chủ yếu sử dụng nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, tạo thành những khối nhà khổng lồ trải khắp vùng ngoại ô phía Nam Hà Lan, một số khu vực có diện tích lên tới 175 mẫu Anh, tiêu biểu như có thể thấy được qua bộ sưu tập ảnh của Tom Hegen mang tên The Green house series. Tính trên cả nước, khu vực diện tích của những khối nhà kính này lên tới 58 km vuông, lớn hơn 56% tổng diện tích của đảo Manhattan – Mỹ.

 

 

Ở vùng Westland Hà Lan, hay còn được đặt tên bởi kênh National Geographic: “Thủ phủ nhà kính của Hà Lan”, hàng dãy nhà kính được đặt sát cạnh nhau, biến thành những mối nối lấp đầy khoảng trống giữa vùng ngoại ô và đô thị, giữa những cánh đồng và nhà máy công nghiệp. Kênh National Geographic đã miêu tả khu vực này như một “tấm gương khổng lồ” trải dọc vùng đồng quê, phản chiếu lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời và tỏa ra những ánh sáng mê hoặc dưới ánh trăng đêm.

 

 

Phía dưới những tấm mái bằng kính là hệ thống tưới tắm tự động và hệ thống địa nhiệt tối tân được lắp đặt để cho ra một sản lượng khó đâu sánh bằng chỉ với lượng tài nguyên và chi phí tối thiểu. Lấy ví dụ, người Hà Lan chỉ sử dụng chính xác 1.1 gallon (~3.8 lít) nước cho mỗi pound (~500 gam) cà chua trồng được, tiết kiệm hơn hẳn so với con số trung bình được thống kê trên toàn cầu (25.6 gallon/pound). Một số người có thể cho ra sản lượng lên tới 100 triệu trái cà chua mỗi năm với chỉ 14 héc ta đất nhờ việc tính toán chính xác nhiệt độ và độ ẩm, cũng như kiểm soát được mức độ ô nhiễm và sâu mọt trong một môi trường khép kín và an toàn.

 

 

Để tạo nên hiệu suất đáng kinh ngạc này, người Hà Lan cũng đã có những tính toán rất kĩ lưỡng trong quá trình thiết kế từng căn nhà kính, có thể kể đến như phần mái được lớp hai lớp, nhằm duy trì mức nhiệt ổn định, phù hợp, hay phần khung nhà được lắp đặt bằng thép không gỉ với trọng lượng nhẹ để có thể gia cố và điều chỉnh tùy lúc, đồng thời cũng tránh làm cản trở ánh sáng tự nhiên chiếu vào. Thậm chí, ở một số dự án sáng tạo hơn, như Dujivestijn Tomatoes còn được lắp đặt hệ thống truyền khí CO2 phát thải từ một nhà máy dầu gần đó để tối ưu hóa khả năng phát triển của cây; hay hệ thống đèn LED phát sáng suốt đêm để giúp cho cây có thể phát triển ngay cả khi trời tối. Có thể nhận thấy qua những bức ảnh trong bộ sưu tập của Tom Hegen, ánh sáng phát ra từ những khối nhà kính phần lớn vẫn nằm gọn bên trong mà không hề bị lọt ra ngoài quá nhiều. Điều này xảy ra bởi pháp luật Hà Lan đã quy định 98% ánh sáng điện phải được thu hẹp trong phạm vi nhà kính bằng cách sử dụng màn che ánh sáng để giảm thiểu mức độ ô nhiễm ánh sáng.

 

 

Những công trình kiến trúc dọc khắp đất nước này chính là kết quả của những ký kết và sáng kiến mới được đề ra tính từ đầu thế kỷ đến nay. Vào đầu những năm 2000, Hà Lan đã đề ra mục tiêu quyết tâm áp dụng hình thức trồng cây nông nghiệp dài hạn trong nhà kính, từ đó cắt giảm đáng kể mức sử dụng thuốc trừ sâu, đồng thời giảm việc sử dụng chất kháng sinh trong nông nghiệp đi 60%. Đóng vai trò mũi nhọn chèo lái những sáng kiến nông nghiệp này chính là trường đại học/viện nghiên cứu Wageningen (WUR) – một trong những tổ chức hàng đầu thế giới về nghiên cứu sản xuất nông nghiệp. Với sự phát triển không ngừng về ứng dụng khoa học và kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, vùng nông thôn như ở Hà Lan hay bất kì quốc gia nào sẽ phải thích nghi và thay đổi để có thể đáp ứng nhu cầu gia tăng theo từng ngày của dân số đô thị, dần rũ bỏ vẻ đồng quê bình dị, tự nhiên để biến chuyển trở nên hiện đại hơn, tự động hóa hơn.

 

 

Sự đổi mới về mặt kiến trúc và thiết kế tại nông thôn dự đoán sẽ còn gia tăng mạnh trong những năm tới nhằm theo kịp nhu cầu của dân số đô thị đông đảo. Ước tính rằng, tới năm 2050, dân số thế giới sẽ đạt đến mức 10 tỉ từ con số 7.8 tỉ dân như hiện giờ. Do đó, nền nông nghiệp trong tương lai sẽ cần đến sản lượng hoa màu lớn hơn gấp nhiều lần hiện tại, đồng thời sử dụng ít năng lượng tự nhiên hơn (đất, nước, ánh sáng). Có thể thấy, Hà Lan đang là đất nước đi đầu xu thế này khi đã áp dụng các loại hình kiến trúc và thiết kế kiểu mới trong nông nghiệp, kết hợp khéo léo giữa nông thôn và thành thị, cũng như giữa việc sản xuất nông nghiệp và quá trình đô thị hóa.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *