Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật điêu khắc
Nghệ thuật tạo hình đã gắn liền với lịch sử nhân loại từ thủa hoang sơ bằng những bức bích họa trong các hang động, bằng những môtíp trang trí được chế tác một cách thô sơ: vòng tay, vòng cổ, khuyên tai…Với quá trình phát triển, yếu tố thẩm mỹ được nâng cao và được thể hiện ngày càng quy mô và tinh xảo.
Lịch sử của nghệ thuật điêu khắc đã theo bước chân nhân loại để tạo nên những nền nghệ thuật vĩ đại như Ai Cập cổ đại với những tượng danh tiếng của lịch sử mỹ thuật như tượng Nhân sư khổng lồ, tượng Viên thư lại ngồi, tượng “Ông trưởng thôn” hay tượng chân dung Hoàng hậu Nefertiti…
Sau đó là nghệ thuật Hy Lạp với những kiệt tác như những tượng thần Venus, tượng Laocoon, tượng Nữ thần chiến thắng …
Rồi thời Phục Hưng đã làm cho nước Ý trở thành trung tâm mỹ thuật châu Âu với những tượng David, tượng Pieta, tượng Thần đưa tin…
Nghệ thuật Á Đông lại có đặc thù riêng và để lại cho nhân loại những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng về tôn giáo, trong đó điêu khắc Ấn Độ có ảnh hưởng sâu rộng nhất.
Riêng nghệ thuật điêu khắc của Việt Nam ta, kể từ thế kỷ 11 đã đạt đến trình độ nghệ thuật khá cao như các tượng La Hán ở chùa Tây Phương, tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp, hoặc những hình trang trí độc đáo được chạm khắc trên đá, gỗ, gạch rất nhiều trên các lăng tẩm, cung điện, chùa chiềng, đình làng. Góp mặt để làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật điêu khắc đặc sắc của dân tộc là điêu khắc của dân tộc Chăm ở phía Nam, dân tộc Ê Đê , Gia Rai, Ba Na…ở Tây nguyên. Cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, rõ ràng điêu khắc là một bộ phận không thể tách rời của cuộc sống loài người nói chung và nghệ thuật tạo hình nói riêng.
Điêu khắc là gì?
Điêu khắc là một môn nghệ thuật mà người nghệ sĩ tác động vào những hình khối gọn gàng, tinh tế nhất nhằm thể hiện 1 hay nhiều ý nghĩa của tác phẩm. Có thể là tượng đài (tượng đồng, đá, bê tông,…), có thể là biểu tượng (con sư tử vàng ở Lasvegas chẳng hạn), có thể là bích trương (hàng loạt bích trương ở Mêhicô là tác phẩm của các nhà điêu khắc chứ không phải họa sỹ) hay các phù điêu thạch cao (đền Parthenol), đồng,… Điêu khắc là một nghệ thuật tạo hình, tồn tại trong không gian 3 chiều để thể hiện ý tưởng của tác giả ngôn ngữ của điêu khắc cơ bản là mảng khối. Điêu khắc còn là hình thức đắp nổi hoặc khoét lõm với chiều dài, rộng là thực còn phần nổi mang tính ươc lệ về khối. Điêu khắc gồm 2 thể loại chính: phù điêu, tượng tròn.
Phù điêu
Phù điêu là loại điêu khắc được thể hiện trên mặt phẳng, có sự gắn kết khăng khít với mặt phẳng. Mặt phẳng đóng vai trò là nền tảng cơ bản và là phông nền của hình khối tạo hình trên nó.
Tượng tròn
Tượng tròn – là dạng tượng mà người ta có thể đi vòng xung quanh để xem; khác với kiểu tượng hoặc phù điêu gắn lưng vào tường.
Các phương pháp tạo hình
Tạc
Tạc là một phương pháp mà trong đó người nghệ sĩ thao tác chủ yếu trên chất liệu rắn như đá, gỗ,… để tạo hình. Ở phương pháp này, người nghệ sĩ chủ yếu dùng búa đục loại bỏ những “phần thừa” trên chất liệu để tạo ra một sản phẩm mong muốn.
Nặn
Ngoài ra, đất cũng là một chất liệu để tạo hình bằng cách nặn. Đất nặn thành tượng hoặc phù điêu có thể nung để thành tác phẩm điêu khắc gốm, hoặc có thể đúc thành khuôn.
Đúc
Đúc là phương pháp sử dụng khuôn mẫu có sẵn do chế tác, sau đó dùng chất liệu lỏng hoặc nấu chảy lỏng đổ vào khuôn, sau khi đông đặc, người nghệ nhân sẽ tháo bỏ lớp khuôn bên ngoài ra và thu được tác phẩm đúc. Các chất liệu đúc: đồng, nhôm, gang, thạch cao, xi măng, nhựa
Đồ gốm cũng có thể đúc, người ta còn gọi là đổ rót và in đất.
Gò
Gò là phương pháp sử dụng dụng cụ tác động trực tiếp lên chất liệu cần thể hiện nhằm tạo ra hình thù người nghệ nhân mong muốn. Chất liệu cho gò là kim loại được cán mỏng.