Thuật ngữ “Concept Art” được sử dụng rộng rãi trước tiên bởi các nhà thiết kế trong ngành chế tạo ô tô và sản xuất trò chơi điện tử truyền thống. Kể từ sau năm 1930, Concept Art đã chính thức được sử dụng bởi các nhà làm phim hoạt hình, như là một công cụ không thể thiếu trong việc trình bày các ý tưởng về màu sắc, chất liệu, tâm trạng, tình huống… của một cảnh phim hoàn chỉnh. Sau đó nó tiếp tục trở thành một phần trong tiến trình sản xuất của ngành công nghiệp Trò chơi điện tử, khi mà những bức vẽ các chi tiết “đồ chơi”, nhân vật, cảnh trí sẽ giúp các khâu thiết kế kế tiếp dễ dàng hình dung ra và đi sâu vào việc hoàn tất các chi tiết bổ sung.
Concept Art là gì?
Trong ngành công nghiệp giải trí, Concept Art là khâu trung gian chuyển tải ý tưởng từ nhà biên kịch, người sáng tác kịch bản thành các bản vẽ sơ phác (cũng có khi hoàn chỉnh) miễn sao tạo thuận lợi tối đa cho các khâu kế tiếp nó, bảo đảm thành quả cuối cùng là đồng nhất với ý tưởng ban đầu.
Concept Art là một dạng của tranh minh họa với mục đích trình bày những ý chính mang tính chất thị giác của một thiết kế, ý tưởng hay một tâm trạng sẽ được sử dụng trong một bộ phim, một trò chơi điện tử hay một quyển truyện tranh trước khi nó được sản xuất và phát hành một cách chính thức. Nói một cách đơn giản, Concept Art là phác họa ý tưởng, yêu cầu của 1 bản vẽ concept và chỉ dừng ở mức cho người xem có khái niệm về ý tưởng cũng nắm được thông tin chung về bản thiết kế.
Nói một cách tổng quát, Concept Art như một chuyên gia chuyển ngữ các suy nghĩ, ý tưởng trừu tượng mơ hồ thành nhưng cái mà chúng ta có thể nhìn thấy và hiểu rõ bằng mắt thường. Chính vì tầm quan trọng này mà nó có mặt trong hầu hết các lĩnh vực liên quan tới thiết kế.
Vai trò của Concept Art
Có thể nói, Concept Art được xem là bước đầu tiên trong quá trình hoàn thiện sản phẩm. Nhờ vào Concept Art, người ta sẽ có được những thiết kế ban đầu của sản phẩm và qua đó những quá trình tiếp theo liên quan đến sản phẩm mới có thể được bắt đầu.
Ví dụ như phải có phiên bản Concept của 1 nhân vật trong game thì các bộ phận khác mới có thể bắt tay vào xây dựng nhân vật đó. Hay nói gần đây hơn là phim Pirates of the Caribbean: Dead Man’s Chest, để có được nhân vật thuyền trưởng Davy Jones trong phim thì phải có được thiết kế hoàn thiện nhân vật đó như thế nào. Sau đó các bộ phận hóa trang và phục trang mới bắt tay vào xây dựng theo hình tượng mà bản thiết kế đã đưa ra. Đến cuối cùng, bộ phận xử lý kỹ xảo mới chung tay giúp cho hình ảnh nhân vật này trở nên sống động hơn, thật hơn trong phim và sản phẩm hoàn thiện.
Phân loại Concept Art
Cũng như tất cả những hình thức khác, Concept Art cũng có những phân loại riêng của nó. Trong đó bao gồm Character Design, Environment Design, Creature Design và Industrial Design.
– Character Design: Là một hình thức thiết kế liên quan đến nhân vật là chủ yếu. Những nhân vật này rất đa dạng, có thể là những chàng cao bồi hay các võ sĩ samurai..v..v..đôi khi là những nhân vật không tưởng như các Người Nhện, Người Dơi, người đột biến trong phim X-Men, chúa quỷ Sauron trong The Lord of the Rings …
– Environment Design: Là một hình thức thiết kế tập trung chủ yếu vào đến cảnh quan và đưa ra những khái niệm về các khu vực, cảnh trí. Đó có thể là thiết kế của những toà cung điện nguy nga lộng lẫy, những thành phố sau chiến tranh..v..v..cho đến một không gian nội thất bên trong 1 nhà hàng sang trọng, một nhà hát opera trong không trung chẳng hạn. Những thiết kế cảnh quan này sẽ là tiền đề để xây dựng nên các khu vực cảnh quan cần thiết cho các quá trình làm game, phim.
– Creature Design: Là một dạng thiết kế sinh vật, quái vật dùng cho game, phim và cả truyện tranh. Những sinh vật này có thể là các sinh vật phản diện, chính diện hoặc chỉ hỗ trợ cho 1 chủ đề nào đó. Tuỳ theo mục đích và vai trò của con vật đó trong cốt truyện mà nó có thể ghê tởm như Alien trong series Alien vs Predator hay dễ thương và đáng yêu như các con thú trong Pokémon.
– Industrial Design: Là một hình thức thiết kế các mẫu liên quan đến công nghiệp, máy móc, cơ khí..v..v..Đó có thể là các mẫu xe tăng, máy bay trong tương lai dành cho các phim, game khoa học viễn tưởng, hoặc cũng có thể là các bộ phận cơ khí, những máy móc phục vụ cho mục đích nào đó của con người..v..v..không chỉ phục vụ cho mục đích giải trí, industrial design còn là nơi để các công ty chuyên sản xuất các phương tiện cơ giới “gởi gắm niềm tin” mỗi khi họ muốn có một mẫu mã mới.
Kết luận
Như các bạn cũng đã biết rằng các phim điện ảnh, phim hoạt hình, game,…hiện nay đều dùng kỹ xảo máy tính để tạo nên các nhân vật, cảnh quan hoàn toàn độc đáo và lạ mắt. Vậy thì để có ý tưởng cho các nhân vật và cảnh quan này, người ta sẽ phải nhờ đến các Concept Artist – những người sẽ đảm đương vai trò và trọng trách trong việc thiết kế, tạo hình ra những nhân vật hay các cảnh quan này trước khi chúng được đưa vào sản phẩm xuối cùng.
Có lẽ Concept Artist có thể là 1 ngành nghề còn rất mới ở Việt Nam vì những sản phẩm đòi hỏi ngành nghề này vẫn còn chưa phát triển hoặc chỉ đang trong giai đoạn “mới chớm nở”. Tuy nhiên, trong một tương lai gần nếu như các ngành công nghiệp giải trí phát triển rộng và những ngành như game, điện ảnh..v..v..lại đòi hỏi một môi trường chuyên nghiệp hơn thì đó sẽ là khi ngành Concept Art được thăng hoa và phát triển.
Và một điều quan trọng nữa, nghề concept không còn xa lạ ở Việt Nam mà đã trở thành phổ biến rộng rãi ở Việt Nam hiện nay, ai cũng có thể trở thành concept artist nếu có niềm đam mê về cartoon hoặc game…