CHUCK CLOSE: Tấm gương sáng với nghị lực phi thường của nền hội họa thế giới

Chuck Lose: Sự nghiệp hội họa

Lịch sử hội họa phương Tây cấu thành hai nhóm họa sĩ nổi bật: nhóm ủng hộ, phát triển và nhóm đối kháng các phong trào nghệ thuật thời trước. Là một họa sĩ có tiếng vang vào những năm 1960, Chuck Close đã bác bỏ mọi giá trị Trường phái Trừu tượng, phong trào nghệ thuật chính thống đầu tiên tới từ Mỹ. Thực tế, vào giai đoạn đầu bén duyên với hội họa, như những họa sĩ trẻ đương thời, Chuck Lose từng tìm hiểu về các trường phái nghệ thuật chính thống, tuy nhiên, sau cùng, ông đã quyết định xây dựng phong cách riêng nhằm tạo dấu ấn độc nhất cho các tác phẩm của mình. Ông phản đối sự phóng khoáng thuộc Chủ nghĩa Trừu tượng để hướng tới Trường phái Tả thực với những yêu cầu khắt khe hơn về chủ đề cũng như kỹ thuật vẽ. Close bắt đầu thực hiện những bức họa chân dung với quy mô lớn theo phong cách Photorealism (ảnh hiện thực), một loại hình nghệ thuật mới mẻ lúc bấy giờ.

Nhân vật xuất hiện trong tranh của Chuck Close thường là chính ông, gia đình hay bạn bè thân thiết (mà hầu hết là bạn bè cùng giới). Tuy nhiên, chủ thể trong đó thường được ẩn danh bởi sự xuất hiện của họ có thể chuyển hướng quan tâm của người thưởng thức khỏi giá trị mỹ học của tác phẩm. Vì vậy, danh họa luôn đặt tên các bức họa chân dung theo tên họ của nhân vật và phủ nhận mọi ngộ nhận về danh tính của họ bởi ”Bất cứ ai đủ tự tin chứng kiến bức chân dung cỡ lớn của mình cũng đều muốn được xóa đi những nhược điểm trên cơ thể.” 

hoa-si-chuck-close
‘Frank’, 1969. Tranh acrylic trên chất liệu canvas (108″x84″)
Chuck Close: Bức chân dung tự họa cỡ lớn

‘Big Self-Portrait’, bức chân dung tự họa đồ sộ có chiều cao 2,74 mét với hình ảnh khuôn mặt lớn gấp 50 lần thực tế là một trong những tác phẩm đầu tay của Chuck Close. Điểm đặc biệt của bức vẽ, họa sĩ chỉ sử dụng ‘một lượng nhỏ thuốc màu’ tương đương nửa thìa cà phê, hòa cùng nước sau đó vẽ bằng bút lông và bình sơn. Để có được một tác phẩm ấn tượng như vậy, họa sĩ sử dụng lưỡi dao cạo để khắc họa các chi tiết sắc nét kết hợp máy khoan gắn với tẩy để phác họa những mảng mềm mại hơn.

hoa-si-chuck-close
‘Big Self Portrait’, (1967-68). Tranh acrylic trên chất liệu canvas (107.5″x83.5″)

Kích cỡ của bức tranh cung cấp người thưởng thức nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Danh họa từng nói, ”Tôi không muốn người xem chỉ nhìn vào bề nổi tác phẩm mà coi đó là nét đặc sắc nhất”. Bạn có thể thưởng thức tác phẩm từ nhiều vị trí khác nhau trong căn phòng. Nếu đứng từ xa, nó giống như một bức ảnh kỹ thuật số. Tiến lại gần, bức vẽ lại mang hơi hướng của một bức tranh phong cảnh hoặc một tác phẩm trừu tượng. Đây chính là điểm đặc biệt và thú vị bởi nó mang những hướng nhìn đa dạng mà không làm suy giảm giá trị mỹ quan của tác phẩm.

hoa-si-chuck-close
Cận cảnh tác phẩm ‘Big Self Portrait’, 1967-68
Chuck Close: Sử dụng khung kẻ

Chuck Close cho rằng các tác phẩm nghệ thuật của ông chịu ảnh hưởng lớn từ những khiếm khuyết của bản thân về nhận thức (khả năng đọc và nhận diện khuôn mặt). Ông bắt đầu vẽ tranh chân dung với mục đích cải thiện khả năng ghi nhớ khuôn mặt. Những khiếm khuyết này cũng có ảnh hưởng nhất định tới kỹ thuật vẽ của ông. Để có thể tập trung vẽ từng mảng của bức tranh cỡ lớn, ông phác khung nền và cần mẫn hoàn thiện lần lượt từng chi tiết tương ứng với mỗi ô nhỏ. Như vậy, ông sẽ không gặp khó khăn trong quá trình hoàn thành tác phẩm.

Close học hỏi kỹ thuật này từ những tấm ảnh Polaroid. Ông dựng khung, chia nó thành nhiều phần theo đúng tỉ lệ. Thành quả cuối cùng là một bức họa giống như ảnh chụp và khung nền bên trên chính là minh chứng rằng từng chi tiết tương ứng với mỗi ô đểu quan trọng như nhau. Ông nhận định, “Tôi luôn chú trọng vào từng chi tiết của tác phẩm … Đôi khi tôi thấy khá bối rối khi phải kết hợp từng chi tiết để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh”. 

hoa-si-chuck-close
Bản gốc tác phẩm ‘Big Self Portrait’
Chuck Close: Khái niệm ‘All-overness’

Chuck Close luôn lưu tâm tới từng chi tiết trong tác phẩm. Đây cũng chính là yếu tố căn bản tạo nên danh tiếng của ông. ‘All-overness’, một thuật ngữ trong hội họa chỉ từng chi tiết cấu thành sản phẩm đều được chăm chút và có tầm quan trọng như nhau là một kỹ thuật người họa sĩ tiếp nhận từ Trường phái nghệ thuật Trừu tượng, đặc biệt từ những bức họa của Jackson Pollock hay Willem De Kooning. Khái niệm này từng xuất hiện trong Trường phái Siêu thực, Xu hướng Lập thể, Phong trào nghệ thuật tân Ân tượng và những tác phẩm hợp nhất của Cézanne. Không chỉ vậy, nó còn có nguồn gốc lịch sử từ nghệ thuật khắc chạm của người La mã và người Nguyên thủy. 

hoa-si-chuck-close
Một phần tác phẩm khảm La Mã cổ đại
Chuck Close: ‘Bi kịch’

Khi còn nhỏ, Chuck Close thường tìm tòi nhiều phương pháp sáng tạo giúp bù đắp và cải thiện khiếm khuyết về nhận thức. Tại trường học, được bạn bè ủng hộ và công nhận, ông đã tìm thấy niềm đam mê với bộ môn hội họa. Qua hội họa, ông có thể khẳng định bản thân. Sau đó, ông theo học cử nhân văn học tại trường đại học Washington và cử nhân đối ngoại tại Yale. Vào những năm 1980, Chuck Close đã gây dựng được danh tiếng nhất định trong nước. Không may, ngày 7 tháng 12 năm 1988, ông trải qua một tấn bi kịch, một cơn đột quỵ đã khiến ông tê liệt toàn thân và phải ngồi xe lăn suốt phần đời còn lại.

Nổi tiếng là người sống tích cực, Close tiếp nhận tai họa với một tâm thái bình tĩnh và lạc quan. Ông chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ nghệ thuật. Để có thể vẽ trở lại, ông đã trải qua hàng giờ liền trị liệu nhằm khôi phục chức năng của cánh tay cùng bàn tay. Từ đó, ông phải sử dụng một chiếc nẹp để cố định bút vẽ cùng giá vẽ đặc chế giúp xoay chỉnh bảng vẽ.

Trước tai họa, Close tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc mà ông tự đặt ra như một tham biến sáng tạo và đã hình thành vô vàn phương pháp cùng kỹ thuật tạo điểm nhấn cho mỗi tác phẩm. Tuy nhiên, sau sự kiện đó, ông bắt buộc phải điều chỉnh kỹ thuật vẽ sao cho phù hợp với khả năng cử động của mình mà vẫn đảm bảo năng lực truyền đạt của tác phẩm.

hoa-si-chuck-close
‘Chuck Close đang tiến hành bức chân dung tự họa’ (2004-05)

Tác phẩm đầu tay của Chuck Close trong giai đoạn hồi phục mang tên ‘Alex II’ (1989). Đây là một phép thử dựa trên tấm ảnh đen trắng Polaroid được chụp hai năm về trước với nhân vật chính là người bạn của ông, họa sĩ Alex Katz. Mặc dù bức chân dung mang phong cách quen thuộc, kỹ thuật vẽ của ông đã trở nên phóng khoáng hơn mà không bị gò bó bởi khung vẽ, bên cách đó, ông cũng đưa vào những gam màu táo bạo chưa từng được sử dụng trong thời kỳ trước. Bởi tác phẩm mẫu là một bức ảnh đen trắng, ông có thể thỏa sức sáng tạo với những màu sắc phong phú, phản ánh mâu thuẫn nội tâm với nỗ lực đạt độ chính xác cao về mặt thị giác. Có thể nói đây là một tác phẩm vô cùng táo bạo đồng thời là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp hội họa của Chuck Close. Thông qua các bức họa chân dung, người xem sẽ hiểu rõ hơn về tác giả mà không phải là nhân vật trong tranh, cũng như trong bức họa này, Alex Katz là người xuất hiện, tuy nhiên, chủ thể thực sự của bức tranh lại là Close cùng cuộc đấu tranh khẳng định bản thân. 

hoa-si-chuck-close
‘Alex II’ và hình ảnh cận cảnh (1989). Tranh dầu trên chất liệu canvas (36″x30″)
Chuck Close: ‘Nhịp điệu của những ô kẻ’

Ở thời kỳ sau, Close đã thử nghiệm đưa khung kẻ vào các tác phẩm của mình, có khi ông sử dụng khung kẻ ngang, có khi ông sử dụng khung kẻ chéo, đôi lúc ông điều chỉnh nó xoay quanh một tâm điểm. Các khung kẻ đóng vai trò quan trọng giúp hình thành cấu trúc bức tranh và đo lường tỉ lệ bức ảnh gốc. Bên cạnh đó, ông còn kiếm tìm thứ mà ông gọi là ‘Nhịp điệu của những ô kẻ’ –  những yếu tố thú vị chia hình ảnh thành từng phần cấu thành bức tranh hoàn chỉnh. Nhìn chung, kích thước của khung kẻ được tăng dần theo thời gian nhằm khuếch đại tính trừu tượng của sắc màu cùng các chi tiết trong bức vẽ. Như vậy, hiệu ứng của những gam màu sặc sỡ đã bù đắp cho những chi tiết tối giản.

Mặc dù các bức họa đen trắng thời đầu của Chuck Close luôn được đánh giá cao, người thưởng thức phải sử dụng tối đa trí tưởng tượng của mình để giải mã thông điệp ẩn chứa trong mỗi tác phẩm. Ngoài ra, cách ông áp dụng khung kẻ vào tác phẩm của mình còn khá mơ hồ. Về sau, Chuck Close đã cải thiện nhược điểm này. Ông kiểm soát cách thức tiếp cận của khán giả với tác phẩm một cách thận trọng hơn, lưu tâm hơn tới những chi tiết chấm phá cùng màu sắc được đưa vào bức tranh qua đó nhấn mạnh giá trị trừu tượng của tác phẩm cùng chức năng hình thành kết cấu của khung nền.

hoa-si-chuck-close
‘James’ và hình ảnh cận cảnh (2004). Tranh in lụa (62″x48″)

Có thể nói, kỹ thuật hội họa của Chuck Close khá ấn tượng. Không giống phần lớn họa sĩ, ông khuyến khích khán giả tiến lại gần để thưởng thức tác phẩm. Điều này cho thấy người nghệ sĩ phải hoàn toàn tin tưởng vào năng lực chuyên môn của mình và thực sự thấu hiểu hiệu ứng sắc màu đạt được qua mỗi bức vẽ.

Bước đầu thực hiện một bức họa chân dung, danh họa sẽ lựa màu nền cho từng phần riêng biệt. Màu sắc được lựa chọn phải có cùng tông với những phần tương ứng trên khung nền. Sau đó, ông bắt đầu họa từng mảng một với những hình phác khác nhau dựa trên những hình dạng căn bản như hình vuông, hình tam giác, góc vuông, hình tròn và hình thoi. Kết hợp những ô hình đã được tô màu ta sẽ có một bức họa hoàn chỉnh. Với nhiều năm kinh nghiệm, tác giả hiểu rõ quá trình mỗi chi tiết nhỏ trong từng ô kẻ tương tác với những chi tiết kế cận từ đó hình thành tông màu và sắc thái cho tác phẩm. Ai đó từng mỉa mai rằng những họa sĩ khởi đầu với phong cách đơn sắc rồi sẽ trở thành những nghệ sĩ sành sỏi về màu sắc. 

Các tác phẩm của Chuck Close thường được tiến hành dựa trên những tấm ảnh có sẵn và một khung nền với tỉ lệ chính xác. Đây cũng chính là yếu tố vấp phải sự phản đối của một số nhà phê bình bởi họ coi cách vẽ của ông là máy móc và thiếu sáng tạo. Thực tế, một vài họa sĩ nổi tiếng thời trước đã từng áp dụng kỹ thuật này, tiêu biểu là Claude Monet, Haystacks và Rouen Cathedral. Bởi vậy, tác phẩm của Close chỉ là sự kế tục các thế hệ đi trước. Ông nhấn mạnh rằng phong cách nghệ thuật của mình ‘đã xuất hiện từ trước, đã được đón nhận, đã có mặt và không hề liên quan tới toán học’. Nếu như Monet luôn phân tích chủ thể tác phẩm từ đó điều chỉnh nó dựa trên nền móng Trường phái nghệ thuật Ấn tượng, Chuck Close cũng nghiên cứu và xây dựng lại chủ thể bức tranh, mà theo cách gọi của ông là ‘biểu đồ khuôn mặt’.

hoa-si-chuck-close
‘Self Portrait’ và hình ảnh cận cảnh (1997). Tranh dầu trên chất liệu canvas, (102″x84″)
Chuck Close: Kỹ thuật vẽ tranh

Với năng lực sáng tạo của mình, Close đã sử hàng loạt kỹ thuật cùng chất liệu đa dạng bao gồm acrylic, dầu, nước màu, màu phấn, bột giấy, con dấu cao su, dây bện, kỹ thuật in, nghệ thuật cắt dán, tranh dệt thủ công, nhiếp ảnh, kỹ thuật tách màu in lưới CYMK, ảnh kỹ thuật số và kỹ thuật in dấu vân tay. Đây đều là những chất liệu và kỹ thuật phù hợp với phương thức hội họa của ông.

Các nhà phê bình nghệ thuật luôn muốn xếp Chuck Close vào nhóm nghệ sĩ theo Trường phái Photorealism (ảnh hiện thực) bởi các tác phẩm chân dung của ông thường được phác họa dựa trên những tấm ảnh Palaroid có sẵn khổ lớn. Ngoài ra, ông còn được liệt kê vào nhóm nghệ sĩ Đại chúng bởi tầm ảnh hưởng của ông tới nền nghệ thuật này. Cuối cùng, ông cũng được nhắc đến như một nghệ sĩ thuộc Chủ nghĩa Vị niệm. Thực tế, Chuck Close không khép mình vào bất cứ trường phái nghệ thuật nào. Ông chỉ đơn thuần là một họa sĩ tài năng, mỗi tác phẩm của ông đều mang dấu ấn riêng và chịu ảnh hưởng từ những phong cách nghệ thuật khác nhau. 

hoa-si-chuck-close
‘Phil Fingerprint / Random’ và hình ảnh cận cảnh (1979). Tác phẩm sử dụng kỹ thuật in dấu vân tay trên mực (40″x26″)
Thông tin cần ghi nhớ về Chuck Close
hoa-si-chuck-close
Chuck Close trong chiếc áo phông Philip Glass

– Chuck Close là một họa sĩ đương đại người Mỹ. Ông nổi tiếng với những bức họa chân dung quy mô lớn.

– Ông có đóng góp đáng kể trong việc hồi sinh nghệ thuật vẽ tranh chân dung khi trường phái trừu tượng đang phát triển mạnh mẽ.

– Các tác phẩm thời đầu của ông là tranh đen trắng mang hơi hướng Photorealism (ảnh hiện thực).

– Ông lấy cảm hứng từ Trường phái nghệ thuật Đại chúng, phong trào Pointillism với kỹ thuật pha màu theo phép trung bình cộng và nghệ thuật khắc chạm của người La Mã cổ đại.

– Ông dựng khung kẻ để chia bức thành vẽ nhiều phần theo đúng tỉ lệ và cần mẫn hoàn thiện từng phần của tác phẩm.

– Sau này, ông sử dụng khung kẻ để hình thành kết cấu bức vẽ.

– Kích cỡ của bức tranh cung cấp người thưởng thức nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Quan sát từ xa, mọi chi tiết kết hợp tạo thành một bức ảnh chân thật. Tiến lại gần, nó lại mang hơi hướng của một bức tranh phong cảnh hay một tác phẩm trừu tượng.

– Những khiếm khuyết về nhận thức (khả năng đọc và nhận diện khuôn mặt) ảnh hưởng lớn tới phong cách hội họa của ông.

– Vào năm 1988 ông trải qua một tấn bi kịch, một cơn đột quỵ đã khiến ông tê liệt toàn thân và phải ngồi xe lăn.

– Sau tai nạn, ông vẫn quyết tâm đi theo con đường hội họa.

– Ông phải sử dụng một chiếc nẹp để giữ được bút vẽ cùng giá vẽ đặc chế giúp xoay chỉnh bảng vẽ.

– Với năng lực sáng tạo của mình, Close đã sử hàng loạt kỹ thuật cùng chất liệu đa dạng trong tranh bao gồm acrylic, dầu, nước màu, màu phấn, bột giấy, con dấu cao su, dây bện, kỹ thuật in, nghệ thuật cắt dán, tranh dệt thủ công, nhiếp ảnh, kỹ thuật tách màu in lưới CYMK, ảnh kỹ thuật số và kỹ thuật in dấu vân tay.

MAI ANH/DESIGNS.VN

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *