Câu chuyện về sự sụp đổ của Paris Salon – Triển lãm nghệ thuật danh giá bậc nhất châu Âu

salon-1
François Joseph Heim, “Charles V Distributing Awards to the Artists at the Close of the Salon of 1827,” 1824 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Năm 1874, một vài họa sĩ tại Paris cùng nhau tổ chức một buổi triển lãm độc lập mà sau này được biết đến với tên gọi Ấn tượng, nhóm nghệ sĩ này đã tự mình trưng bày sản phẩm, tác phẩm điêu khắc, phớt lờ tiến trình chọn lọc tác phẩm khắt khe tại các triển lãm chính thống đương thời. Ngày nay, việc tổ chức triển lãm độc lập là một điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh của thế kỷ 19 tại Pháp, đó lại là một hành động cấp tiến, phá vỡ nguyên tắc của Salon – buổi triển lãm thường niên của các nghệ sĩ tại Paris. 

Khi đó, Salon là triển lãm nghệ thuật danh giá bậc nhất Paris. Nó được tổ chức thường niên bởi Académie royale de peinture et de sculpture (“Học viện Hội họa và Điêu khắc Hoàng gia”). Mỗi tác phẩm được trưng bày tại buổi triển lãm đều phải trải qua một quá trình chọn lọc nghiêm ngặt được tiến hành bởi ban hội thẩm. Điều đặc biệt là buổi triển lãm có thể trở thành một bậc thang cho các họa sĩ nhưng cũng có thể biến thành mồ chôn cho sự nghiệp của họ. Quan trọng nhất, nó có tầm ảnh hưởng rất lớn tới nghệ thuật châu Âu, là tiêu chuẩn hoặc thước đo cho nghệ thuật châu Âu.

Ngày nay, buổi triển lãm của các họa sĩ Ấn tượng có thể được coi như một sự phản kháng lại triển lãm Salon. Và chính hành động của họ đã mở đường cho hàng loạt buổi triển lãm độc lập tiếp theo. Và trước khi tìm hiểu sâu về hoạt động của buổi triển lãm Salon danh giá, ta cần hiểu rõ về sự ra đời của nó và mối liên hệ mật thiết với các học viện nghệ thuật tại Pháp.

Các học viện tại Pháp
salon-2
Jean-Baptiste Martin, “An ordinary assembly of the Royal Academy of Painting and Sculpture at the Louvre,” ca. 1712-1721 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Trong suốt thời kỳ Phục hưng, nghệ thuật phát triển vô cùng mạnh mẽ tại châu Âu. Ở Pháp bắt đầu xuất hiện hàng loạt các học viện nghệ thuật danh giá và nổi tiếng với mục đích thúc đẩy văn hóa Pháp. Vào năm 1570, nhà thơ Jean-Antoine de Baïf thành lập Académie de Poésie et de Musique (“Học viện Thơ ca và Âm nhạc”). Đây chính là học viện đầu tiên được ra đời tại Pháp, nhận sự bảo hộ của vua Pháp Charles IX, với sứ mệnh tái sinh nghệ thuật Cổ điển – đồng nhất với sứ mệnh của Académie royale de peinture et de sculpture (“Học viện hội họa và điêu khắc hoàng gia”).

Học viện Académie royale de peinture et de sculpture ra đời khoảng giữa thế kỷ 17. Nó cho phép tất cả các thợ thủ công và nghệ nhân trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Hai gương mặt nổi bật lúc bấy giờ là danh họa Charles Le BrunMartin de Charmois chính là người đề xuất ý tưởng này với vua Louis XIV, và được chấp thuận vào năm 1648. 

Một số học viện tiếp theo được thành lập bao gồm: Académie Royale de Danse (“Học viện Khiêu vũ Hoàng gia”) năm 1661; Académie Royale des Sciences (“Học viện Khoa học Hoàng gia”) năm 1666; Académie Royale d’Architecture (“Học viện Kiến trúc Hoàng gia”) năm 1671.

Để đạt được mục tiêu chung, các học viện đồng tổ chức buổi triển lãm thường niên mang tên Salon

Triển lãm Salon chính thức
salon-3
Jean-André Rixens, “Opening day at the Palais des Champs-Élysées,” 1890 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Triển lãm Salon giới hạn khách tham quan và nghệ sĩ trưng bày tác phẩm trong năm 1667. Buổi triển lãm nhận được sự tài trợ của hoàng gia Pháp và được tổ chức tại Salon Carré (phòng triển lãm mới được xây dựng tại Lourve), trưng bày tác phẩm của các học viên mới tốt nghiệp từ học viện Académie royale de peinture et de sculpture.

Mặc dù quy mô của buổi triển lãm ngày càng được cải thiện (năm 1791, chính quyền Pháp trở thành nhà tài trợ chính cho buổi triển lãm thay cho hoàng gia, và năm 1795, triển lãm mở cho tất cả các họa sĩ được nộp tác phẩm và xét duyệt, và ban hội thẩm được thành lập năm 1748 hiếm khi đi chệch khỏi nghệ thuật truyền thống. Cụ thể hơn, họ sẽ ưu tiên những tác phẩm an toàn, có chủ đề phổ biến – như lịch sử, thần thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn hoặc các tác phẩm chân dung – theo phong cách duy thực.

Tiêu chuẩn này được giữ cho tới thế kỷ 19, khi mà ngày càng có nhiều họa sĩ châu Âu đi theo hướng đổi mới, sáng tạo. Mặc dù triển lãm đã loại bỏ phần lớn tác phẩm hiện đại, một số ít vẫn xoay sở để đưa được tác phẩm tới buổi triển lãm, bao gồm danh họa Édouard Manet với họa phẩm lõa thể Olympia vào năm 1863 hay là John Singer Sargent với bức chân dung mang phong cách đương đại Portrait of Madame X năm 1884.

Hầu hết các tác phẩm không tuân thủ tiêu chuẩn được đưa ra bởi ban hội thẩm đều bị từ chối thẳng thừng, trở thành một mồi lửa cho ý tưởng tổ chức một buổi triển lãm độc lập cho các họa sĩ cấp tiến. Điều này đã dẫn tới sự suy yếu của Triển lãm Salon Paris danh giá một thời vào thập niên 80 của thế kỷ 19, và, quan trọng hơn cả, dẫn tới sự ra đời của các Triển lãm thay thế Salon.

Những dấu mốc quan trọng
salon-4
“Caricature on Impressionism, on occasion of their first exhibit,” 1874 (Photo: Wikimedia Commons)

Ngay từ thập kỷ 30 của thế kỷ 19 đã xuất hiện những triển lãm tự do ngoài triển lãm Salon. Những triển lãm độc này này trưng bày các tác phẩm bị từ chối bởi Học viện Académie royale de peinture et de sculpture, truyền cảm hứng cho những triển lãm độc lập tiếp theo được ra đời. 

Triển lãm SALON DES REFUSÉS
salon-5
Pierre-Auguste Renoir, “The Luncheon of the Boating Party,” 1880-1881 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Salon des Refusés là buổi triển lãm độc lập đầu tiên thay thế cho triển lãm Salon, có tiếng vang khá lớn. Trớ trêu là buổi triển lãm này lại không phải được tổ chức bởi nhóm họa sĩ cấp tiến và bất bình với Salon mà lại được tổ chức bởi Tổng thống Cộng hòa Pháp lúc bấy giờ Napoléon III như một cách để an ủi những nghệ sĩ bị từ chối bởi triển lãm Salon.

“Rất nhiều lời phàn nàn về triển lãm Salon đã tới tai cựu tổng thống Napoleon III,” văn phòng của ông chia sẻ. “Với mong muốn nhận được sự đánh giá khách quan từ khán giả, ông quyết định cho các tác phẩm bị từ chối bởi triển lãm Salon một cơ hội để được ra mắt trong một buổi triển lãm độc lập khác.”

Mặc dù sau buổi triển lãm có khá nhiều tác phẩm nhận về những nhận xét tiêu cực, những lời châm biếm, chế nhạo, nhưng đáng ngạc nhiên, rất nhiều trong số đó về sau đã trở thành kiệt tác, bao gồm tác phẩm Symphony in White, No. 1 của James Abbott McNeill Whistler hay tác phẩm Le déjeuner sur l’herbe (“Bữa trưa trên thảm cỏ”) của Manet

Triển lãm Ấn tượng (1874)
salon-6
Claude Monet, “Impression Sunrise,” 1872 (Ảnh: Wikimedia Commons)

11 năm sau triển lãm Salon des Refusés, nhóm họa sĩ phái Ấn tượng – có tên gọi gốc là Anonyme Coopérative des Artistes Peintres, Sculpteurs, Graveurs (“Hiệp hội các Họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ khắc chạm Ẩn danh”) – tổ chức buổi triển lãm độc lập đầu tiên của họ. Tuy nhiên, khác với triển lãm Salon des Refusés, họ không trưng bày các tác phẩm bị từ chối bởi triển lãm Salon, thay vào đó, tất cả đều nhất trí sẽ không nộp tác phẩm lên Học viện Académie royale de peinture et de sculpture – đơn vị  chính tổ chức Salon mà sẽ tự túc trưng bày các tác phẩm phẩm Ấn tượng tại buổi triển lãm của riêng họ.

Buổi triển lãm diễn ra tại xưởng phim của Nadar, một nhiếp ảnh gia đương đại người Pháp, bao gồm tác phẩm của 30 họa sĩ, bao gồm Claude Monet, Pierre-Auguste Renoir, Edgar Degas, và Camille Pissarro. Và chính bức tranh phong cảnh Impression, Sunrise của Monet đã cho ra đời tên gọi chính thức của phong trào – Ấn tượng.

Nhóm họa sĩ Ấn tượng tiếp tục tổ chức các buổi triển lãm hàng năm hoặc 2 năm 1 lần cho tới năm 1886. Những tác phẩm nổi bật được trưng bày tại các buổi triển lãm này bao gồm: Le bal du moulin de la Galette (“Vũ điệu tại Moulin de la Galette”) và Le déjeuner des canotiers (“Bữa trưa trên du thuyền”) bởi Renoir; Rue de Paris, temps de pluie (“Đường phố Paris; Một ngày Mưa”) bởi Gustave Caillebotte; và Un dimanche après-midi à l’Île de la Grande Jatte (“Ngày Chủ nhật tại La Grande Jatte”) bởi Seurat.

Triển lãm SALON DES INDÉPENDANTS
salon-7
Paul Signac, “Opus 217. Against the Enamel of a Background Rhythmic with Beats and Angles, Tones, and Tints, Portrait of M. Félix Fénéon in 1890,” 1890 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Hai năm sau khi nhóm họa sĩ Ấn tượng kết thúc chặng đường 12 năm, triển lãm Salon des Indépendants (“Triển lãm của các họa sĩ độc lập”) ra đời và vẫn còn hoạt động cho tới ngày hôm nay. Triển lãm này được thành lập bởi Paul Cézanne, Paul Gauguin, Henri de Toulouse-Lautrec, Paul Signac, và một số người dẫn đầu hội họa hiện đại khác. Buổi triển lãm nói không với sự “phán xét”“phân cao thấp”.

Không cần quảng bá nhiều, triển lãm Salon des independants vẫn thu hút về rất nhiều tác phẩm. Chỉ trong buổi triển lãm khai màn, nó đã thu hút được 5.000 tác phẩm của 400 nghệ sĩ khác nhau. Trong suốt 134 năm, buổi triển lãm đã trưng bày những tác phẩm tiêu biểu như bức họa Opus 217. Against the Enamel of a Background Rhythmic with Beats and Angles, Tones, and Tints, Portrait of M. Félix Fénéon của danh họa Paul Signac năm 1890 hay tác phẩm Le bonheur de vivre (“Niềm vui của cuộc sống”) của Henri Matisse.

Triến lãm SALON D’AUTOMNE
salon-7
Henri Matisse, “Woman with a Hat,” 1905 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Triển lãm Salon des Indépendants không phải triển lãm duy nhất còn tồn tại tới ngày hôm nay. Vào mỗi tháng Mười, Salon d’Automne (“Triển lãm Mùa thu”) sẽ được diễn ra tại Đại Lộ Champs-Élysées lớn và vô cùng nổi tiếng tại Paris. Tại đây, các nghệ sĩ từ nghiệp dư tới chuyên nghiệp có cơ hội trưng bày sản phẩm của họ. 

Sự kiện triển lãm Salon d’Automne đầu tiên được tổ chức năm 1903 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, và vì vậy, nó tiếp tục được duy trì cho tới ngày hôm nay. Sau 117 năm, Salon d’Automne đã trưng bày những tác phẩm vô cùng nổi tiếng, tiên phong cho các phong trào mới như trường phái Dã thú hay trường phái Lập thể.

MAI ANH/DESIGNS.VN

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *