Một chiếc máy ảnh sẽ tỏ ra vô dụng nếu như người chụp không biết sử dụng đúng cách để đạt được bức ảnh định hình sẵn trong đầu. Tương tự, một chiếc máy ảnh hiện đại nhất cũng sẽ chẳng làm được gì nếu như không sử dụng đúng ống kính tương ứng từng mục đích chụp hình, ví dụ như sử dụng một ống kính góc rộng để chụp chân dung.
Vì thế, câu hỏi chính xác đáng để hỏi là: nên sử dụng ống kính nào trong trường hợp chụp hình này? Nói cách khác, là một nhiếp ảnh gia, bạn nên chú tâm vào việc lựa chọn đúng phụ kiện sao cho phù hợp với mục đích chụp hình của mình. Điều này sẽ giúp cho bạn đạt được những tấm hình như ý muốn.
Bài viết này sẽ bàn luận về những phụ kiện cần thiết để sử dụng cho từng sự kiện cũng như mục đích chụp hình khác nhau.
Tuy nhiên, mỗi người đều sẽ có một sở thích cũng như cách làm riêng trong từng trường hợp được nói tới dưới đây. Do đó, hãy coi những thông tin trong bài viết này dưới góc độ tham khảo, những lời khuyên dành cho bạn bằng kinh nghiệm 10 năm chụp hình của bản thân.
Phụ kiện bên trong túi đựng của tôi sẽ thay đổi tùy thuộc vào mục đích chụp. Do đó, tôi có rất nhiều túi đựng với nhiều kích cỡ để phục vụ cho từng sự kiện chụp. Một điều đáng lưu ý nữa đó là bạn nên lựa chọn những chiếc túi có khả năng bảo vệ phụ kiện và máy ảnh bên trong.
Những thiết bị chính
Nếu bạn là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, thì đây là những thiết chụp ảnh cơ bản mà tôi khuyên dùng mang đi mỗi buổi chụp hình.
Trong mỗi lần đi chụp hình, luôn luôn mang theo tối thiểu 2 chiếc máy ảnh để dự phòng 1 chiếc nếu như xảy ra sự cố với máy ảnh chính. Hãy chắc rằng bạn đã thiết lập các chế độ và các cài đặt giống nhau ở cả hai máy, đồng thời sạc đủ pin trước mỗi buổi chụp.
Ngoài máy ảnh và ống kính, đèn nháy (đèn flash) cũng là thứ nên mang theo để dự phòng, tối thiểu 2 chiếc, cùng với đó là 2 viên pin dự phòng bên ngoài. Kèm theo đèn flash, tôi cũng mang theo dụng cụ tản sáng để tránh chiếu sáng trực tiếp lên vật được chụp.
1. Chụp ảnh gia đình
Nhìn chung, ống kính phù hợp để chụp ảnh gia đình là ống kính trung bình hoặc ống kính góc rộng.
Cá nhân tôi thích sử dụng ống kính một tiêu cự (prime lens) nhất nhờ sự nhỏ gọn cùng chất lượng ảnh sắc nét và độ phân giải tốt. Tôi thường sử dụng 3 loại ống kính chính: 35mm f/1.4G; 85mm f/1.8G; 105mm f/2.8G. Do đây đều là những ống kính full-frame, phạm vi quan sát hiệu quả của máy sẽ tương ứng với thông số trên ống kính (ống kính 35mm sẽ có phạm vi quan sát hiệu quả 35mm). Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng máy ảnh Crop với hệ số crop 1.3x chẳng hạn, ống kính 35mm sẽ có phạm vi quan sát hiệu quả là 46mm, tương tự ống kính 50mm sẽ là 65mm và ống kính 105mm sẽ là 135mm. Do đó, người chụp nên lưu ý linh hoạt trong việc chọn khoảng cách chụp tùy thuộc vào loại ống kính. Điều này đặc biệt đáng chú ý khi chụp trong những không gian nhỏ hẹp, cụ thể như trong phòng khép kín.
Đặc biệt, ống kính 105mm không chỉ mang lại góc chụp rộng mà còn có khả năng chụp cận cảnh, đây luôn là một điểm cộng đáng lưu tâm cho những ai muốn có những tấm hình rõ nét đến từng chi tiết.
Bạn cũng có thể lựa chọn sử dụng ống kính zoom (zoom lens) thay cho prime lens nhờ đặc tính linh hoạt của chúng. Ví dụ, ống kính 24-70mm sẽ cho phép người dùng chụp được cả góc trung bình lẫn góc rộng mà không cần phải thay lens quá nhiều. Tuy nhiên, chúng lại khá nặng nề so với prime lens, nhất là lens chụp chuyên nghiệp và có khẩu độ cố định. Ống kính đáng để tham khảo trong trường hợp này là chiếc lens Canon 24-105mm.
2. Chụp ảnh sự kiện
Trong những dịp như tiệc sinh nhật, ra mắt sản phẩm, hội họp… ống kính mà tôi lựa chọn thường là zoom lens thay vì prime lens đơn giản vì người chụp phải thường xuyên bấm máy trong các sự kiện này, do đó sẽ không có thời gian để thay lens.
Thường thì tôi sẽ mang cả hai chiếc máy ảnh bên mình bằng cách sử dụng quai đeo máy ảnh đôi. Một chiếc sẽ sử dụng ống kính 24-70mm và chiếc còn lại sẽ sử dụng ống kính 70-200mm. Đây là cách làm việc mà tôi cảm thấy rất hiệu quả trong những sự kiện lớn. Ngoài hai ống kính chính dùng để chụp tầm xa và chụp góc rộng, tôi cũng mang theo một ống kính macro để phòng trường hợp cần sử dụng chụp cận cảnh.
Bên cạnh những ống kính kể trên, một phụ kiện khác nên mang đi khi chụp hình sự kiện là một bộ thu phát không dây nhằm sử dụng kĩ thuật chụp off-flash từ xa. Song điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ cần phải mang theo kha khá kệ đỡ và chân máy ảnh như monopod hoặc gorilla pod để có thể lắp đặt các thiết bị.
3. Chụp ảnh đám cưới
Trong trường hợp chụp một mình, tôi sẽ mang theo tất cả những ống kính nói trên trừ ống 35mm và ống 50mm bởi ống kính zoom sẽ bao gồm cả hai khoảng tiêu cự.
Trong trường hợp chụp hai người, đương nhiên tôi sẽ mang theo toàn bộ những gì có thể để có thể chia sẻ sử dụng qua lại. Đó sẽ bao gồm ít nhất 4 máy ảnh, 6 ống kính, 4 đèn flash và càng nhiều chân máy càng tốt.
4. Chụp chân dung
Để có được những bức ảnh tôn lên vẻ đẹp của chủ thể một cách tối đa, ống kính khuyên dùng được sử dụng sẽ là ống 85mm cho ảnh cận mặt; ống 50mm cho ảnh nửa người và ống 35mm cho ảnh chụp cả người. Một lời khuyên hữu ích khi chụp chân dung là nên lên kế hoạch sẵn trong đầu về những kiểu ảnh chủ yếu trong buổi chụp để tránh mang theo quá nhiều ống kính và phụ kiện không cần thiết.
Đồng thời, sử dụng zoom lens thay cho prime lens cũng hoàn toàn chấp nhận được, miễn sao đảm bảo rằng ống kính đã bao gồm khoảng tiêu cự được nhắc tới ở trên, ví dụ như ống 24-70; 24-105 hoặc 70-200.
Sử dụng ống kính có khoảng tiêu cự cao hơn sẽ giúp cho bạn có một bức hình chân dung đẹp hơn so với sử dụng ống kính góc rộng với tiêu cự thấp. Lấy ví dụ, nếu như sử dụng ống kính 24mm, bạn sẽ chụp quá sát mặt chủ thể, nhiều khả năng xảy ra hiện tượng méo hình.
Việc sử dụng đèn flash rời (hay speedlight) đi kèm với bộ thu phát từ xa phụ thuộc nhiều vào tính chất và yêu cầu của buổi chụp, do đó nên cân nhắc trước khi mang đi để tránh thừa phụ kiện. Thay vào đó, nên sử dụng tấm hắt sáng khi chụp chân dung bởi chúng có thể điều chỉnh bóng rất hiệu quả, đồng thời cũng gọn nhẹ, thuận tiện cho việc vận chuyển hơn.
5. Chụp phong cảnh
Chụp phong cảnh có thể coi là kiểu chụp đối lập hoàn toàn với chụp chân dung, do đó phụ kiện và ống kính đi kèm cũng hoàn toàn khác.
Bạn sẽ cần sử dụng loại ống kính góc rộng – 16-35mm đối với zoom lens hoặc 24mm đối với prime lens để có được những bức ảnh bao quát được cảnh vật được chụp. Bạn cũng nên đầu tư mua một ống kính tele (telephoto lens) để chụp phong cảnh mờ phông hoặc xóa phông.
Nếu có ý định chụp ảnh phơi sáng để có được những tấm hình mờ ảo, mềm mại của phong cảnh động, ví dụ như thác nước hay sóng biển, người chụp nên đầu tư mua chân máy và một số bộ lọc như kính lọc ND hoặc kính lọc phân cực. Bằng cách này, bạn sẽ có thể giảm cường độ ánh sáng chiếu vào ống kính, từ đó làm chậm tốc độ màn trập mà không làm cho bức ảnh bị phơi sáng quá đà. Bên cạnh đó, người chụp cũng cần phải mang theo một số phụ kiện như điều khiển chụp ảnh từ xa để tránh trường hợp làm rung máy khi ấn chụp ảnh.
6. Ảnh du lịch
Nếu bạn chỉ muốn chụp ảnh gia đình trong khi đi du lịch, ống kính khuyên dùng trong trường hợp này sẽ là prime lens với một số tiêu cự như 85mm; 60mm; 50mm hoặc 35mm. Theo kinh nghiệm của mình, tôi tin rằng ống kính 60mm hoặc 50mm sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất khi mang đi chụp ảnh du lịch.
7. Ảnh đồ vật
Trong trường hợp này, ống kính lý tưởng tôi thường sử dụng sẽ là ống kính zoom lens 24-70mm hoặc prime lens 60mm micro dùng để chụp cận cảnh.
Đèn flash từ xa hay speedlight cùng với bộ thu phát cũng là những phụ kiện rất hữu ích khi chụp đồ vật. Thêm vào đó, hộp sáng cũng là một công cụ hữu ích để chụp ảnh sản phẩm mà không phải lo đến phông nền đằng sau.
8. Ảnh nội thất
Với ảnh chụp nội thất, ống kính phù hợp là 24-70mm đối với zoom lens và 50mm đối với prime lens.