1. Sử dụng ánh sáng “mềm”
Nếu như bạn đã đọc qua về những đầu báo hay bài viết nói về nhiếp ảnh chân dung trước đây, chắc hẳn bạn đã biết về điều này. Tuy nhiên, đây vẫn là một kiến thức quan trọng cần được nhắc lại trong nhiếp ảnh chân dung. Ánh sáng “cứng”, ví dụ như ánh sáng mặt trời vào giữa trưa, gần như luôn tạo độ tương phản cao, thể hiện ở hai vùng sáng tối rõ rệt trên khuôn mặt mẫu ảnh, điều này sẽ khiến cho bức ảnh trở nên cứng nhắc và có phần hơi “gắt”, không phù hợp với ảnh chân dung. Tìm kiếm ánh sáng “mềm” trong khi chụp (hoặc tự tạo ra nguồn sáng khi chụp tại studio) là cách làm nhanh chóng và hiệu quả nhất để cải thiện chất lượng bức ảnh chân dung mà không cần tốn quá nhiều công sức.
Trong trường hợp chụp ảnh ngoài trời, hãy tìm kiếm những nơi có bóng râm hoặc chọn những ngày nhiều mây để tiết chế ánh sáng nhiều nhất có thể. Đương nhiên, bạn cũng có thể lựa chọn khung giờ vàng trong ngày (golden hour) cho buổi chụp để không cần phải lo lắng tới yếu tố ánh sáng. Tuy nhiên, nếu thời gian không cho phép, cũng đừng nên sớm bỏ cuộc mà hãy cố gắng tìm kiếm những thời điểm có ánh sáng phù hợp trong ngày.
Nếu chụp hình tại studio, bạn sẽ cần phải dùng tới tấm hắt sáng với kích thước lớn nhất có thể giúp tản sáng. Nếu ánh sáng vẫn quá gắt, bạn có thể sử dụng một thiết bị khuếch tán ánh sáng. Hoặc đơn giản hơn, bạn chỉ cần di chuyển nguồn sáng tới gần mặt mẫu ảnh hơn (nếu nguồn sáng đó là phù hợp). Diện tích chiếu sáng trực diện tới vật thể càng lớn, ánh sáng sẽ càng trở nên mềm mại.
Song, điều này có đồng nghĩa với bạn không được sử dụng ánh sáng “cứng” cho ảnh chân dung không? Hoàn toàn không phải. Ánh sáng “cứng” cũng có thể tạo ra những bức hình chân dung tuyệt đẹp và đầy tính nghệ thuật. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, đặc biệt đối với những người mới bắt đầu, sử dụng ánh sáng mềm cho ảnh chân dung sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều.
2. Tạo điểm nhấn cho đôi mắt
Đôi mắt có thể được coi là phần quan trọng nhất trong một bức ảnh chân dung, bởi hầu hết tất cả mọi người khi xem ảnh đều sẽ nhìn vào đôi mắt đầu tiên. Điều này rất dễ hiểu vì đó cũng chính là cách chúng ta tương tác với nhau hàng ngày – thông qua đôi mắt. Để có thể khai thác tối đa vẻ đẹp của đôi mắt, hãy dành thời gian chuẩn bị kĩ lưỡng trước mỗi buổi chụp để tạo catchlight.
Muốn làm vậy, bạn sẽ cần cẩn thận để ý đôi mắt của mẫu ảnh trong lúc bố trí ánh sáng, dù là trong studio hay ngoài trời. Khéo léo điều chỉnh hướng nhìn của mẫu ảnh (hoặc di chuyển ánh sáng nếu có thể) để phần catchlight sẽ nằm ở góc bên trên của đôi mắt. Trong trường hợp lý tưởng nhất, bạn có thể hướng nguồn sáng trực diện về phía mẫu ảnh, làm vậy sẽ lột tả được tối đa chi tiết ở đôi mắt. Nếu thực hiện các bước đúng cách và có được một catchlight ưng ý, bạn sẽ không cần tốn công sức khi biên tập hậu kỳ nữa.
Bên cạnh đó, ánh sáng cứng hay mềm cũng là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới catchlight. Ánh sáng mềm sẽ khiến cho catchlight có cảm giác mờ hơn so với ánh sáng cứng, đồng nghĩa với việc đôi mắt sẽ trở nên tối hơn và không chi tiết bằng khi được chụp với ánh sáng cứng.
Tuy nhiên, đây cũng không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng trừ phi bạn sử dụng một tấm khuếch đại ánh sáng quá lớn trong phòng chụp, hoặc trong trường hợp mây quá dày và ánh sáng quá yếu nếu như chụp ngoài trời.
Nếu như mục đích của bạn là một đôi mắt chi tiết nhất có thể, lúc này bạn sẽ cần phải sử dụng ánh sáng cứng hơn, hoặc có thể lựa chọn sử dụng kết hợp cả hai nguồn sáng cùng lúc, với đôi mắt được chiếu ánh sáng cứng, và các vùng khác được chiếu ánh sáng mềm để trung hòa độ tương phản trong bức ảnh.
3. Thiết lập mối quan hệ giữa bạn và mẫu ảnh
Nếu thực sự có ý định theo đuổi nhiếp ảnh chân dung lâu dài, chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp và thiết lập mối quan hệ sẽ là yếu tố quan trọng nhất trong sự nghiệp của bạn. Để có thể lấy được biểu cảm và dáng chụp đẹp nhất từ mẫu ảnh, đồng thời khiến họ thoải mái và thư giãn nhất có thể trong khi chụp, bạn sẽ cần phải xây dựng một mối quan hệ với từng đối tác làm việc. Mỗi mẫu ảnh mà bạn làm việc cùng đều khác nhau về tính cách, ngoại hình, do đó sẽ yêu cầu những kỹ thuật, phương pháp khác nhau để khai thác triệt để tiềm năng và vẻ đẹp từ từng người.
Tuy nhiên, bạn cũng cần nắm rõ những quy tắc chung có thể áp dụng với mọi trường hợp. Thứ nhất, hãy giữ cho mình thái độ lịch thiệp, tích cực và luôn luôn có tính xây dựng, đóng góp với mẫu ảnh. Thay vì nói rằng: “Như vậy không ổn đâu” thì hãy nói: “Bạn làm vậy cũng không sao, mình cùng thử cách khác nhé”. Cũng hãy nhớ rằng, tâm điểm của bức ảnh chính là chân dung mẫu ảnh, vì thế bạn cũng nên hướng tâm điểm sự chú ý của mình tới họ, thay vì để ý tới những vấn đề khác. Hãy liên tục trò chuyện và trao đổi với mẫu ảnh trong lúc chụp để có được tấm hình vừa ý cả đôi bên. Tuy nhiên, đừng nên đề cập tới những vấn đề, kiến thức hàn lâm về nhiếp ảnh, đặc biệt tránh những biệt ngữ, thuật ngữ kỹ thuật, bởi trừ phi bạn đang chụp cho một nhiếp ảnh gia khác, những người khác sẽ không mấy mặn mà với những thông tin mà bạn nói. Cố gắng nói nhiều về một chủ đề mà người khác không hứng thú sẽ mang lại cảm giác khó chịu cho họ – điều sẽ thể hiện ngay trong bức ảnh.
4. Chú ý tới phông nền
Với những người mới bắt đầu tiếp cận nhiếp ảnh chân dung, cần phải đặc biệt chú ý tới phần phông nền trong bức ảnh. Hãy chắc chắn rằng khung cảnh đằng sau mẫu ảnh không có chi tiết gì thừa thãi có thể xuất hiện trong ảnh như cột đèn, cột điện hay xe cộ chen ngang vào. Nếu bạn có ý định làm mờ phông bằng độ sâu trường ảnh (DOF) nông, hãy để ý tới màu sắc, tránh những vùng có gam màu tương phản với phần còn lại của phông để không phá vỡ sự cân đối trong bức hình. Nói tóm lại, khi chụp ảnh ngoài trời, hãy nhớ chú ý kĩ tới bối cảnh và đảm bảo rằng không có sự cố bất ngờ xảy ra trong khi chụp.
Khi chụp ảnh trong studio, điều này sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn có một số điều đáng lưu ý. Thứ nhất, tránh sử dụng những tấm phông chụp nhăn nhúm, nhàu nhĩ hay sần sùi, hãy chỉ sử dụng những mặt bằng phẳng. Đối với mặt tường, đừng quên để ý những vết nứt, rạn hay sần sùi do giãn nở nhiệt độ.
Thường xuyên chú ý tới những tiểu tiết kể trên sẽ giúp cải thiện chất lượng bức ảnh của bạn đáng kể, đồng thời tạo nên một thói quen tuyệt vời có thể hỗ trợ bạn trong bất kì lĩnh vực nhiếp ảnh nào. Bên cạnh đó, dành thời gian chú ý tới phông nền để loại bỏ những yếu tố không mong muốn ngay từ ban đầu còn giúp tích kiệm thời gian và công sức cho bạn trong khâu hậu kỳ.
5. Thu hẹp khoảng cách chụp ảnh
“Nếu như bức ảnh của bạn chưa đẹp, đồng nghĩa là bạn tới chưa đủ gần” – trích dẫn lời nhiếp ảnh gia Robert Capa. Đây là một trong những lời khuyên hữu ích nhất và có thể được áp dụng bởi bất kỳ loại hình nhiếp ảnh nào. Song đối với nhiếp ảnh chân dung, đây lại là một khái niệm quan trọng hơn cả. Bất kể trọng tâm của bức ảnh là gì đi nữa (ở bài viết này là con người), bạn cũng cần phải đảm bảo rằng chủ thể được chụp nằm là tiêu điểm của người nhìn. Do đó, hãy tới gần đối tượng hơn nếu cần thiết và lấp đầy khung ảnh của mình, bởi bạn sẽ ít khi cần tới quá nhiều phông nền, thậm chí đôi khi còn không cần tới chút nào. Điều này sẽ giúp loại bỏ các yếu tố gây sao nhãng trong bức ảnh, đồng thời hướng mọi sự tập trung vào mẫu ảnh. Đương nhiên, cũng sẽ có một số trường hợp cần sử dụng nhiều nền hơn trong bức ảnh.
Ảnh chân dung môi trường cũng là một loại hình nhiếp ảnh khá thú vị, với yếu tố môi trường xung quanh đóng vai trò tương đối quan trọng trong tổng thể tấm ảnh. Song, ngay cả trong những bức ảnh như vậy, mẫu ảnh vẫn là tiêu điểm, là trung tâm của cả bức hình, phần nền dù vậy vẫn đóng vai trò phụ trợ, bổ sung cho con người trong bức ảnh thay vì làm đối trọng của mẫu ảnh.