Bàn bếp sạch sẽ, gọn gàng
Mặt bàn bếp rất nhanh chóng bị phủ đầy bởi đống bưu kiện, túi đi siêu thị, những thiết bị, dụng cụ nhà bếp nhỏ. Một khi nó tràn ngập bởi các thứ trên, rất khó để có thể nấu nướng. Hơn nữa, chỉ thấy đống đồ bừa bộn trên mặt bàn bếp thôi là bạn đã cảm thấy bị stress ngay được rồi. Hãy nhớ dọn dẹp quầy bếp sạch sẽ để có chỗ mà nấu ăn nhé.
Hành động: Bắt đầu bằng cách dọn dẹp và làm sạch quầy bếp của bạn, từng bước một. Trước khi quyết định để lại bất cứ thứ gì, hãy nghĩ đến những thứ mà bạn thực sự cần hàng ngày. Đây là những vật phẩm xứng đáng được để lại ở mặt bàn bếp – ấm pha cà phê, lọ đựng thìa gỗ, thớt hoặc bát đựng trái cây. Hãy tìm chỗ chứa cho các vật dụng khác, bên trong trạn bếp hoặc trên kệ.
Nếu nhà bếp của bạn tình cờ là nơi đầu tiên bước vào khi vừa mới mở cửa vào nhà, hãy dành một vị trí nhất định để cất chìa khóa và thư (ví dụ: đĩa cho chìa khóa và khay cho thư) để những vật phẩm này không bị nằm rải rác trên mặt bàn mới được dọn sạch của bạn.
Chọn ra những thứ thiết yếu
Thay vì tập trung vào những gì cần vứt bỏ, hãy dọn dẹp sự bừa bộn trong một tâm thế tích cực, và tự hỏi mình điều này: Mình thích và thích sử dụng cái gì trong nhà bếp?
Hãy tập trung vào việc dọn sạch ngăn kéo trên cùng và những chiếc tủ bếp gần tầm với nhất – nơi bạn thường hay đựng nồi, chảo, dụng cụ và bát đĩa sử dụng hàng ngày. Các thiết bị nấu ăn chuyên dụng cần phải được đặt ở vị trí nhất định (và bằng mọi cách hãy giữ nó nếu bạn thích và thường hay sử dụng!). Nhưng xét cho cùng, để cho những vật dụng này chiếm không gian phía trước và trung tâm sẽ chỉ khiến công việc trong bếp của bạn khó khăn hơn.
Hành động: Hãy nghĩ về một ngày chuẩn bị bữa ăn tại nhà điển hình, và lập danh sách các nồi, chảo, dụng cụ nấu ăn và các món ăn bạn sử dụng để thực hiện điều đó mà không cần nhìn vào tủ bếp. Hãy chắc chắn rằng những vật dụng này được cất giữ trong ngăn kéo, tủ và kệ dễ lấy nhất.
Hãy kiểm tra xem còn gì sót lại ở các khu vực khác không và tính xem bạn có thể bỏ đi một số dụng cụ nấu ăn, thiết bị nhỏ hoặc hộp đựng thực phẩm dư thừa mà bạn hiếm khi (hoặc không bao giờ) sử dụng.
Suy nghĩ lại về góc tường và những chỗ khuất
Nếu nhà bếp của bạn được thiết kế theo kiểu galley nhỏ, hẹp, điều này có thể không phù hợp – nhưng nếu bạn có thêm một chút không gian, hãy dành thời gian để xem xét cách bạn đang sử dụng không gian đó. Mục đích của việc sử dụng khu bếp chính thì quá rõ ràng rồi (để nấu ăn, thái và rửa dọn), nhưng khi nói đến các ngóc ngách, thì đây chính là nơi bạn có thể thỏa sức sáng tạo.
Hãy suy nghĩ về những gì bạn muốn từ không gian này: một góc để đọc sách, một bàn làm việc gọn gàng để tính toán hóa đơn, một góc nghệ thuật bé yêu nhà bạn? Hãy để bản thân mơ mộng một chút, và ghi lại những gì bạn nghĩ ra.
Hành động: Một khi bạn đã quyết định làm gì với góc bếp, hãy thu thập các món đồ bạn muốn ở đó. Nếu các chúng không phục vụ mục đích của khu vực này, hãy mang chúng ra ngoài.
Ví dụ: nếu mục tiêu của bạn là tạo ra một góc yên tĩnh để đọc sách trong khi đun một nồi súp nhỏ lửa trên bếp, hãy kéo vào bếp một chiếc ghế thoải mái và một vài cuốn sách yêu thích – và lấy ra những thứ không cần thiết và gây mất tập trung, như đống hóa đơn và các túi mua sắm cũ.
Tạo không gian cho những thú vui đơn giản
Nhà bếp là nơi phải làm việc khá cực, nhưng nó cũng có thể là nơi chúng ta tụ tập và thư giãn. Dù bạn đang thưởng thức một ly rượu vang vào cuối ngày hay nghe chương trình radio yêu thích trong khi rửa chén, hãy xem những thú vui hay thói quen đơn giản nào bạn có thể kết hợp vào trong không gian.
Hành động: Nghĩ về những hoạt động hằng ngày của bạn, xem xét những vật dụng nhỏ hoặc thói quen bạn có thể thêm vào để làm cho thời gian của bạn trong nhà bếp trở nên dễ chịu hơn một chút. Dưới đây là một vài ý tưởng:
– Một chiếc đài nhỏ để nghe nhạc hoặc chương trình phát thanh
– Hoa tươi cắm trong bình
– Một chậu cây nhỏ trên bậu cửa sổ
– Một ngọn nến để thắp sáng bên cạnh trong khi bạn rửa chén
– Một cặp ghế đẩu để bạn bè có thể trò chuyện trong khi bạn nấu ăn