Cách giúp mẫu ảnh thoải mái và tự tin hơn khi chụp hình chân dung

 

Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ nếu một người không thoải mái khi được chụp ảnh, biểu cảm đó sẽ lộ rõ trên khuôn mặt của họ, sau cùng sẽ xuất hiện trên chính bức ảnh của bạn. Đó là lý do vì sao bạn cần phải giúp cho đối tượng chụp hình của mình vượt qua cảm giác lo lắng và bất an trước khi chụp. Sau đây là một số bí quyết nhằm giúp bạn chinh phục hoàn toàn mẫu ảnh của mình khi chụp ảnh chân dung.

 

 

1. Cung cấp đầy đủ thông tin về buổi chụp cho mẫu ảnh trước khi bắt đầu

 

 

Trước buổi chụp, điều đầu tiên bạn cần làm đó là cung cấp những thông tin cơ bản cho mẫu ảnh như vị trí chụp, quần áo cần chuẩn bị trong buổi chụp, thời gian chụp… Điều này sẽ giúp cho mẫu ảnh của bạn có tâm lý chủ động, thoải mái hơn để sẵn sàng cho buổi chụp.

 

 

2. Chuẩn bị sẵn sàng và phổ biến đầy đủ những ý tưởng bạn định thực hiện trong buổi chụp

 

 

Xuất hiện trong buổi chụp với một cái đầu trống rỗng không phải là cách khiến người khác cảm thấy thoải mái và có thể tin tưởng bạn. Hãy nói chuyện và trao đổi với mẫu ảnh của bạn về những ý tưởng định thực hiện trong buổi chụp trước đó 1, 2 ngày. Đồng thời, hãy lắng những mong muốn của mẫu ảnh, vì đôi khi chính họ cũng có những ý tưởng thú vị của riêng mình. Hãy nhìn nhận những ý tưởng này theo một cách tích cực, ngay cả khi bạn không đồng tình với họ trong một vài trường hợp. Điều này sẽ khiến mẫu ảnh của bạn cảm thấy được quan tâm và lắng nghe, từ đó khiến họ cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn khi chụp hình.

 

 

3. Chọn vị trí để mẫu ảnh cảm thấy thoải mái nhất

 

 

Trước buổi chụp, bạn nhiều khả năng đã chọn ra những địa điểm mình ưng ý nhất. Song không phải lúc nào mẫu ảnh cũng có cùng cái nhìn với bạn. Đương nhiên, bạn sẽ không muốn chọn một nơi mẫu ảnh không cảm thấy thoải mái để chụp hình. Do đó, hãy bàn bạc và thống nhất với họ về địa điểm chụp hình và có một kế hoạch cụ thể trước đó.

 

Thường thường, bạn sẽ muốn chọn một nơi vắng người qua lại, bởi nếu mẫu ảnh của bạn không quá tự tin trước ống kính, họ sẽ không muốn buổi chụp diễn ra tại nơi có nhiều người nhìn thấy.

 

 

4. Hãy đến sớm

 

 

Có mặt tại địa điểm chụp trước giờ hẹn sẽ giúp bạn có thêm khá nhiều thời gian để chuẩn bị cho buổi chụp. Trong lúc này, bạn có thể tìm các vị trí đẹp tại nơi chụp, phân tích đánh giá về chất lượng ánh sáng tại địa điểm đó, chọn ra những góc chụp có khung cảnh đẹp…

 

Bạn có thể cảm thấy điều này không liên quan cho lắm tới việc tạo cảm giác thoải mái cho mẫu chụp. Song trên thực tế, nó lại giúp ích rất nhiều cho trải nghiệm chụp hình của mẫu ảnh, do bạn sẽ không phải gặp những sự cố kỹ thuật trong buổi chụp và có thể dành nhiều thời gian tập trung vào chuyên môn cũng như cảm xúc của mẫu ảnh.

 

 

5. Chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị trước buổi chụp

 

 

Trước buổi chụp, hãy chắc chắn rằng các thiết bị và phụ kiện nhiếp ảnh của bạn đã sẵn sàng để sử dụng. Hãy đảm bảo pin máy ảnh đã được sạc đầy, thẻ nhớ còn nhiều dung lượng và chuẩn bị sẵn những thiết bị hỗ trợ như đèn flash hoặc tấm phản quang nếu cần thiết. Đồng thời, hãy setup máy ảnh của mình nhiều nhất có thể trước khi chụp.

 

Điều này sẽ mang lại lợi ích tương tự với việc đến sớm, đó là tạo cho bạn nhiều thời gian hơn để tập trung chú ý vào mẫu ảnh và các yếu tố khác của buổi chụp, thay vì mất thời gian khắc phục những vấn đề phát sinh không đáng có. Điều này đương nhiên sẽ khiến cho mẫu ảnh cảm thấy thoải mái hơn, bởi bạn đang dành mọi sự chú ý cho họ chứ không phải chiếc máy ảnh của mình.

 

 

6. Dành thời gian tìm hiểu về mẫu ảnh trước khi chụp

 

 

Trước khi bắt đầu buổi chụp hình, bạn hãy dành chút thời gian trò chuyện với mẫu ảnh thay vì gấp rút bắt tay vào chụp ngay lập tức. Điều này sẽ giúp cho họ cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn, đồng thời khiến họ có thể tin tưởng giao phó từng shoot hình vào tay bạn. Hãy cố gắng duy trì những chủ đề trò chuyện vui vẻ và tích cực, bỏ qua những chủ đề nhàm chán và không phù hợp như tắc đường hay chính trị để tránh tạo không khí căng thẳng.

 

Tóm lại, hãy thể hiện mình là một người biết quan tâm, ân cần và chu đáo với mẫu ảnh, điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc kết nối và xây dựng mối quan hệ tích cực giữa bạn và đối tượng, giúp cho buổi chụp trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn.

 

 

7. Dành thời gian hướng dẫn và giải thích cho mẫu ảnh của bạn về những gì cần làm

 

 

Trước hết, hãy giải thích cho mẫu ảnh về tác động của cảm xúc tới chất lượng bức ảnh, rằng nếu như họ cảm thấy lo lắng, bồn chồn hay căng thẳng, tất cả sẽ đều hiện lên trên vẻ mặt của họ trong bức hình. Do đó, bạn sẽ cần dành thời gian để giải thích và phổ biến cho họ. Bên cạnh đó, có một sự thật phổ biến trong nhiếp ảnh, đó là hầu hết mọi người sẽ trông rất khác khi lên ảnh so với khi nhìn vào gương. Ngay cả khi cảm thấy bồn chồn hay lo lắng, sắc thái, biểu cảm của khuôn mặt trông cũng sẽ khác khi lên ảnh so với trong gương, và hầu hết chúng ta đều không thích vẻ mặt đó trong ảnh chút nào. Do đó, việc giữ cho tinh thần phấn chấn, thoải mái khi chụp ảnh chân dung đóng vai trò cực kì quan trọng, và nhiệm vụ của một nhiếp ảnh gia chính là phải giải thích cho mẫu ảnh của mình hiểu rõ về điều này.

 

Nếu bạn nhận thấy mẫu ảnh của mình thiếu tự tin trước ống kính, hãy dành thời gian trước buổi chụp để nói chuyện và khắc phục vấn đề này càng sớm càng tốt, sau đó hãy nhắc lại cho họ trong quá trình chụp. Điều này sẽ giúp thư giãn đầu óc của họ trong suốt buổi chụp.

 

 

8. Dành lời khen cho mẫu ảnh

 

 

Thường xuyên dành những lời nhận xét tích cực về ngoại hình của một người sẽ giúp cho họ trở nên tự tin và cảm thấy thư giãn hơn khi đứng trước ống kính máy ảnh. Hãy tận dụng những khoảnh khắc rảnh rỗi trong buổi chụp để dành lời khen cho mẫu ảnh, nói rằng họ trông thật tuyệt vời trong những bức ảnh vừa chụp, nhận xét về nụ cười hay mái tóc của họ, hoặc kiểu tạo dáng vừa rồi trông thật hợp với họ… Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lạm dụng lời khen của mình, đồng thời vẫn nên biết khi nào cần nói sự thật khi có điều gì chưa ổn.

 

 

9. Chú ý tới mái tóc và quần áo của mẫu ảnh

 

 

Đôi khi trong buổi chụp, bạn sẽ bắt gặp một vài chi tiết trên mái tóc hay trên bộ quần áo của mẫu ảnh cần được chỉnh sửa cho đẹp hơn. Song, thậm chí nếu như không có gì để chỉnh sửa, hãy cứ làm như vậy, bởi điều đó sẽ khiến mẫu ảnh cảm thấy yên tâm và tự tin hơn về ngoại hình của mình. Đồng thời, điều này cũng tạo nên một thói quen tốt, đó là chú trọng tới tiểu tiết – một yếu tố quan trọng có thể giúp đỡ bạn cải thiện những bức ảnh của mình cực kì nhanh chóng.

 

 

10. Sử dụng ống kính dài

 

 

Bằng cách này, bạn sẽ có thể tạo được một khoảng cách tương đối giữa máy ảnh và mẫu ảnh, bởi thông thường họ sẽ cảm thấy khó chịu khi bị một chiếc máy ảnh dí sát tận mặt. Loại ống kính khuyên dùng để tạo một khoảng cách lý tưởng thường là loại 105mm hoặc 135mm.

 

Tuy nhiên, bạn cũng không nên sử dụng các loại ống kính quá to lớn, bởi điều này có thể khiến cho mẫu ảnh cảm thấy dè chừng và lo sợ khi chụp ảnh. Đồng thời, chúng cũng có trọng lượng tương đối nặng và kích thước cồng kềnh cực kì bất tiện khi chụp ảnh chân dung – vốn cần phải đi lại nhiều.

 

Dù vậy, nếu như mẫu ảnh của bạn không cảm thấy e ngại khi bị chụp cận mặt, bạn sẽ có thể sử dụng loại ống kính nhỏ hơn, thường là lens 50mm hoặc 35mm. Điều này sẽ tạo cho bức ảnh của bạn cảm giác chân thật và gần gũi hơn so với những tấm ảnh được chụp bởi ống lens dài.

 

 

11. Thường xuyên cho mẫu ảnh thấy họ trông đẹp thế nào trong những tấm ảnh

 

 

Để giúp tăng phần tự tin của một người, hãy cho họ thấy chính mình trong khi đang chụp ảnh, điều này không chỉ giúp cho họ cảm thấy thoải mái và yên tâm hơn, mà còn giúp cải thiện khả năng tạo dáng của mẫu ảnh. Để thực hiện điều này, hãy trang bị cho mình một chiếc màn hình camera (camera monitor), đây sẽ là một trợ thủ đắc lực cho công việc nhiếp ảnh bất kể loại hình. Hoặc, bạn cũng có thể chọn cách đơn giản hơn, đó là cho mẫu ảnh của mình xem những bức ảnh đẹp để khiến họ tự tin hơn về bản thân mình và có thể thư giãn, thả lỏng trong những shoot hình tiếp theo.

 

 

12. Biết khi nào nên chậm lại

 

 

Hãy biết cách sử dụng thời gian một cách hiệu quả nhất. Không nên vội vàng, dẫn tới cẩu thả. Hãy làm việc một cách cẩn thận và chậm rãi để khai thác điểm mạnh của bản thân và tránh xảy ra sai sót trong khi chụp. Đồng thời, đừng quên rà soát, xem xét lại những tấm ảnh vừa chụp để thực hiện những chỉnh sửa và thay đổi nếu cần. Điều này sẽ góp phần cải thiện chất lượng những tấm ảnh của bạn.

 

Bên cạnh đó, thời gian cũng là một yếu tố cần cân nhắc và lên kế hoạch kỹ lưỡng. Không nên tính toán thời lượng buổi chụp cho vừa đủ, mà hãy để thừa ra một khoảng để phòng ngừa những sự cố không mong muốn. Nếu như vẫn thừa thời gian sau buổi chụp, hãy mời mẫu ảnh của bạn một cốc cafe, điều này sẽ tạo thiện cảm cho họ, đồng thời mở ra những cơ hội làm việc sau này.

 

 

13. Đánh lạc hướng mẫu ảnh

 

 

Tìm cách hướng sự chú ý của mẫu ảnh tới một nơi khác hoặc một người khác thay vì nhìn vào ống kính máy ảnh của bạn sẽ giúp họ thả lỏng cơ thể và bớt lo lắng hơn rất nhiều. Đây là một mẹo phổ biến được thực hiện thường xuyên bởi các nhiếp ảnh gia khi chụp chân dung. Lấy ví dụ, trong khi chụp hình cô dâu trong đám cưới, hãy mời chú rể đứng cạnh mình để nói chuyện với cô dâu, điều này sẽ giúp bạn có được một biểu cảm chân thực nhất từ phía mẫu ảnh.

 

 

14. Biết cách tận hưởng niềm vui trong khi chụp

 

 

Nếu bạn muốn mẫu ảnh của mình được vui vẻ, thoải mái thì trước hết, chính bản thân bạn cũng phải biết cách trở nên vui vẻ và tích cực trong khi chụp để có thể lan tỏa năng lượng tích cực tới những người xung quanh. Hãy tiếp sức cho mẫu ảnh của bạn bằng những mẩu chuyện vui, những trải nghiệm tích cực mà bạn có thể nghĩ ra. Nếu như xảy ra một sự cố không mong muốn nào đó, cũng đừng trở nên căng thẳng và nghiêm trọng. Thay vào đó, hãy tỏ ra tự nhiên, thoải mái và cùng tìm cách khắc phục với đối tác của bạn. Năng lượng tích cực có thể lây lan rất nhanh chóng, song năng lượng tiêu cực cũng vậy. Do đó, hãy nhớ giữ cho mình một thái độ tích cực và tâm thái thư giãn.

 

 

15. Tỏ ra tự tin và chuyên nghiệp khi làm việc

 

 

Tự tin là một thái độ cần có trong bất kì công việc nào, nhiếp ảnh cũng không phải một ngoại lệ. Tuy nhiên, cũng đừng tự tin thái quá và tỏ ra kênh kiệu, ba hoa về bản thân, điều này sẽ khiến người khác cảm thấy khó chịu. Hãy giữ sự tự tin cho riêng mình, thể hiện bản thân là một người có thái độ làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc. Chính những điều này sẽ được phản ảnh qua những bức ảnh mà bạn chụp.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *