Vào đầu thế kỷ 20, phong trào nghệ thuật hiện đại lan tỏa khắp thế giới. Nếu như tại Áo xuất hiện những tác phẩm mạ vàng của Gustav Klimt, tại Tahiti với nỗ lực bảo vệ và phát triển trường phái Hậu ấn tượng của họa sĩ xa sứ Paul Gaugin, thì tại Pháp, một nhóm họa sĩ “hoang dã” đã giới thiệu một trào lưu nghệ thuật hoàn toàn mới mang tên Dã thú, với lối tiếp cận sắc màu mang tính biểu cảm.
Không giống những trào lưu nghệ thuật chính thống khác, trường phái Dã thú chỉ tồn tại vỏn vẹn 5 năm. Tuy vậy, ảnh hưởng của nó tới sự phát triển của hội họa nói riêng và nghệ thuật tạo hình nói chung là vô cùng lớn. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về trường phái Dã thú cùng những đóng góp của nó đối với nền hội họa thế giới.
Trường phái Dã thú là gì?
Dã thú là một trào lưu hội họa được tiên phong bởi hai họa sĩ người Pháp, Henri Matisse và André Derain. Đặc điểm của trường phái Dã thú chính ở gam màu táo bạo kết hợp nét vẽ đậm, sắc sảo và sự tối giản hóa – gần như trừu tượng. Trào lưu nghệ thuật này phát triển mạnh mẽ nhất tại Pháp, đặc biệt tại thành phố ánh sáng Paris trong khoảng năm năm kể từ năm 1905.
Lịch sử hình thành và phát triển
Vào thập kỷ 80, Matisse và một số họa sĩ người Pháp khác như Georges Rouault và Albert Marquet theo học họa sĩ phái Tượng trưng Gustave Moreau tại trường đại học mỹ thuật trực thuộc Đại học Nghiên cứu PSL Paris. Sự yêu thích những gam màu căn bản cùng cách tiếp cận hội họa mới lạ của ông đã truyền cảm hứng cho Matisse và những họa sĩ khác. Họ bắt đầu thử nghiệm pha chế bảng màu riêng cho mình đồng thời tìm tòi, khám phá những kỹ thuật vẽ mới lạ trong suốt những năm trước giai đoạn chuyển giao thế kỷ.
Học trò của Moreau không chỉ bao gồm họa sĩ phái Dã thú, mà còn bao gồm một số họa sĩ khác như André Derain và Maurice de Vlaminck, những người đã thách thức chuẩn mực hội họa truyền thống. Cụ thể hơn, họ khám phá kỹ thuật vẽ phẳng của Paul Cézanne và cách sử dụng màu sắc táo bạo trong tranh của Paul Gauguin.
Vào năm 1905, nhóm họa sĩ trẻ có cơ hội trưng bày tác phẩm tại buổi triển lãm độc lập Salon d’Automne (“Triển lãm mùa thu”) ở Paris. Ngạc nhiên bởi những bức họa hoàn toàn đối lập với tác phẩm điêu khắc phổ biến thời phục hưng đặt chính giữa căn phòng, nhà phê bình nghệ thuật Louis Vauxcelles thốt lên đầy mỉa mai, “Donatello đã bị bao vây bởi những con quái vật hoang dã.” Kể từ đó, nhóm họa sĩ mang tên “les Fauves” (quái vật hoang dã).
Mặc dù ban đầu, cái tên “les Fauves” được dùng với mục đích khiêu khích, mỉa mai, nhóm họa sĩ đã quyết định sử dụng nó làm tên chính thức cho tới khi phong trào lụi tàn vào năm 1910.
Đặc điểm tiêu biểu
Màu sắc sinh động
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của trường phái Dã thú chính là cách sử dụng những sắc màu rực rỡ và táo bạo. Le bonheur de vivre, bức họa với quy mô lớn của Matisse là một minh chứng rõ nét cho đặc điểm này. Mặc dù tác phẩm có bối cảnh tự nhiên, Matisse đã đưa vào những màu sắc sinh động và đa dạng. Bên cạnh hình ảnh lá vàng, thảm cỏ xanh dương, bầu trời hồng phấn, ông còn khắc họa con người với những màu sắc khác biệt.
Matisse khá lưu tâm tới sự tương tác giữa sắc màu trong quá trình tuyển chọn màu sắc. “Đôi khi tôi phải chỉnh sửa hình vẽ dựa trên sự cân xứng giữa các gam màu,” ông chia sẻ trong Matisse. “Cho tới khi tôi đã đạt được sự cân xứng đó một cách toàn diện. Và sau đó, mỗi chi tiết trong bức vẽ sẽ có một sự liên kết tuyệt đối. Vậy nên nếu muốn thêm chi tiết có lẽ tôi sẽ phải xóa bỏ toàn bộ bức tranh rồi vẽ lại từ đầu.”
Phong cách “hoang dã”
Họa sĩ phái Dã thú không hướng tới hiện thực. Thay vào đó, họ được truyền cảm hứng từ những nét sẽ đậm và sắc sảo của họa sĩ phái Ấn tượng và Hậu ấn tượng như Vincent van Gogh. Chính kỹ thuật vẽ đã tạo nên điểm khác biệt cho các tác phẩm của họ.
Thay vì sử dụng bảng màu, họa sĩ Dã thú thường đưa màu trực tiếp lên bảng vẽ. Tương tự, thay vì pha chế màu từ trước, họ thường tạo màu mới bằng những nét cọ mảnh, liền sát nhau.
Kỹ thuật tối giản hóa
Từ tác phẩm của Paul Cézanne, họa sĩ phái Dã thú từng thử nghiệm phong cách trừu tượng, có thể nói họa sĩ Dã thú không hướng tới hiện thực, thay vào đó họ mô phỏng hiện thực với những đường nét tối giản. Tương tự họa sĩ Hậu ấn tượng, họ phác họa tác phẩm từ những góc nhìn khác nhau, cho ra những tác phẩm đơn chiều, tập trung nhấn mạnh màu sắc và đường nét thay vì chiều sâu.
“Bước chân vào một triển lãm hội họa Dã thú, đập vào mắt ta là những bức tranh phong cảnh, những hình ảnh, đường nét tối giản, toàn bộ được tô điểm bởi những gam màu rực rỡ và táo bạo. Người thưởng thức sẽ cố gắng tìm kiếm mục đích của tác giả, nghiên cứu kỹ thuật sẽ, hay hoàn toàn chìm đắm trong thế giới trừu tượng đó,” họa sĩ Maurice Denis chia sẻ trong đoạn giới thiệu triển lãm. “Và rồi họ sẽ tìm thấy, trên toàn bộ tác phẩm của Matisse … kỹ thuật tối giản hóa.”
Hậu Dã thú
Dã thú đóng vai trò chuyển giao giữa các trào lưu hội họa. Sau năm 1910, họa sĩ phái Dã thú tiếp tục ứng dụng những sáng tạo, tìm tòi của trường phái Dã thú vào các dự án mới thuộc giai đoạn về sau.
Nghệ thuật cắt dán
Đầu thế kỷ 20 diễn ra một cuộc cạnh tranh vị trí dẫn đầu giai đoạn hội họa hiện đại giữa Matisse và Pablo Picasso. Nổi tiếng là một người ưa xê dịch, Picasso liên tục tìm tòi, sáng tạo những kỹ thuật vẽ mới. Để có thể bắt kịp, Matisse cũng liên tục cho ra tác phẩm mới.
Tuy vậy, đặc điểm của trường phái Dã thú luôn xuất hiện ít nhiều trong các tác phẩm của ông, đặc biệt là trong những tác phẩm cắt dán. Xuất hiện cuối thập kỷ 1940, loạt sản phẩm cắt dán này tiếp thu nhiều đặc điểm từ trường phái Dã thú, từ màu sắc, hình dạng, cho tới kỹ thuật tối giản hóa.
“Kể từ Bonheur de Vivre – khi tôi 35 tuổi cho tới giai đoạn nghệ thuật cắt dán – khi tôi đã 82 tuổi, tôi đều không thay đổi.” Matisse chia sẻ, “không phải theo ý của những người bạn muốn tán thưởng tôi, cũng không bởi tôi có sức khỏe tốt, mà bởi xuyên suốt khoảng thời gian đó, tôi chỉ hướng tới những mục tiêu nhất định, bằng những phương thực khác nhau.”
Cézanne
Trái ngược với Matisse, người chỉ sử dụng những gam màu sáng trong suốt sự nghiệp hội họa, một vài đồng nghiệp của ông lại ưa chuộng những gam màu đất trầm. Những sắc màu trung tính này thường xuất hiện trong các tác phẩm thuộc giai đoạn hậu-Dã thú của André Derain và Maurice de Vlaminck, người đã tìm nguồn cảm hứng từ khung cảnh Cézanne.
Tuy nhiên, bảng màu trầm không phải đặc điểm duy nhất của hội họa giai đoạn sau 1910. Hậu Dã thú, rất nhiều họa sĩ đã thay thế những đường vẽ mềm mại bằng những nét vẽ thẳng, dứt khoát trong hình học. Điều này được minh chứng rõ nét nhất qua các tác phẩm thuộc trường phái Lập thể.
Trường phái Lập thể
Bên cạnh Pablo Picasso, họa sĩ người Pháp Georges Braque chính là nhà đồng sáng lập trường phái Lập thể. Trong các tác phẩm lập thể, đối tượng được mổ xẻ, phân tích và được kết hợp lại trong một hình thức trừu tượng. Mặc dù ngày nay, Braque được biết đến chủ yếu dưới cương vị một nhà tiên phong trường phái Lập thể, ít người biết rằng ông từng là một họa sĩ Dã thú trong khoảng năm 1905-1907, khi chủ nghĩa Lập thể đã bắt đầu nhen nhóm.
Bởi vậy, chủ nghĩa Dã thú có ảnh hưởng nhất định tới các tác phẩm Lập thể của danh họa. Tương tự các tác phẩm Dã thú giai đoạn trước, những bức tranh phong cảnh của ông được chia thành nhiều mảng màu phẳng khác nhau. Mặc dù những gam màu được Braque sử dụng về giai đoạn sau có phần trầm hơn giai đoạn trước, chúng vẫn thể hiện hứng thú sáng tạo và tìm tòi của Baraque.
“Tôi không hài lòng với lối vẽ truyền thống,” Barque giải thích trong một buổi phỏng vấn. “Nó máy móc, dập khuôn và không có năng lực truyền tải một cách trọn vẹn. Nó bắt đầu với một điểm nhìn rồi cứ mãi gắn liền với điểm nhìn ấy. Tuy nhiên điểm nhìn không quan trọng đến vậy.”
Hội họa đương đại
Ngày nay, rất nhiều họa sĩ đã vận dụng sáng tạo trường phái Dã thú. Từ bức tranh chân dung huỳnh quang của Todd James tới bức họa phong cảnh rực rỡ sắc màu của Marcel Mouly, tất cả đã truyền tải lối vẽ hoang dại, phóng khoáng cùng cách sử dụng màu sắc táo bạo và sinh động của trường phái Dã thú thông qua lăng kính hiện đại, qua đó khẳng định vị trí quan trọng của nó trong tiến trình lịch sử hội họa thế giới.