Chủ nghĩa Hình học/Neo-Geo, viết tắt của Neo-Geometric (Neo: mới mẻ, tân tiến/ Geometric: hình học), một hình thức nghệ thuật thị giác có sử dụng hình dạng hình học đơn giản và không đại diện cho bất cứ điều gì trong thế giới tự nhiên. Neo-Geo sử dụng góc cạnh của hình khối, các mảng miếng, kết cấu hình học hoặc áp dụng những nguyên lí hình học trong nghệ thuật và thiết kế. Neo-Geo đẹp từ những đường nét, mảng thô và chắc chắn nhờ kết cấu hình học vừa chặt chẽ vừa thống nhất.
Chủ nghĩa Hình học/Neo-Geo bắt đầu từ khi nào?
Chủ nghĩa Hình học/Neo-Geo hay Neo-Geometric, còn được biết đến với cái tên như Neo-Minimalism, là thuật ngữ xuất hiện vào đầu những năm 1980 tại Mỹ. Đây cũng là một phong trào nghệ thuật vô định hình thành cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Trên nhiều khía cạnh, Neo-Geo dựa trên những ảnh hưởng trước đó của Nghệ thuật Tối Giản Minimalist, Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng Abstract Expressionism cộng thêm những nhân tố như Pop Art, Op Art và Conceptual Art.
Một trong những điển hình, cũng là tiền thân của Neo-Geo phải kể đến Neoplasticism/ De Stijl (1917 – 1931) tại Amsterdam, Hà Lan. Nhiều nhánh khác nhau của Neo–Geo ngoài Neoplasticism còn rất đa dạng như Neo-Conceptualism, Neo-Futurism, Neo-Op, Neo-Pop, New Abstraction, Poptometry, Post-Abstractionism, Simulationism và Smart Art.
Nghệ sĩ tiêu biểu của Chủ nghĩa Hình học/Neo–Geo bao gồm Ashley Bickerton, Peter Halley, Jeff Koons, Meyer Vaisman, Philip Taaffe, Allan McCollum, Haim Steinbach, Ross Bleckner, John M. Armleder,Günther Förg…
Độc đáo Neo–Geo trong thiết kế
Các nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Hy Lạp, La Mã đều để lại di sản kiến trúc, đền đài với vẻ đẹp hình khối, hình học có tỉ lệ được tính toán hợp lý. Từ thời Phục hưng đến nay, ở Châu Âu và một số nền văn hóa khác, nghệ thuật tạo hình trong kiến trúc, hội họa cũng đã gắn với hình học. Tất cả đều liên quan với hình học và có nguồn gốc toán học từ xa xưa. Ngày nay, Thiết kế Neo–Geo chưa bao giờ hết đẹp từ những tính toán hợp lí, luôn mới mẻ và độc đáo.
Trong thiết kế, Neo–Geo được ưa chuộng bởi tính khoa học và sáng tạo, cũng bởi sự kết hợp các mảng và hình khối liên tục mang lại sự trẻ trung hiện đại. Neo–Geo lạ mắt là vậy, nhưng đòi hỏi sự sắp xếp cùng tư duy tỉ mẩn từ nhà thiết kế hệt như khám phá một công thức hình học phức tạp. Neo–Geo có thể hơi khô cứng, xù xì góc cạnh mà để gọt đẽo được hình thức đẹp nhất của nó không phải là một công việc dễ dàng. Dưới đây, cùng Designs.vn chiêm ngưỡng những sản phẩm được thiết kế theo phong cách Hình Học Neo – Geo. Chắc chắn, một trong số chúng sẽ đem đến cho bạn không ít kinh ngạc!
Trong kiến trúc, Neo–Geo cần nhiều hơn sự tính toán về ứng dụng kết cấu hình học, những kết quả mà nó mang, chất liệu có thể đảm nhận chắc chắn sự thay đổi giữa cấu trúc thông thường và cấu trúc phức tạp của hình học. Neo–Geo sử dụng không gian mở, không gian đa chức năng mang tính ước lệ dẫn tới bố cục mặt bằng được tự do. Những bức tường lúc đó sẽ không xác định không gian mà chỉ chịu lực và phân chia khoảng không, đúng với ý nghĩa cơ bản của chúng.
Lạ nhưng chắc chắn, đó chính là nghệ thuật đằng sau sự thô cứng mà Neo–Geo mang lại.